Bán lẻ giữ đà tăng trưởng khá
Trong những tháng cuối năm 2020 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Nghệ An đã có nhiều khởi sắc so với tháng trước do tình hình dịch bệnh trong cả nước đã được kiểm soát tốt.
Ngành bán lẻ Nghệ An kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn vào dịp áp tết. |
Theo số liệu từ Sở Công Thương, trong số các lĩnh vực dịch vụ của Nghệ An đến nay chỉ có bán lẻ có mức tăng trưởng dương ước đạt 68.461 tỷ đồng, tăng 7,61% so với cùng kỳ.
Các nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 22.730 tỷ đồng, tăng 12,6%; nhóm hàng may mặc 4.163 tỷ đồng, tăng 3,4%; nhóm đồ dùng, dụng cụ gia đình 8.615 tỷ đồng, tăng 8,17%; nhóm ô tô 10.217 tỷ đồng, tăng 3,69%; nhóm xăng, dầu các loại 6.476 tỷ đồng, tăng 5,13% so với năm 2019…
Bước vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm, các doanh nghiệp bán lẻ tại Nghệ An đang kỳ vọng sức mua tăng cao để bù đắp cho một năm nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.
Các nhà kinh doanh nhận định, các ngành hàng từ đồ gia dụng, điện máy, thời trang… thường đắt hàng trong dịp cuối năm vì người dân có tâm lý mua sắm phục vụ tết Nguyên đán. Hơn nữa, người tiêu dùng sẽ mạnh tay hơn vì các nguồn tiền thường dồn về cuối năm mới thanh toán.
Chị Hằng Nga – tiểu thương kinh doanh quần áo chợ Vinh (Nghệ An) chia sẻ: “Cuối năm, mặt hàng quần áo thời trang thường sẽ được người dân chi tiền mua sắm nhiều hơn. Năm nay trời lạnh, nên mọi người tới tìm quần áo ấm khá nhiều. Mong rằng sức mua từ giờ đến cuối năm tăng hơn mấy tháng qua, bù lại cho cả năm buôn bán đìu hiu, ế ẩm. Chúng tôi chỉ trông chờ vào tháng gần tết này, giúp gỡ gạc được phần nào...”.
Còn các nhà bán lẻ, cũng đón tâm lý khách hàng, trong những tháng cuối năm, ngành bán lẻ cũng thường chạy các chương trình ưu đãi giảm giá, xả hàng để thu hút người tiêu dùng, tăng doanh số.
Kỳ vọng dịp cuối năm
Theo đánh giá của Sở Công Thương Nghệ An, sở dĩ bán lẻ tăng trưởng dương trong khi nhiều ngành khác ghi nhận mức sụt giảm là do sự chủ động và thích ứng nhanh của các đơn vị bán lẻ trên địa bàn. Theo đó, các hệ thống phân phối hiện đại tại Nghệ An đã triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại, đồng thời kích cầu mua bán hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử như, đặt hàng qua website, apps và hỗ trợ các chính sách giao hàng tận nơi miễn phí...
Thời trang luôn là mặt hàng được trông chờ sức mua sẽ tăng lên do nhu cầu mặc đẹp ngày tết. |
Ông Trần Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An đánh giá, sự thay đổi kịp thời về phương thức bán hàng đã góp phần giúp doanh nghiệp địa phương cải thiện được doanh thu, tạo hiệu ứng tốt cho thị trường bán lẻ, góp phần cải thiện doanh số, kéo người tiêu dùng trở lại.
Hoạt động kinh doanh thương mại thời điểm này thường sôi động hơn bởi bên cạnh tâm lý sắm sửa sau 1 năm thì đây cũng là đợt mua sắm lớn nhất năm. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, các đơn vị phân phối, đặc biệt là đơn vị lớn thường có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung hàng hóa cho dịp này...”.Ông Hải cho biết thêm.
Trên địa bàn Nghệ An trong suốt thời gian qua có khá nhiều doanh nghiệp đi tiên phong, trong các hoạt động như Big C, Vinmart, các chuỗi cửa hàng nhanh tiện lợi... đã triển khai bán hàng qua các ứng dụng thương mại điện tử... mang hàng hoá tận nhà, giúp người tiêu dùng thuận tiện hơn trong mua bán giao dịch hàng hoá.
Vừa qua, trong cuộc tổng kết Ngành Công Thương năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, ông Lê Hồng Vinh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ghi nhận, những nỗ lực của ngành Công Thương trong thời gian qua. Mặc dù trong bối cảnh kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều sản phẩm công nghiệp, thương mại dịch vụ tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Ngay từ bây giờ tích cực, chủ động tăng cường xúc tiến thương mại nhằm khai thác, tiêu thụ sản phẩm; Chủ động bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán - ông Vinh nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, có thể đến hết năm nay, tâm lý người tiêu dùng vẫn dè dặt các khoản chi tiêu nhưng sẽ ưu tiên các mặt hàng thực phẩm, sản phẩm thiết yếu, cũng như sản phẩm về sức khỏe, nên các loại thứ yếu khác như thời trang hay điện máy, phi thực phẩm dù có hồi phục cũng không đáng kể. Điều này được đánh giá sẽ mang đến cơ hội cho các nhà sản xuất địa phương. Thế nhưng, để chiếm được niềm tin, tăng sức mua thì các nhà cung cấp địa phương cần cung cấp sản phẩm tốt, có giá trị phù hợp với nhu cầu chung của người tiêu dùng và đảm bảo sự có mặt sản phẩm trên quầy kệ.
Mặc dù chưa thể phục hồi như thời điểm trước dịch nhưng những tháng cuối năm, thị trường bán lẻ ở Nghệ An kỳ vọng sẽ sôi động hơn so với thời gian vừa qua. Thị trường trong nước tiếp tục giữ vai trò là động lực sản xuất đối với các DN trên địa bàn. Cũng theo ngành Công Thương Nghệ An, những chỉ tiêu cơ bản của năm 2021 về doanh thu bán lẻ hàng hóa sẽ đạt ước đạt 73.000 tỷ đồng tăng trưởng 8,8%.