Chậm tái đàn, giá thịt lợn không có dấu hiệu “hạ nhiệt”
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương vào sáng ngày 21/5, tại TP. Vinh - Nghệ An, giá lợn hơi vẫn trên đà tăng mạnh, dao động từ 98.000 - 100.000 đồng/kg, tăng khá cao so với đầu tháng 4. Mức giá này cao hơn nhiều so với cam kết hạ giá trước đó là 70.000 đồng/kg.
Giá thịt ở các chợ dân sinh trên địa bàn TP. Vinh (Nghệ An) vẫn neo ở mức cao |
Giá lợn hơi tăng kéo theo giá thịt lợn tại các chợ dân sinh cũng tăng cao trong mấy ngày gần đây. Theo khảo sát của phóng viên tại một số chợ dân sinh như chợ Vinh Tân, Quán Lau, Quang Trung (TP. Vinh, Nghệ An)... giá thịt lợn ở mức rất cao.
Cụ thể, thịt ba chỉ, sườn có giá 190.000 đồng/kg, thịt, xương có giá từ 170.000 - 180.000 đồng/kg, thịt nạc thăn có giá 180.000 - 190.000 đồng/kg...
Tại các siêu thị, giá thịt lợn cơ bản vẫn không có nhiều biến động, nhưng vẫn ở mức cao từ 180.000 - 290.000 đồng/kg.
Theo anh Trần Văn Hải, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Vinh Tân - TP. Vinh, giá lợn hơi được mua vào với giá 97.000 đồng/kg, cá biệt có một số tiểu thương mua với giá 100.000 đồng/kg mà cũng không có để mua.
Người dân mua thịt heo tại chợ VinhTân - TP. Vinh (Nghệ An) |
Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, hầu hết đàn lợn nái của người dân bị thiệt hại khiến con giống khan hiếm và phụ thuộc vào các DN lớn. Bà Nguyễn Thị Vân (xã Hưng Lộc, TP. Vinh) cho biết, trước gia đình bà lúc nào cũng có khoảng trên dưới 10 con lợn thịt và rất muốn tăng đàn nhưng không mua được con giống.
Dù tính đến phương án giữ lại một vài con lợn đẹp làm lợn nái để chủ động được nguồn con giống, nhưng bà Vân cho biết thời gian nuôi lợn hậu bị đến khi đẻ lứa đầu tiên kéo dài gần cả năm, trong khi chưa biết giá lợn thời gian tới như thế nào.
Theo một số thương lái trên địa bàn Nghệ An, lợn trong dân hiện tại không có, trước đây mua trong dân giờ dân không kịp tái đàn. Hiện thương lái phải mua lợn qua một số doanh nghiệp nhưng giá chênh lệch hơn chục ngàn đồng/kg. Do đó thương lái phải mua lợn hơi nhập từ Lào về để bán giữ khách.
Người tiêu dùng và hộ chăn nuôi đều chịu thiệt
Trao đổi với PV, đại diện một số DN chăn nuôi ở Nghệ An cho rằng, việc giảm giá lợn hơi xuất chuồng thời gian qua là do chỉ đạo từ các cơ quan chức năng nhưng cũng không thể kéo dài được lâu vì giá bên ngoài thị trường vẫn ở mức cao.
Thịt lợn trên kệ một siêu thị trên địa bàn Nghệ An - giá vẫn rất cao |
"Giá lợn cao bản chất là do nguồn cung thịt lợn bị thiếu. Như vậy, cả người chăn nuôi và người tiêu dùng đều không được hưởng lợi, mà chỉ có một bộ phận thương lái gom heo ở các nhà máy là siêu lợi nhuận" - vị này chia sẻ.
Thời điểm này, theo nhiều chuyên gia cách tốt nhất là người tiêu dùng chuyển sang dùng loại thịt khác thay thế thịt lợn. Thời gian qua giá gà, gia cầm giảm sâu, nhiều lúc thấp hơn giá rau. Giá trứng gia cầm cũng ở mức thấp, giá các loại cá xuất khẩu bị dừng cũng ở mức rất rẻ. Người tiêu dùng có thể thay thế thịt lợn bằng các loại thịt này vừa đảm bảo chi tiêu mà giảm nhu cầu vào thịt lợn.
Thời gian tới để bình ổn giá thịt lợn, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo ổn định cung cầu, kiểm soát tốt giá lợn, nên đưa thịt lợn vào diện mặt hàng bình ổn giá. Tuy nhiên muốn vậy, việc đầu tiên là cần có đầy đủ hệ thống lưu trữ, số liệu, tính toán được, tránh đầu cơ tích trữ, tránh tình trạng lợi ích nhóm. Khi đã thiết lập được hệ thống số liệu thì cần có quy định chặt chẽ về mặt luật pháp, siết chặt kỷ cương để triển khai.
Điều tiết cung cầu là gốc rễ hiện nay, giá thịt lợn thị trường chỉ là phần ngọn. Trong lúc đang chờ tái đàn, cần phải đôn đốc nhập khẩu để ổn định thị trường; tạo thêm các chuỗi cung ứng khép kín từ sản xuất, lò mổ đến chế biến, bán lẻ, để giảm chi phí khâu trung gian, góp phần giảm giá bán lẻ trên thị trường.