Nghệ An: Lao động tự do sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần theo Nghị quyết 68 |
7/12 chính sách hỗ trợ đã được thực hiện
Ông Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An - tại cuộc họp HĐND tỉnh sáng 12/8 cho biết, thời gian qua tỉnh quyết liệt tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68. Theo đó, 7/12 chính sách trong Nghị quyết 68 hỗ trợ đã được thực hiện. UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Quyết định số 2830/QĐ-UBND ngày 8/8, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (đợt 1). Sở LĐ-TB&XH Nghệ An đang phối hợp với Sở Tài chính trình UBND tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ (đợt 2).
Ông Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An - thông tin về công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 trong cuộc họp HĐND tỉnh sáng 12/8 |
Cụ thể, 7 chính sách được giải quyết gồm: Hỗ trợ người lao động ngừng việc; lao động ngừng việc đang nuôi con nhỏ; người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động là hướng dẫn viên du lịch; viên chức hoạt động nghệ thuật. Bảo hiểm Xã hội tỉnh Nghệ An đã thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động. Ngân hàng Chính sách xã hội đã hoàn tất thủ tục giải ngân cho vay 8 doanh nghiệp. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 22/2021/QĐ-UBND ngày 9/8 về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác trên địa bàn tỉnh; trong đó quy định rõ đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ và thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ.
Theo ông Lê Hồng Vinh, kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể: Tính đến ngày 9/8/2021, tỉnh đã hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động (đợt 1) là 61 người, với kinh phí hỗ trợ 179 triệu đồng. Bảo hiểm Xã hội hỗ trợ doanh nghiệp giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho 6.966 doanh nghiệp, với 148.518 lao động, kinh phí hỗ trợ trên 7 tỷ đồng. Hỗ trợ 6 doanh nghiệp tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất cho 536 người lao động với kinh phí hỗ trợ trên 5,5 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải quyết cho 5 doanh nghiệp vay vốn để trả lương cho 233 lao động, kinh phí cho vay trên 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Lê Hồng Vinh cũng thông tin, kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trước khi thực hiện Nghị quyết số 68, đến nay toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 627.575 người. Tổng kinh phí hỗ trợ trên 605 tỷ đồng. 849 doanh nghiệp/cơ sở, hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ là 849 hộ, kinh phí trên 2 tỷ đồng. Cơ quan bảo hiểm xã hội đã giải quyết tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất cho 84 đơn vị, doanh nghiệp và 2.614 lao động, kinh phí đã giải quyết hơn 5,6 tỷ đồng.
Dự kiến sẽ có hàng nghìn người dân Nghệ An được thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ Nghị Quyết 68 của Chính phủ và chính sách hỗ trợ riêng từ tỉnh Nghệ An. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An - ông Bùi Văn Hưng - cho biết, việc triển khai các chính sách hỗ trợ sẽ được thực hiện chặt chẽ theo trình tự, quy định; không để chồng chéo, chậm tiến độ. Trong đó, yêu cầu UBND các địa phương chỉ đạo các phường, xã, phòng ban đơn vị khẩn trương thực hiện việc hỗ trợ cho người dân, người lao động và doanh nghiệp sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Từ đó để triển khai kịp thời, đúng đối tượng, đúng mức hỗ trợ, đảm bảo công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Ông Lê Hồng Vinh cũng khẳng định, hiện tỉnh đang chỉ đạo các ngành và địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc
Thời gian qua, theo Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An, gói "Hỗ trợ người dân theo Nghị quyết 68" đã nhận được nhiều câu hỏi, thắc mắc của người dân về đối tượng, thủ tục hồ sơ, thời gian chi trả… ông Hưng cũng cho biết, sau hơn 1 tháng triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 có một số tồn tại, hạn chế và vướng mắc khi triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động bị chậm. Cụ thể là những vướng mắc người sử dụng lao động trên địa bàn, về chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế (đối tượng là F0, F1); chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh; chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động…
Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 sẽ được UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ trong đợt này |
Về vướng mắc liên quan đến việc xác định thời gian nghỉ hè và thời gian nghỉ phòng, chống dịch Covid-19 đối với các cơ sở giáo dục nói chung và cơ sở giáo dục mầm non tư thục nói riêng trùng với thời gian nghỉ hè nên ở một số địa phương lúng túng trong việc xem xét, giải quyết hỗ trợ. Cũng theo phản ánh từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An, nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục từ cơ quan thuế, các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn trên địa bàn TP. Vinh, thị xã Cửa Lò và các huyện khác phản ánh gặp khó khăn do không cung cấp được "Thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020".
Tiếp đến là một số địa phương ở Nghệ An triển khai chậm, chưa quyết liệt để triển khai. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa báo cáo, cập nhật kịp thời tiến độ và kết quả triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Trước những bất cập, vướng mắc trên, ông Bùi Văn Hưng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An - nhấn mạnh, Sở tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các cấp, các ngành triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Kế hoạch 386/KH-UBND ngày 15/7/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về việc thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 của Chính Phủ và các văn bản có liên quan. Sở LĐ-TB&XH đã yêu cầu các đơn vị cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn bằng nhiều hình thức, nhiều kênh thông tin để người dân hiểu rõ chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; đẩy nhanh quy trình xét duyệt, bố trí kinh phí hỗ trợ cho các nhóm đối tượng kịp thời. Cùng với đó chủ động trao đổi, nắm tình hình triển khai tại địa phương để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 phù hợp với tình hình ảnh hưởng của diễn biến của dịch.
Làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến chính sách hỗ trợ; tăng cường phối hợp các Sở, ngành, MTTQ và các đoàn thể, địa phương thường xuyên giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân ảnh hưởng bởi đại dịch. Đề xuất kịp thời ý kiến, kiến nghị, những khó khăn, vướng mắc có liên quan để kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp một cách nhanh và hiệu quả nhất.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).