Ngày này năm xưa 6/6: Quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN Ngày này năm xưa 7/6: Phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam |
Chuyên mục Ngày này năm xưa trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương, quốc tế và các sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 8/6.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 8/6/1945, theo chủ trương của Trung ương Đảng, nhân dân Đông Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương đã nổi dậy đánh chiếm các đồn Đông Triều, Chí Linh, Mạo Khê, Tràng Bạch, lập ra "Đệ tứ chiến khu", tức chiến khu Trần Hưng Đạo.
Đình Hổ Lao, nơi diễn ra sự kiện thành lập chiến khu Trần Hưng Đạo - Ảnh tư liệu |
Ngày 8/6/1967 Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra "Tuyên bố công nhận biên giới hiện tại của Vương quốc Cǎmpuchia". Bản tuyên bố viết: "Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà trịnh trọng tuyên bố:
1. Công nhận và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia trong biên giới hiện tại.
2. Hoàn toàn tán thành tuyên bố ngày 31 tháng 5 nǎm 1967 của Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam công nhận biên giới hiện tại giữa miền Nam Việt Nam và Camphuchia.
Ngày 8/6/1969, do những thất bại trên chiến trường và chịu sức ép của phong trào phản chiến ở Mỹ, Tổng thống Hoa Kỳ Nichơn tuyên bố đợt rút quân đầu tiên 25.000 lính Mỹ khỏi Việt Nam. Đợt thứ hai là 35.000 lính vào tháng 8/1969.
Ngày 8/6/2001: Ngày truyền thống của Trung tâm Khảo sát thiết kế công trình quốc phòng, Binh chủng Công binh. Trung tâm được thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết về xây dựng công trình chiến đấu, công trình quốc phòng tại các địa bàn chiến lược trên phạm vi cả nước, để sẵn sàng ứng phó, tự vệ trước các cuộc chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao của các thế lực thù địch (nếu xảy ra), đáp ứng yêu cầu về chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ngày 8/6/2026, Bộ Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư liên tịch số 14/2016/TTLT-BTTTT-BKHCN, của liên Bộ: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ hướng dẫn trình tự, thủ tục thay đổi, thu hồi tên miền vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Ngày 8/6/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 54/2018/TT-BTC ngày 8/6/2018 hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2019 – 2021.
Ngày 8/8/2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 103/2020/QH14 phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu.
Nghị quyết quy định về tổ chức thực hiện điều ước quốc tế gồm các đơn vị: Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, thực hiện có hiệu quả và theo đúng lộ trình các cam kết trong Hiệp định.
Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Hiệp định; phê duyệt, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định; chuẩn bị nguồn lực để bảo đảm tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi thế mà Hiệp định đem lại; xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định, hạn chế tối đa các trường hợp tranh chấp với nhà đầu tư mà phía Việt Nam là bị đơn; tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân; thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả và hiệu quả thực thi các cam kết đã ký trong Hiệp định, định kỳ hàng năm báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Hiệp định.
Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục đối ngoại về việc phê chuẩn Hiệp định và thông báo thời điểm Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam.
Ngày 8/6/2020, Quốc hội phê chuẩn Nghị quyết số 102/2020/QH14 của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu.
Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU |
Việc đàm phán và ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) phù hợp với chủ trương tăng cường quan hệ nhiều mặt, nhất là quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). EVFTA mở ra cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng trao đổi thương mại và thu hút đầu tư từ các quốc gia thành viên EU. Trên thực tế, đã có những dữ liệu cho thấy một số tác động ban đầu tích cực đối với Việt Nam về trao đổi thương mại, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cải cách thể chế..., tuy nhiên, một số lĩnh vực của Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn từ việc thực hiện hiệp định này.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được đánh giá là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới toàn diện, chất lượng cao. Hiệp định gồm 17 chương, 8 phụ lục, 2 nghị định thư, 2 biên bản ghi nhớ và 4 tuyên bố chung điều chỉnh nhiều vấn đề, bao gồm: thương mại hàng hóa (các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh, an toàn thực phẩm (SPS), các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý - thể chế.
Các cam kết cắt giảm thuế quan và thuận lợi hóa thương mại trong EVFTA ở mức độ cao. Theo lộ trình, EU sẽ xóa bỏ đến hơn 85% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.
Còn về phía Việt Nam, chúng ta cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu của EU ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ này tương ứng là 98,3% số dòng thuế và 99,8% kim ngạch xuất khẩu của EU. Khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)(3). Thỏa thuận cũng có các điều khoản cụ thể để giải quyết các rào cản phi thuế quan trong lĩnh vực ô-tô và sẽ bảo vệ một số sản phẩm thực phẩm và đồ uống truyền thống của châu Âu tại Việt Nam thông qua bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Qua hiệp định này, các công ty EU sẽ có thể tham gia đấu thầu bình đẳng với các công ty trong nước của Việt Nam.
So với các FTA đa phương mà Việt Nam đã và đang tham gia, tính tới thời điểm ký kết, phạm vi cam kết trong EVFTA được đánh giá là rộng nhất. Không chỉ có vậy, mức độ cam kết của Việt Nam cũng như cam kết mà một đối tác EU dành cho Việt Nam cũng được đánh giá là cao so với các hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết. Phía EU nhận định EVFTA là hiệp định thương mại toàn diện nhất mà khối này ký kết với một nước đang phát triển.
Sự kiện quốc tế
Ngày 8/6/1810: Ngày sinh nhà soạn nhạc thiên tài và phê bình âm nhạc nổi tiếng người Đức Robert Schumann.
Ngày 8/6/1969: Do những thất bại trên chiến trường và chịu sức ép của phong trào phản chiến ở Mỹ, Tổng thống Hoa Kỳ Nichơn tuyên bố đợt rút quân đầu tiên 25.000 lính Mỹ khỏi Việt Nam. Đợt thứ hai là 35.000 lính vào tháng 8-1969.
Ngày 8/6/1988, Ngoại trưởng Liên Xô Eduard Shevardnadze tuyên bố trước Liên hiệp quốc rằng Liên Xô sẵn sàng ngừng vĩnh viễn các vụ thử vũ khí hạt nhân nếu như Mỹ cũng đồng ý làm như vậy.
Ngày 8/6/1992, các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh Trái đất tại Rio de Janero, Brazil thông qua việc thành lập một cơ chế mới của Liên hợp quốc nhằm giám sát việc tuân thủ các hiệp ước về môi trường.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 8/6/1911, tàu Amiral Latouche-Trêville, trên đó có thủy thủ Văn Ba (tức Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh), ghé cảng Singapore trên hải trình qua Pháp.
Tàu Latouche – Tréville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước (Nguồn: Internet) |
Tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc viết thư từ biệt các bạn cùng hoạt động trước khi bí mật rời Paris để đến Liên Xô: "Bao lâu nay chúng ta làm việc với nhau. Mặc dầu chúng ta là những người khác giống, khác nước, khác tôn giáo, chúng ta đã thân yêu nhau như anh em. Chúng ta cũng chịu chung một nỗi đau khổ: Sự bạo ngược của chế độ thực dân. Chúng ta đấu tranh vì một lý tưởng chung: Giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta... Chúng ta phải làm gì?... Đối với tôi, câu trả lời đó rõ ràng: Trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập... Tôi từ giã các bạn. Tôi xa các bạn, nhưng lòng tôi luôn luôn gần các bạn".
Ngày 8/6/1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, Toàn quyền Đông Dương Robin gửi điện khẩn cho Bộ Thuộc địa yêu cầu can thiệp sớm để: “Những người cộng sản bị bắt sẽ được chuyển về Đông Dương trên một tàu thủy của Pháp để xét xử” và nếu không thì “vận động Bộ Ngoại giao Pháp thỏa thuận với Bộ Ngoại giao Anh giam giữ Nguyễn Ái Quốc, đại biểu chính thức của Quốc tế Cộng sản ở Viễn Đông và cộng sự của ông ta tại một nhượng địa xa nào đó”, đổi lại phía Pháp cũng làm như vậy với các đảng viên Đảng Cộng sản Ấn Độ hoặc Miến Điện thuộc Anh.
Tiếp tục hành trình sang thăm nước Pháp, ngày 8/6/1946, trong thời gian lưu lại ở Le Caire, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến chào vua Ai Cập và được đại diện nhà vua tiếp trọng thể vì vị quân vương đi vắng. Sau đó, Bác thăm Bảo tàng Ai Cập, các kim tự tháp và tượng nhân sư.
Cùng ngày, nhận được tin ở Sài Gòn, thực dân Pháp lập Chính phủ “Nam kỳ tự trị”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chất vấn tướng Salan: “Tại sao không báo cho tôi biết tin này trước khi tôi lên đường? Thật là một âm mưu phi pháp. Tướng quân này, các ông đừng biến Nam bộ thành một thứ Alsace-Lorraine (vùng đất của Pháp bị cắt cho Đức trong Đại chiến I) mới, nếu không chúng ta sẽ đi đến cuộc chiến tranh trăm năm đấy...”.
Ngày 8/6/1959, nói chuyện tại Hội nghị toàn Đảng bộ Khu Việt Bắc, Bác khẳng định: “Việt Bắc là nơi “rừng vàng, núi bạc”. Rừng vàng vì rừng Việt Bắc có rất nhiều gỗ và lâm sản có thể đổi lấy nhiều máy móc, hàng hóa. Các địa phương phải chú ý bảo vệ rừng và trồng cây, gây thêm rừng. Núi bạc, vì núi non Việt Bắc có nhiều quặng có thể xây dựng công nghiệp để phát triển kinh tế...”.
Cùng ngày, Bác đến thăm công trường xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên.
Bác Hồ tới thăm khu gang thép Thái Nguyên - Ảnh tư liệu |
Ngày 8/6/1967, nhân chiếc máy bay thứ 2.000 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc nước ta, Bác viết thư biểu dương các lực lượng vũ trang đã “kiên quyết chiến đấu vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc mình, đồng thời góp phần tích cực vào sự nghiệp độc lập dân tộc và bảo vệ hòa bình thế giới”.
Ngày 8/6/1968, Bác thăm hỏi chị Trần Thị Lý, một chiến sĩ Nam Bộ bị giặc bắt và tra tấn dã man ra miền Bắc chữa bệnh.
(Theo Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa, t.1, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010 và Hồ Chí Minh toàn tập - NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011)