CôngThương - Các anh hỏi, đầu xuân, nghĩ về thương mại miền núi, ông nghĩ đến điều gì ư? Tôi nghĩ đến chợ. Đặc biệt là chợ xuân. Đất trời đem xuân đến chợ. Để rồi, mọi người đến chợ rước xuân về nhà. Chợ là nơi để mọi người gặp gỡ, chào đón mùa xuân. Xuân chỉ chọn chợ và chợ cũng chỉ chọn xuân. Bởi vậy, chỉ có chợ xuân mà không có chợ hè, chợ thu, chợ đông! Chợ nói chung và chợ xuân ở miền núi nói riêng chứa đựng rất nhiều tầng lớp giá trị. Có thể ví chợ là “ăng-ten” nối đồng bào với đời sống xã hội. Đi chợ không phải chỉ để mua bán, mà còn làm các “video clip” về những gì tai nghe, mắt thấy...
Đối với câu hỏi, chợ miền núi, điều gì làm ông quan tâm nhất? Tôi nói hơi ngoa một chút, ở miền núi, hơn “ba phần tư” thương mại là chợ. Chợ mà tốt thì về cơ bản, thương mại sẽ tốt. Chợ muốn tốt, phải thực hiện tốt mục đích và công năng của chợ. Khác với chợ miền xuôi, chợ miền núi trước hết là chợ để bán, chợ của người bán, rồi mới đến chợ để mua, chợ của người mua. Có bán thì mới có mua. Đồng bào đến chợ để bán các sản phẩm của mình làm ra, từ đó có tiền để mua những thứ mình cần. Bà con thường không mang tiền đi chợ, mà chủ yếu là mang hàng đi chợ. Chợ miền núi trước hết phải giúp bà con bán được hàng. Đặc điểm về mục đích và công năng này của chợ miền núi cực kỳ quan trọng, nó chi phối tư duy phát triển và quản lý chợ. Thiết kế xây dựng chợ như thế nào để có không gian thuận lợi cho đồng bào bán các sản phẩm của mình? Tổ chức hoạt động chợ như thế nào để kết nối được đồng bào với các nhà bán buôn, thiết lập được kênh lưu thông những sản phẩm này đi ra thị trường ngoài địa bàn? Hãy trả lời 2 câu hỏi này trước rồi hãy nghĩ đến chuyện tổ chức bán thứ gì cho bà con. Lâu nay, nhiều nơi chỉ cốt làm chợ cho to, sắp đặt nhiều quầy nhiều sạp, xây cất nhiều ki-ốt để thu hút nhiều nhà buôn vào bán hàng. Như thế là tư duy lộn ngược, là vì chủ của chợ chứ không phải vì khách của chợ. Chợ miền núi, do vậy mà không hỏng, thì mới là chuyện lạ. Không bán được sản phẩm, bà con lấy đâu ra tiền để mà mua!
Tiếp đến “một công đôi ba việc”, mỗi lần đồng bào đi chợ là để thoả mãn nhiều nhu cầu trong cuộc sống. Xa phố phường đô thị, bà con muốn ở chợ có thể giải quyết được nhiều việc. Cho nên, chung quanh chợ phải quy tụ nhiều cơ sở kinh doanh, như các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các cơ sở sửa chữa, may vá và cung cấp các dịch vụ thiết yếu khác... Có thể hình dung đó là một khu giao dịch tập trung thu nhỏ, đơn giản nhưng thiết thực, trong đó chợ là “hạt nhân”, chưa cần “rực rỡ và hoành tráng” gì cao xa, mà lấy thuận tiện cho bà con làm trọng.
Thứ nữa, một đặc tính có dấu vết của văn hoá truyền thống, đó là vị trí (địa điểm) lập chợ. Đối với đồng bào miền núi, quen và tiện là trên hết. Chưa chắc những chợ rộng rãi, đắc địa đã là phù hợp. Không thể lấy ý chí của chính quyền, tính toán của nhà đầu tư để thay cho tâm lí của bà con. Âu cũng là cách xem “phong thổ” đặc thù của chợ miền núi.
Vậy phải làm gì để chợ đem đến cho bà con được “tổ hợp” các giá trị như vậy? Theo tôi, cơ bản và đầu tiên phải có chợ cho bà con họp. Rồi mới tính đến chuyện chợ phải mang được âm (thanh), mùi (vị), và màu (sắc) riêng của chợ miền núi.
Vẫn biết, địa bàn này không phải “miền đất hứa” để hấp dẫn các doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư chợ. Đồng bào, kể cả người kinh doanh trong chợ cũng còn nghèo, khó có thể góp tiền xây chợ. Trong điều kiện ấy, Nhà nước, chứ không ai khác, phải là nhà đầu tư, nhà tổ chức chợ, bằng cách:
- Vận dụng triệt để các chính sách hiện hành về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư (bằng tiền, bằng thuế, bằng lãi suất, bằng đất đai, bằng kỹ thuật...) thể hiện trong các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của các bộ...
- Nhạy bén, sáng tạo trong việc lồng ghép “cài đặt” dự án chợ vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, vùng cao, vùng sâu, các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo, nơi đồng bào thiểu số sinh sống...
- Quán triệt nguyên tắc “làm đâu được đó”, quy mô vừa phải, không ham “hoành tráng”, miễn là bền chắc, sạch sẽ, thông thoáng, đủ chỗ trong nhà ngoài sân cho bà con giao dịch. Đặc biệt, chú trọng xây dựng các sân bãi ngoài trời, thiết kế theo tuyến, theo dãy, cao ráo, sạch sẽ, có bục có bệ, rộng rãi, dễ dàng cho đi lại và giao dịch mua bán. Bà con thấy thuận lợi và đúng với thói quen là chợ thành công.
Có chợ rồi, quản lý và khai thác chợ thế nào cũng là khâu cực kỳ quan trọng. Tài nghệ là ở chỗ phát huy được tối đa các tầng lớp giá trị hình dạng “lập thể” của chợ miền núi. Tài nghệ chưa cao thì phải học tập và trau dồi kinh nghiệm thêm.
Hiện Bộ Công Thương đã và đang thực hiện chương trình đào tạo, tập huấn cho các Ban Quản lý chợ cả nước. Tôi kiến nghị Bộ mở một “seri” lớp học nâng cao kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm tổ chức quản lý chợ riêng cho các tỉnh miền núi.
“Cái gì của Ceasar thì trả lại cho Ceasar”! Làm chợ cho đồng bào thì phải đúng là chợ của đồng bào.