Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 8/10 trong nước và ngành Công Thương; các sự kiện quốc tế và sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 8/10/1996: Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 2999/1996/QĐ-BCN về việc thành lập Công ty Thương mại - Dịch vụ Nhựa trực thuộc Tổng công ty Nhựa Việt Nam.
Ngày 8/10/1997: Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 01/1997/QĐ-BCN về việc thành lập Trung tâm Dịch vụ đào tạo và thực nghiệm khoa học - sản xuất trực thuộc Trường Kỹ thuật Cao Thắng.
Ngày 8/10/1998: Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 65/1998/QĐ-BCN về việc bổ sung thành viên Hội đồng và bộ phận giúp việc Hội đồng Thi đua - Khen thưởng.
Ngày 8/10/2003, Bộ Thương mại ban hành Thông tư liên tịch số 94/2003/TTLT-BTC-BTM-BCA hướng dẫn chế độ sử dụng hóa đơn, chứng từ đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường.
Ngày 8/10/2003, Bộ Thương mại ban hành Thông tư liên tịch số 07/2003/TTLT-BTM-BCN giữa Bộ Thương mại - Bộ Công nghiệp hướng dẫn việc giao và chuyển nhượng hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Hoa Kỳ năm 2004.
Ngày 8/10/2009, Bộ Công Thương ban hành Công văn số 10009/BCT-CNĐP về việc triển khai thực hiện Quy chế quản lý cụm công nghiệp.
Ngày 8/10/2010, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 5251/QĐ-BCT về việc uỷ quyền thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến hoạt động thương mại cho Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị
Ngày 8/10/2010, Bộ Công Thương ban hành Công văn số 10099/BCT-KV3 về việc đăng ký nhãn mác hàng hoá có nguồn gốc động vật xuất khẩu sang Braxin.
Ngày 8/10/2014, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 9028/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Ngày 8/10/2015, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 32/2015/TT-BCT quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn.
Ngày 8/10/2018, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BCT quy định mẫu, quy cách, chế độ cấp phát, quản lý, sử dụng số hiệu, biển hiệu, phù hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, trang phục của lực lượng Quản lý thị trường.
Ngày 8/10/2019, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3041/QĐ-BCT ban hành và áp dụng bộ tiêu chí, mẫu thiết kế Biển hiệu/Biểu tượng cho điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của Bộ Công Thương.
Ngày 8/10/2004, khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu lần thứ 5 tại Hà Nội |
Ngày 8/10/2004: 39 đoàn đại biểu thành viên đã có mặt tại Hội trường Ba Đình để tham dự lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu lần thứ 5. Với chủ đề "Tiến tới quan hệ đối tác Á - Âu sống động và thực chất hơn", ASEM 5 được các nguyên thủ kỳ vọng đưa mối quan hệ 2 châu lục lên một bước phát triển mới.
Từ 8/10 đến 3/11/1427 diễn ra nhiều trận đánh giữa quân ta và giặc Minh từ Đông Quan (Hà Nội ngày nay) đến biên giới Việt - Trung, mà khu vực chủ yếu là Chi Lăng (Lạng Sơn), Xương Giang (Bắc Giang). Sau gần một tháng, quân ta đã diệt và bắt khoảng 22 vạn quân tiếp viện của nhà Minh. Chiến thắng Chi Lăng, Xương Giang đã buộc nhà Minh phải rút số quân còn lại về nước và thừa nhận nền độc lập của dân tộc ta.
Ngày 8/10/1946: Chính phủ ra sắc lệnh thành lập ngành Sư phạm Việt Nam. Đến nay, ngành có giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông, chuyên nghiệp và đại học. Ngành sư phạm đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Ngày 8/10/1954: Dựng cột cờ Hiền Lương đầu tiên. Hiên ngang trong “mưa bom bão đạn” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, cột cờ Hiền Lương mãi là biểu tượng đẹp của lòng dũng cảm, ý chí kiên cường, bất khuất của quân dân “lũy thép anh hùng” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Ngày 8/10/1956: Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam chính thức được thành lập trong Đại hội đại biểu thanh niên toàn quốc diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Các đại biểu đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam gồm 52 người, do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm chủ tịch.
Ngày 8/10/1960: Diễn ra Lễ kết nghĩa ba thành phố lớn Hà Nội - Huế - Sài Gòn tại Hà Nội. Trong buổi lễ, đồng bào Huế tặng đồng bào Hà Nội và Sài Gòn bức trướng thêu: “Hà Nội - Huế - Sài Gòn/ Là cây một cội, là con một nhà”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trao biểu trưng chứng nhận Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 cho các doanh nghiệp |
Ngày 8/10/2019 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1320/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020-2030.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhằm mục tiêu xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Ba tiêu chí cốt lõi của Chương trình là Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong.
Với ý nghĩa đó, theo đề xuất của Bộ Công Thương, từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 20/4 hàng năm là Ngày Thương hiệu Việt Nam nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam, đồng thời nhằm khơi dậy khát vọng của các cấp, các ngành, xã hội và cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp nói riêng và thương hiệu quốc gia nói chung vì một Việt Nam hùng cường.
Hàng năm, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu Việt, trong đó có chương trình Tuần lễ Thương hiệu quốc gia.
Sự kiện quốc tế
Ngày 8/10/1932: Thành lập Không quân Ấn Độ (IAF). Gần 9 thập kỷ qua, IAF đã phát triển, đặc biệt là về mặt công nghệ để có thể đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào cho quốc gia. IAF là lực lượng không quân lớn thứ tư trên thế giới.
Ngày 8/10/1980: Liên Xô và Syria ký Hiệp ước Hòa bình.
Ngày 8/10/1993: Liên hợp quốc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế còn lại đối với Nam Phi.
Ngày 8/10/2005: Trận động đất 7,6 độ Richter làm rung chuyển miền bắc Pakistan và khu vực tranh chấp Kashmir với Ấn Độ đã cướp đi mạng sống của hơn 73.000 người, khiến 3,5 triệu dân mất nhà cửa.
Ngày 8/10/1754. Ngày mất của nhà văn Henri Phinđing (Henri Fillding) sinh ngày 22/4/1707. Các tác phẩm của ông luôn hướng về việc miêu tả những con người thuộc tầng lớp bình dân. Ông nghiêng về ca ngợi, phát hiện những vẻ đẹp nhân tính trong thân phận những con người nhỏ bé. Ông được suy tôn là "Người cha của tiểu thuyết Anh".
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 8/10/1945, Báo “Cứu Quốc” đăng bài “Khoan hồng mà không nhu nhược” của Bác, nêu rõ chính sách của Nhà nước là: “Chỉ coi bọn thực dân Pháp là kẻ thù chính cần tiêu diệt, còn đối với dân chúng Pháp chịu thừa nhận quyền độc lập Việt Nam thì nó vẫn thân thiện và sẵn sàng bảo vệ cho sinh mạng và tài sản. Đối với quan lại cũ, trừ những bọn đại gian, đại ác, Chính phủ Cộng hòa cũng tỏ một độ lượng không để tâm moi ra những tội cũ đem làm án mới làm gì. Thái độ đó của Chính phủ tỏ rõ một ý muốn duy nhất làm sao đem lại cho dân chúng được tự do độc lập hoàn toàn...”. Bài báo kết luận “Phải khoan hồng nhưng không nhu nhược, như vậy mới thực là biết phụng sự quyền lợi quốc gia”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với con em các gia đình có công với Cách mạng tại Pác Bó (02-1961) |
Ngày 8/10/1947, sau khi được tin quân Pháp đã tiến công lên Việt Bắc, Bác viết thư phân tích âm mưu của địch là muốn hội quân ở Bắc Kạn, tạo thành một cái ô bọc lấy Việt Bắc nhằm tiêu diệt chủ lực và cơ quan đầu não của ta và kết luận: “Chúng mạnh về hai gọng kìm. Gọng kìm mà gãy thì cái ô cụp xuống sẽ thành ô rách”.
Ngày 8/10/1950, sau khi binh đoàn của Lepage bị quân ta tiêu diệt tại Mặt trận Đông Khê, Bác viết thư động viên các chiến sĩ: “Từ ngày kháng chiến đến nay, trận này là trận đầu tiên bộ đội ta đánh vận động liên tiếp luôn mấy ngày. Đó là một cuộc thử thách lớn... Các chú đã hoàn thành bảy phần mười cuộc thử thách một cách dũng cảm. Các chú cố gắng mà tiêu diệt nốt binh đoàn Sáctông nhé. Bác và Tổng tư lệnh đã ra lệnh khao các chú một bữa thịt bò”.
Ngày 8/10/1952, trong bài “Tinh thần quốc tế“ đăng trên Báo “Cứu Quốc”, viết về nhân dân Liên Xô và Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta, Bác kết luận: “Tinh thần quốc tế ấy là một trong những điều giúp ta kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”.