Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 6/2 trong nước và quốc tế; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 6/2.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 6/2/1804: Ngày mất của Danh sĩ Nguyễn Thiếp, hiệu La Sơn phu tử. Ông sinh nǎm 1723 ở Hà Tĩnh.
Chúa Trịnh Sâm nhiều lần mời ông ra làm việc nhưng ông từ chối. Vua Quang Trung chân thành viết thư mời nhiều lần ông mới ra giúp nhà Tây Sơn góp phương sách đánh giặc, làm Viện trưởng Viện Sùng Chính, tương đương với Thượng thư Bộ Học. Nguyễn Thiếp còn để lại La Sơn thi tập, Lập Phong vǎn các, Hạnh Am thi vǎn tập, nói lên tấm lòng luôn gắn bó với quê hương.
Ngày 6/2/1967: Bắt đầu trận then chốt - trận Làng Vây trong đợt 1 Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh.
Xe tăng mang số hiệu 555 lập công xuất sắc trong trận Tà Mây - Làng Vây, tháng 2/1968 - Ảnh: QĐND |
Làng Vây là một cứ điểm mạnh trong hệ thống phòng thủ Đường 9 - Khe Sanh, do 4 đại đội thám báo, 1 trung đội Mỹ (tính cả tàn quân từ Hướng Hóa, Huội San chạy về, tổng số 1.000 quân), cùng nhiều vũ khí trang bị hạng nặng, chốt giữ. Nếu địch để mất Làng Vây, quân của chúng ở Tà Cơn sẽ bị cô lập. Vì vậy, ta chọn Làng Vây làm mục tiêu đánh trận then chốt.
Đây là trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao, ta tiêu diệt 400 tên, bắt sống 253 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị chiến tranh của địch, tạo ra thế trận có lợi cho ta phát triển tiến công đánh chiếm các mục tiêu quan trọng khác, giành thắng lợi cho chiến dịch. Trận Làng Vây thắng lợi đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng. Chiến thắng Làng Vây đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Ngày 6/2/1967: Máy bay Mỹ rải thuốc khai quang ở phía Nam vùng phi quân sự. Hàng chục tấn thuốc diệt cỏ cũng được ném xuống để cho cây rụng lá, cỏ không mọc được làm cho đối phương không còn chỗ ẩn núp. Phương pháp này của đế quốc Mỹ bị dư luận quốc tế phản đối.
Máy bay Mỹ rải chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam - Ảnh: NYT |
Ngày 6/2/1996: Bộ Công nghiệp ban hành Thông tư số 01/1996/TT-BCN về Hướng dẫn việc chuyển giao chức năng Quản lý nhà nước về điện cho Sở Công nghiệp.
Ngày 6/2/2002: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2002/QĐ-TTg về việc Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Rượu – Bia – Nước giải khát đến năm 2010.
Ngày 6/2/2004: Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành Quyết định số 0125/2004/QĐ-BTM về quy chế làm việc của Bộ Thương mại với cơ quan báo chí.
Ngày 6/2/2007: Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 09/QĐ-BCN về sửa đổi, bổ sung điểm a, khoản 2, Điều 23 Quy định điều kiện, trình tự và thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi và quản lý sử dụng giấy phép hoạt động điện lực.
Ngày 6/2/2007: Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành Quyết định số 06/2007/QĐ-BTM về việc sửa đổi bổ sung Quy chế cấp Chứng nhận xuất xứ mẫu S của Việt Nam cho hàng hóa để hưởng các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định về Hợp tác Kinh tế, Văn hóa, Khoa học Kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ban hành kèm theo Quyết định số 0865/2004/QĐ-BTM ngày 29/6/2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại.
Ngày 6/2/2009: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 19/2009/QĐ-TTg về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương.
Ngày 6/2/2013: Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 907/QĐ-BCT về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý thị trường |
Ngày 6/2/2017: Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.
Sự kiện quốc tế
Ngày 6/2/1848: "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" do Karl Marx và Friedrich Engels soạn thảo lần đầu tiên được công bố trên báo Luân Đôn (Anh) đúng lúc phong trào cách mạng 1848 ở châu Âu bắt đầu bùng nổ.
Cho đến ngày nay, tư tưởng cơ bản trong "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" vẫn tiếp tục chiếu sáng con đường đấu tranh của giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
Ngày 6/2/1952: Elizabeth trở thành Nữ hoàng Anh sau khi phụ thân của bà, Vua George, qua đời. Nữ hoàng Elizabeth II đăng quang khi mới 25 tuổi.
Ngày 6/2/1964: Chính phủ Anh và Pháp thông báo cam kết sẽ xây dựng một đường hầm qua eo biển Manche. Hơn 30 năm sau, ngày 6/5/1994 khánh thành siêu dự án Channel Tunnel - đường hầm dài 50,45km và là tuyến đường hầm dưới biển dài nhất thế giới. Hàng năm, khoảng 12 triệu bông hồng được chuyển qua đường hầm này vào Ngày Valentine 14/2.
Ngày 6/2/1971: Phi hành gia Mỹ Alan Shepard - chỉ huy sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng của NASA - ra khỏi tàu Apollo 14, sử dụng gậy sắt số 6 tên "Moon Club" đánh golf trên mặt trăng lần đầu tiên trong lịch sử.
Bức không ảnh ghi lại vị trí đánh bóng của Shepard trên Mặt Trăng năm 1971 - Ảnh: NASA |
Màn golf trên cung trăng là ý tưởng của Shepard, nhằm trình diễn sự khác biệt trọng lực của nó với trái đất. Shepard sau đó đã tặng "Moon Club" cho Hiệp hội Golf Mỹ (USGA) tại Major US Open 1974 trên sân Winged Foot. Hiện nay, cây gậy này được trưng bày trong Bảo tàng USGA ở New Jersey.
Ngày 6/2/2018: SpaceX đã phóng thành công tên lửa Falcon Heavy tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy.
Falcon Heavy hiện là tên lửa mạnh nhất thế giới đang được sử dụng, bao gồm 3 tên lửa đẩy lõi dựa trên phiên bản đặc biệt của Falcon 9 và một tầng trên đầy uy lực. Falcon Heavy cao 70m và có thể mang theo khối lượng 64 tấn lên quỹ đạo tầm thấp của Trái đất.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 6/2/1958: Chủ tịch Hồ Chí Minh đang tiến hành chuyến thăm lịch sử nước Cộng hòa Ấn Độ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây ở Bangalo (Ấn Độ) trong chuyến thăm Ấn Độ, ngày 11/2/1958 - Ảnh: QĐND |
Tại thủ đô New Delhi, Bác dự buổi tiệc trà của “Ủy ban đón tiếp Hồ Chủ tịch”. Đáp lại lời ca ngợi của chủ nhà, Bác nói: “Tôi không phải là anh hùng. Chính những người dân Việt Nam và Ấn Độ đã đoàn kết đấu tranh giành lại tự do, độc lập cho Tổ quốc mình - đó mới là những người anh hùng thật...”.
Tối hôm đó, tại lễ chiêu đãi do Tổng thống Ấn Độ tổ chức, Bác đã xin phép không ngồi trên chiếc “ngai vàng” mà chủ nhà dành vị trí danh dự cho khách, với lý do: “Tôi muốn được bình đẳng với mọi người”. Và trong đáp từ trước các nhà lãnh đạo của quốc gia đang đóng vai trò Chủ tịch Ủy ban Quốc tế giám sát việc thực hiện Hiệp định Geneva năm 1954, Bác khẳng định: “Từ đã lâu, nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai có thể chia cắt được. Chúng tôi kiên quyết phấn đấu để thực hiện thống nhất đất nước trên cơ sở độc lập và dân chủ bằng phương pháp hòa bình”.
Ngày 6/2/1961: Phát biểu tại Hội nghị cán bộ Thanh tra toàn miền Bắc, Bác xác định “Thanh tra là một nhiệm vụ vẻ vang và quan trọng; nó theo dõi, xem xét việc chấp hành đúng đắn đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ” và phê phán một số yếu kém trong đội ngũ cán bộ của ngành.
Ngày 6/2/1969: Lúc 10 giờ 15 phút, tại Phủ Chủ tịch, Bác làm việc với Đài phát thanh ghi lời chúc mừng năm mới để phát vào phút giao thừa bước sang Xuân Kỷ Dậu, mùa Xuân cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết thúc bằng một lời thơ lạc quan: “Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”.