Ngày này năm xưa 3/6: Ngày truyền thống ngành Công nghiệp Việt Nam Ngày này năm xưa 5/6: Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước |
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 6/6/1887: Ngày mất của nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng. Ông sinh năm 1860 ở xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Nǎm 1855, ông đỗ cử nhân nhưng ngay khi đó nổ ra cuộc nổi dậy ở Huế, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Mai Xuân Thưởng cùng với các sĩ phu khác chiêu mộ nghĩa quân chống Pháp ở Bình Định và đã tiêu diệt nhiều binh lính địch.
Giặc Pháp nhiều lần gửi thư dụ hàng nhưng không lay chuyển được ý chí của ông. Nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng nói: “Chỉ có thể chém đầu tôi, chứ không thể bắt tôi đầu hàng”.
Tháng 4/1887, giặc Pháp dùng thủ đoạn bắt giam dân làng, tra tấn mẹ của Mai Xuân Thưởng, buộc ông phải nộp mình để cứu mẹ cùng dân làng. Mai Xuân Thưởng bị xử chém tại Bình Định ngày 6/6/1887 khi mới 27 tuổi.
Các đại biểu biểu quyết nhất trí bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn Chính phủ, tháng 6/1969. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia |
Từ ngày 6 đến ngày 8/6/1969: Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam đã ra nghị quyết thành lập chế độ cộng hòa miền Nam, nhất trí bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch, và Hội đồng cố vấn Chính phủ do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch.
Đại hội cũng đã ra lời kêu gọi quân và dân miền Nam đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến toàn thắng. Ngay trong tháng 6/1969, đã có 23 nước công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trong đó 21 nước đã đặt quan hệ ngoại giao.
Từ ngày 5 đến 8/6/1976 đã diễn ra Hội nghị thống nhất Công đoàn toàn quốc. Hội nghị đã nghe báo cáo của Tổng Công đoàn Việt Nam và Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam Việt Nam, thông qua nguyên tắc thống nhất tổ chức công đoàn hai miền, thông qua danh sách Ban Chấp hành Tổng Công đoàn, Đoàn Chủ tịch, Ban Thư ký và Ban Kiểm tra tài chính.
Hội nghị quyết định lấy tên Công đoàn thống nhất toàn quốc là Tổng Công đoàn Việt Nam.
Ngày 6/6/1997, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 813/1997/QĐ-BCN về việc thành lập Trung tâm nghiên cứu cây nguyên liệu giấy thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam.
Ngày 6/6/2000, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 36/2000/QĐ-BCN về việc tiếp nhận và chuyển giao Công ty Dệt kim Hoàng Thị Loan làm thành viên của Tổng Công ty Dệt - May Việt Nam.
Ngày 6/6/2001, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 33/2001/QĐ-BCN về việc ban hành tạm thời Bảng hệ số điều chỉnh đơn giá dự toán không tính khấu hao tài sản cố định cho công tác điều tra cơ bản về địa chất và khoáng sản rắn đới biển nông ven bờ.
Ngày 6/6/2003, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 96/2003/QĐ-BCN về việc phê duyệt Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội.
Ngày 6/6/2007, ngày ban hành văn bản số 0036/BTM-DM Danh sách cán bộ Ban dệt may Liên Bộ Thương mại - Bộ Công nghiệp và Hướng dẫn cách liên hệ với Ban Dệt may.
Ngày 6/6/2008, ngày ban hành văn bản số 3767/VPCP-KTN Khẩn trương triển khai các dự án thuộc Quy hoạch điện VI.
Ngày 6/6/2011, ngày ban hành Quyết định số 859/QĐ-TTg về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà trong mùa lũ năm 2011.
Ngày 6/6/2013, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3695/QĐ-BCT về việc bổ sung danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được.
Ngày 6/6/2022, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 10/2022/TT-BCT quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN.
Ngày 6/6/2022, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 10/2022/TT-BCT quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN |
Sự kiện thế giới
Ngày 6/6/1606: Ngày sinh Pierre Corneille - người đặt nền móng và là đại biểu xuất sắc của nền bi kịch cổ điển Pháp.
Được hưởng một nền giáo dục vững vàng, kiến thức sâu rộng, từ nǎm 23 tuổi Pierre Corneille đã sáng tác kịch thơ. Ông có hàng loạt hài kịch. Nhưng chính tác phẩm bi kịch mới làm tên tuổi ông rạng rỡ. Tiêu biểu là các vở bi-hài kịch xuất sắc có ý nghĩa chuyển giai đoạn là "Mêđê", "Lơ xít", và tiếp theo là các vở bi kịch nổi tiếng "Orax", "Xina".
Các sáng tác của Pierre Corneille góp phần vào giai đoạn phát triển của nền bi kịch cổ điển Pháp và đưa nó đến trình độ hoàn chỉnh.
Ngày 6/6/1799 là ngày sinh của nhà thơ, nhà vǎn thiên tài Puskin, ông sinh ra trong một gia đình quý tộc Mátxcơva.
Từ nhỏ Puskin được hưởng mọi điều kiện để học tập và phát triển tài nǎng. Thắng lợi của quân dân Nga trong cuộc chiến tranh vệ quốc chống Napôlêông (1812) đã bồi dưỡng cho ông thêm tinh thần yêu nước, yêu tự do, chống cường quyền bạo lực, cǎm ghét ách nô dịch. Thời học sinh, Puskin đã sáng tác một số bài thơ, tiêu biểu là bài "Hồi ức ở Hoàng Thôn", báo hiệu tài nǎng và hướng đi tương lai của nhà thơ.
Sau khi tốt nghiệp trung học Puskin làm việc ở Bộ Ngoại giao. Thời gian này, khí thế cách mạng sôi nổi, ông đã viết một số bài thơ cổ vũ nhiệt tình đấu tranh chống chế độ Nga hoàng, kêu gọi giải phóng nhân dân. Nga hoàng ra lệnh trục xuất ông khỏi Pêtecbua và lưu đày.
Trong thời gian bị lưu đày, ông tiếp tục làm thơ. Về phương pháp sáng tác, từ chủ nghĩa lãng mạn cách mạng với những bài thơ trữ tình ông chuyển sang phương pháp hiện thực viết về cuộc sống hàng ngày phong phú, đầy hương vị của đất nước Nga. Cuốn tiểu thuyết thơ "Epghênhi Ônhêghin", vở bi kịch lịch sử "Bôrit Gôđunốp", những tác phẩm vǎn xuôi "Người da đen của Piôt đại đế", "Người trưởng trạm", "Người con gái viên đại uý"... là những tác phẩm đặt nền móng cho phương pháp văn học hiện thực ở nước Nga.
Tượng đài Pushkin tại Công viên Hòa Bình, thủ đô Hà Nội |
Puskin đã tham gia trận quyết đấu vào ngày 10/2/1837 để bảo vệ danh dự, và ông đã bị sát hại. Nhân dân Nga vô cùng thương tiếc nhà thơ vĩ đại mà sự nghiệp gắn chặt với cuộc vận động cách mạng Nga đầu thế kỷ XIX, một người đã có nhiều đóng góp cho nền vǎn học Nga.
Ngày 6/6/1875, là ngày sinh của nhà vǎn hiện thực phê phán nổi tiếng của nước Đức - Thomas Mann. Ông được nhận giải Nôben về vǎn học nǎm 1929. Thomas Mann kiên quyết chống chế độ quốc xã phát xít, phê phán xã hội tư bản, tiếp tục truyền thống nhân đạo của Gớt và Silơ. Ông qua đời ngày 12/8/1955.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 6/6/1931, Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát Hồng Kông bất ngờ vây bắt tại ngôi nhà số 168 đường Tam Lung, Khu Cửu Long. Khi đó Người mang tên Tống Văn Sơ. Những đồng chí cách mạng người Việt Nam ở đây đã cấp báo với luật sư tiến bộ người Anh Francis Henri Loseby, Giám đốc Công ty luật RUSS ở Hồng Kông, đề nghị giúp can thiệp. Kể từ đây, bắt đầu một sự kiện được gọi tắt là “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”.
Đế quốc Anh đã mật giam Nguyễn Ái Quốc trong một xà lim riêng ở Hồng Kông, vu cho Người là "Tay sai của Nga-Xô", "có âm mưu phá hoại chính quyền Hồng Kông". Mùa xuân nǎm 1933, với sự giúp đỡ của luật sư Loseby, Nguyễn Ái Quốc được trả tự do.
Ngày 6/6/1938, đang sống ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc, với bí danh là Lin, đã gửi thư cho “một đồng chí trong Quốc tế Cộng sản”, nêu rõ hoàn cảnh: “Hôm nay là kỷ niệm lần thứ bảy việc tôi bị bắt giữ ở Hồng Kông. Đó cũng là mở đầu năm thứ tám tình trạng không hoạt động của tôi... Hãy giao cho tôi làm một việc gì mà theo đồng chí là có ích... đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng...”. Đây chính là thời kỳ Nguyễn Ái Quốc phải chịu đựng nhiều thử thách vì những quan điểm độc lập của mình và cũng là thời điểm đang tìm mọi cách để về nước hoạt động.
Ngày 6/6/1941, Nguyễn Ái Quốc viết thư “Kính cáo đồng bào” gửi tới các tầng lớp nhân dân cả nước nhằm triển khai nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 8.
Bức thư thực sự là một bài hịch cứu nước: “Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: Người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng... Hỡi các chiến sĩ cách mạng! Giờ giải phóng đã đến. Hãy phất cao cờ độc lập, lãnh đạo toàn dân đánh tan thù chung. Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đương vang dội bên tai các đồng chí! Máu nóng của bậc anh hùng đương sục sôi trong lòng các đồng chí! Chí phấn đấu của quốc dân đương chờ đợi sự lãnh đạo của các đồng chí!”.
Ngày 6/6/1946, tiếp tục hành trình trên đường sang thăm nước Pháp, máy bay chở Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Karachi bay 2.610 km để tới thành phố Habangna thuộc lãnh thổ Iraq, khi đó vẫn là thuộc địa của Anh.
Ngày 6/6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 58 đặt 3 loại huân chương cao quý nhất: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập, do Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra sắc lệnh tặng (hoặc truy tặng) cho đoàn thể và những người có công với nước, với dân, hoặc các nhân vật người nước ngoài có công với nước Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hội nghị phổ biến nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc vận động: Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu (Cuộc vận động "Ba xây, ba chống"), 27/7/1963. Ảnh: Hochiminh.vn |
Ngày 6/6/1953, Báo Nhân dân đăng bài “Phải chống bệnh quan liêu”. Bác đã phân tích kết quả cuộc vận động phê bình, trong đó có vai trò của báo chí. Tác giả nhấn mạnh: “Quan liêu, tham ô, lãng phí cũng như mọi khuyết điểm khác, nguồn gốc là vì tư tưởng không đúng. Tư tưởng trong sạch, lập trường vững, hết lòng hết sức phụng sự nhân dân thì tránh được nhiều khuyết điểm... Mở rộng dân chủ phê bình trong cơ quan và ngoài quần chúng, từ trên xuống và từ dưới lên. “Trên đe dưới búa” của phê bình, thì nhất định tẩy được bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí...”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa - Tập 1 - NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010 và Hồ Chí Minh toàn tập - NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011).