Ngày này năm xưa 5/1: Ban hành quy chế quản lý đối với Hội, Hiệp hội ngành công nghiệp Ngày này năm xưa 6/1: Ngày diễn ra cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên |
Chuyên mục "Ngày này năm xưa” trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước và ngành Công Thương; sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các sự kiện quốc tế.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 7/1/2002: Chính phủ ban hành Nghị định 03/2002/NĐ-CP Về bảo vệ an ninh, an toàn dầu khí.
Ngày 7/1/2003: Bộ Công Nghiệp ban hành Quyết định số 01/2003/QĐ-BCN ban hành Tiêu chuẩn ngành TCN 26 - 01- 03 Thuốc lá điếu - Bình hút cảm quan bằng phương pháp cho điểm.
Ngày 7/1/2004: Bộ Công Nghiệp ban hành Quyết định số 04/2004/QĐ-BCN về việc bổ sung một số chất vào Danh mục tiền chất sử dụng lĩnh vực công nghiệp ban hành theo Quyết định số 134/2003/QĐ-BCN ngày 25/8/2003 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.
Ngày 7/1/2004: Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 05/2004/QĐ-BCN về việc chuyển Trường trung học Xây lắp điện đơn vị sự nghiệp thành viên của Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam về trực thuộc Bộ Công nghiệp.
Ngày 7/1/2005: Bộ Công nghiệp ban hành Thông tư 01/2005/TT-BCN về hướng dẫn thực hiện giá bán điện.
Ngày 7/1/2008: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 184/2003 ngày 8/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.
Ngày 7/1/1965: Thành lập Trung đoàn 236, Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không - Không quân) - Trung đoàn Tên lửa đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung đoàn đã tham gia chiến đấu hơn 597 trận, góp phần cùng với lực lượng vũ trang cả nước bẻ gãy các đợt tập kích quy mô lớn của địch. Ngày nay, Trung đoàn tiếp tục được giao nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Thủ đô Hà Nội, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ tướng Neru là một trong những điển hình về tình bạn của các lãnh tụ. Ảnh: KT |
Ngày 7/1/1972: Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao. Mối quan hệ bang giao Việt Nam - Ấn Độ được hình thành từ nền móng vững chắc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Neru xây dựng từ cách đây gần 60 năm, tạo động lực để hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ vào năm 1972. Trong giai đoạn Việt Nam gặp khó khăn thời chiến cũng như khi Việt Nam bị bao vây cấm vận thì Ấn Độ là quốc gia đầu tiên ngoài khối xã hội chủ nghĩa giúp đỡ Việt Nam, chủ yếu là lương thực.
Năm 2007, Việt Nam và Ấn Độ đã chính thức nâng quan hệ hai nước lên tầm quan hệ đối tác chiến lược với việc tăng cường hợp tác về chính trị theo hướng ngày càng gắn bó và tin cậy. Mối quan hệ đối tác chiến lược cho phép hai bên mở rộng và triển khai tất cả các lĩnh vực hợp tác từ kinh tế thương mại đầu tư đến hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, khoa học giáo dục, văn hóa, du lịch, nông nghiệp. Đây là sự kiện trọng đại đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ hai nước ở tầm vĩ mô, mở đường cho sự phát triển sâu rộng của quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực.
Ngày 7/1/1935: Ngày sinh Nguyễn Lân Tuất. Ông là một giáo sư, tiến sĩ khoa học nghiên cứu âm nhạc, sân khấu. Ông là người Việt Nam đầu tiên được vinh danh Nghệ sĩ Công huân Liên bang Nga. Nguyễn Lân Tuất là con trai trưởng trong số 8 người con của cố nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân. Ông tham gia kháng chiến từ năm 15 tuổi.
Ngày 7/1/2021: Ngày mất Nguyễn Vĩnh Bảo. Nguyễn Vĩnh Bảo sinh năm 1918 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc Đồng Tháp). Ông là nhà nghiên cứu âm nhạc, giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống, nhạc sĩ trình tấu và nghệ nhân đóng đàn nổi tiếng của Việt Nam. Xuất thân từ một gia đình nho học yêu thích đờn ca tài tử, từ khi lên 5, Nguyễn Vĩnh Bảo đã biết chơi đờn kìm, đờn cò, 10 tuổi biết chơi rất nhiều các loại nhạc cụ dân tộc. Năm 1972 ông cùng giáo sư Trần Văn Khê diễn tấu ghi âm đĩa Nhạc tài tử Nam bộ cho hãng Ocora và UNESCO tại Paris (Pháp).
* Sự kiện thế giới
Ngày 7/1/1954: Ra mắt hệ thống dịch tự động đầu tiên trên thế giới. Dịch tự động là một nhánh quan trọng của ứng dụng về trí tuệ nhân tạo. Ứng dụng này giúp tự động thực hiện dịch một ngôn ngữ này (gọi là ngôn ngữ nguồn) sang một hoặc nhiều ngôn ngữ khác (gọi là ngôn ngữ đích) một cách tự động, không có sự can thiệp của con người trong quá trình dịch.
Từ thế kỷ XVII, dịch tự động đã được nhắc tới thông qua ý tưởng của 2 nhà triết học là Leibniz và Descartes. Tuy nhiên, ứng dụng này chỉ được hoàn thiện nhờ vào công nghệ máy tính và được giới thiệu lần đầu ngày 7/1/1954 bởi hãng IBM.
Ngày 7/1/1979: Giải phóng hoàn toàn Thủ đô Phnôm Pênh, Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia được thành lập và nước Cộng hòa nhân dân Campuchia ra đời. Đây là sự kiện vô cùng trọng đại đối với nhân dân Campuchia; là kết quả đấu tranh kiên cường của lực lượng cách mạng Campuchia cùng với sự giúp đỡ to lớn, chí nghĩa, chí tình, vô tư, trong sáng của quân tình nguyện Việt Nam.
Chiến thắng này đã đưa đất nước và nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, khép lại một thời kỳ đen tối, đánh dấu cho sự hồi sinh trên đất nước Chùa Tháp, mở ra một trang sử mới độc lập, hòa bình, tự do, dân chủ, ổn định và phát triển.
Ngày 7/1/1984: Brunei trở thành thành viên thứ 6 của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ngày 7/1/2003: Apple phát hành trình duyệt web Safari. Safari là trình duyệt web riêng của hãng Apple, lần đầu xuất hiện trên hệ điều hành Mac OS X Panther vào ngày 7/1/2003. Trình duyệt này hiện được hỗ trợ trên macOS, iOS và iPadOS. Safari từng có phiên bản Windows từ năm 2007 - 2012.
Ngày 7/1/1943: Ngày sinh của Sasaki Sadako. Sasaki Sadako là một nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử tại Nhật Bản. Cô bé Sadako phát hiện bị nhiễm ung thư bạch cầu do phóng xạ của bom nguyên tử năm 10 tuổi và mất 2 năm sau đó.
Tuy nhiên, câu chuyện về niềm tin cuộc sống và sự kiên cường chống đỡ bệnh tật của cô đã trở thành biểu tượng của tinh thần chống chiến tranh và vũ khí hạt nhân ở Nhật Bản và trên thế giới. Câu chuyện đó đã được ghi lại qua tác phẩm Sadako và nghìn con hạc giấy của nhà văn Eleanor Coerr.
Ngày 7/1/1943: Ngày mất Nikola Tesla. Ông là một nhà phát minh, kỹ sư điện, kỹ sư cơ khí người Mỹ gốc Serbia. Ông được biết đến vì những đóng góp của mình để thiết kế ra hệ thống dòng điện xoay chiều cung cấp điện dòng điện xoay chiều hiện đại.
Tesla từng làm việc cho nhà phát minh nổi tiếng Thomas Edison, tuy nhiên đã nghỉ việc do bất đồng ý kiến. Nhiều giai thoại hài hước về 2 nhà khoa học nổi tiếng này được kể lại và một số người cho rằng, nhiều phát minh của Edison thực chất là của Tesla.
Bộ đội ta truy kích lính Pol Pot bảo vệ biên giới Tây Nam, cuối năm 1978. (Ảnh: Vũ Xuân Bân/TTXVN cung cấp) |
Ngày 7/1/1998: Ngày mất Vladimir Prelog. Ông là nhà hóa học người Croatia, đạt giải Nobel Hóa học năm 1975, cùng với nhà hóa học người Úc John Cornforth.
Prelog có hơn 400 công trình khoa học, đồng thời là thầy giáo của nhiều thế hệ hóa học gia trên thế giới. Ông là một trong số 109 người đoạt giải Nobel đã ký tên vào “lời kêu gọi hòa bình” cho Croatia năm 1991.
* Sự kiện và kỷ niệm về Bác Hồ
Ngày 7/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Chính phủ để nghe báo cáo của các Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Canh nông sau chuyến kinh lý tại Ninh Bình và Thanh Hóa, Nghệ An và bàn việc động viên nhân dân cả nước hướng về và chi viện cho Nam bộ. Khi bàn về vấn đề chi viện cho Nam bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Cần phải thống nhất quân đội ngay để có thể tiếp viện cho Nam bộ”.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự lễ khai giảng Trường Cán bộ tự vệ Hồ Chí Minh. Trước 75 học viên của khóa cán bộ đầu tiên được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Bác căn dặn: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân”. Phân tích yếu tố tinh thần, Bác Hồ đưa ra một nguyên lý sáng suốt: “Muốn làm được, ta phải: Quyết tâm, tín tâm và đồng tâm”.
Ngày 7/1/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp nêu rõ lập trường rất mềm mỏng: “Chính phủ và nhân dân Pháp chỉ cần có một cử chỉ công nhận độc lập và thống nhất của nước Việt Nam là chấm dứt được những tai biến này; hoà bình và trật tự sẽ trở lại ngay tức khắc. Dân tộc Việt Nam đang chờ đợi cử chỉ đó”.
Nửa thập kỷ sau đó diễn ra một cao trào từ phong trào Đồng Khởi đến cuộc đương đầu chống “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ mà đỉnh cao là hai chiến thắng vang dội từ Ấp Bắc (1963) đến Bình Gió (cuối 1964). Với bút danh “Chiến Sĩ”, Bác viết bài đăng báo Nhân dân ngày 7/1/1965 với tiêu đề “Điện Biên Phủ nhỏ và Nhịp cầu vàng”. Bài báo một mặt vinh danh hai trận thắng trên là “Điện Biên Phủ nhỏ” nhưng để đi đến thắng lợi hoàn toàn còn cần bắc một “Nhịp cầu vàng” để nước Mỹ rút lui khỏi cuộc chiến tranh mà không bị mất mặt.
Thực tiễn cho thấy, sau cuộc Tổng tiến công Mậu Thân (1968), Mỹ đẫ phải bước vào bàn đàm phán tại Paris và 5 năm sau đó (1973) “Nhịp cầu vàng” đó tạo cơ hội cho Mỹ “rút lui mà khỏi mất mặt”.... Để rồi không đầy 2 năm sau (1975), miền Nam hoàn toàn giải phóng...
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010)
Ngày 7/1/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị tiếp tục bàn về đường lối cách mạng miền Nam. Người nói: “Phải lấy chính trị, lực lượng quần chúng là chính. Phải đoàn kết toàn dân, trừ bọn phản dân. Đề án viết phải có lý, có tình. Cũng có thể nói: Giải phóng miền Nam là nhiệm vụ thần thánh của nhân dân ta”.