Theo số liệu công bố của UBND tỉnh Nghệ An, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên cả nước, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động thương mại dịch vụ. Cụ thể, khiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước đạt 3.691 tỷ đồng, giảm 33,73% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 44.739 tỷ đồng, giảm 7,37% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm đạt 3.483,07 tỷ đồng, giảm 65,93% so cùng kỳ. Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ khoảng tháng 6 đến nay, hoạt động du lịch gần như “đóng băng”, doanh thu dịch vụ du lịch bằng 50% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó nặng nề nhất là hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn do các biện pháp siết chặt để phòng, chống dịch khiến doanh thu vận tải, kho bãi ước đạt 7.475,1 tỷ đồng, giảm 96,12% cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước đạt 3.691 tỷ đồng, giảm 33,73% so với cùng kỳ năm 2020 |
Theo Sở Công Thương Nghệ An, 9 tháng qua nhiều cơ sở kinh doanh, đặc biệt là các loại hình kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa, trong khi đó cơ sở phải chịu rất nhiều chi phí từ mặt bằng kinh doanh, các khoản nợ ngân hàng, chi phí hàng hóa tồn đọng.
Hoạt động giao thương hạn chế, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển hàng hóa trên thị trường, dẫn đến việc giãn, hủy, hoãn các đơn đặt hàng,... gây khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm địa phương cũng như cung ứng hàng hóa, nhất là các sản phẩm thiết yếu. Dẫn đến công tác thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, đặc biệt các loại hình hạ tầng thương mại hiện đại như các trung tâm thương mại, siêu thị gặp rất nhiều khó khăn, Một số dự án đầu tư gặp khó khăn, chậm hoặc phải điều chỉnh tiến độ như dự án chợ Đô Lương, chợ Hoàng Mai…
Cũng theo Sở Công Thương Nghệ An, dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc làm, thu nhập của người dân ảnh hưởng nặng nề nên nhu cầu tiêu dùng giảm sút; thị trường xuất khẩu trong và ngoài nước bị thu hẹp; doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, một số doanh nghiệp phải giảm quy mô sản xuất kinh doanh do bị thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào,... và phải đối mặt với việc sụt giảm nguồn thu để bù đắp cho các chi phí khác; nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô hoạt động để vượt qua khó khăn.
Cùng với đó, phí vận chuyển, kho bãi gia tăng, do các doanh nghiệp vận tải phải thực hiện thêm nhiều các biện pháp phòng chống dịch như hạn chế đi lại, xét nghiệm lái xe liên tục, giá xăng dầu tăng… làm tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Để thúc đẩy thị trường bán lẻ phát triển trong tình hình dịch Covid-19 còn kéo dài như hiện nay, ông Phạm Văn Hoá - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An - cho hay, Sở sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, biện pháp cụ thể để kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong tỉnh hiệu quả, bền vững.
Theo đó, Sở Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các chương trình, giải pháp kích cầu tiêu dùng, chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hoá bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại địa phương, tạo thuận lợi và đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Sắp tới, Sở sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh để phù hợp với đặc điểm tình hình mới. Hơn nữa, cùng với lực lượng quản lý thị thường Sở Công Thương cũng chú trọng phòng, chống buôn lâu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Từ đó, góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước để thị trường bán lẻ phát triển bền vững trong tình hình mới.