Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 5/2 trong nước và quốc tế; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 5/2.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 5/2/2007: Nghị quyết số 08-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới.
Ngày 5/2/2010: Quyết định 0738/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc thành lập Công ty mẹ-Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội |
Ngày 5/2/2010: Quyết định 0738/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc thành lập Công ty mẹ-Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội
Ngày 5/2/2010: Quyết định 768/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc thành lập Công ty mẹ-Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 5/2/2010: Quyết định 739/QĐ-BCT về việc thành lập Công ty mẹ-Tổng công ty Điện lực Miền Trung
Ngày 5/2/2010: Bộ Công Thương ban hành Quyết định 0794/QĐ-BCT phê duyệt "Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc đường Hồ Chí Minh giai đoạn I đến năm 2015, định hướng đến năm 2025"
Ngày 5/2/2013: Bộ Công Thương ban hành Quyết định 847/QĐ-BCT quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Vụ Chính sách Thương mại Đa biên.
Ngày 5/2/2013: Bộ Công Thương ban hành Quyết định 851/QĐ-BCT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hóa chất
Ngày 5/2/2013: Bộ Công Thương ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý cạnh tranh.
Ngày 5/2: (năm mất chưa rõ): Trần Thủ Độ qua đời. Trần Thủ Độ sinh năm 1194 ở Thái Bình. Ông là người có công lớn trong cuộc chuyển giao quyền lực ngoạn mục từ triều Lý sang triều Trần. Trên thực tế, ông là người nắm quyền lãnh đạo đất nước những nǎm đầu khi triều đình nhà Trần đứng trước vô vàn khó khăn từ thù trong cho đến giặc ngoài.
Ngày 5/2/1909: Ngày mất nhà thơ Nguyễn Khuyến, người làng Yên Đổ, Bình Lục, Hà Nam. Sự nghiệp vǎn thơ của ông hết sức đồ sộ, trong đó giá trị nhất là thơ làng quê và thơ châm biếm xã hội thực dân nửa phong kiến. Ông nổi tiếng với chùm thơ thu 3 bài: Thu vịnh, Thu ẩm, Thu điếu và người ta quen gọi Nguyễn Khuyến là nhà thơ của làng quê và nhà thơ trào phúng.
Ngày 5/2/1967: Cách đây tròn 55 năm, tại xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, Lữ đoàn 40 được thành lập và biên chế trực thuộc Quân đoàn 3 với nhiệm vụ chính trị trung tâm là tiêu diệt sinh lực địch, phá vỡ cơ bản hệ thống phòng thủ của địch trên địa bàn đứng chân.
Trong suốt chặng đường 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Lữ đoàn 40 đã lập được nhiều chiến công. Với những thành tích đạt được, Lữ đoàn 40 đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, và Bộ Quốc phòng, trong đó có danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Quân công và Huân chương Chiến công giải phóng...
Trong thời bình, Lữ đoàn 40 là lá cờ đầu trong thực hiện Phong trào Thi đua Quyết thắng liên tục trong nhiều năm, được Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Quân đoàn 3, cấp ủy, chính quyền tỉnh Gia Lai tặng thưởng cờ thi đua và bằng khen. Ngày 5/2/2012, lữ đoàn đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Ngày 5/2/2017, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập, Lữ đoàn 40 đã vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì vì thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 2011-2016.
Ngày 5/2/1973: diễn ra phiên họp đầu tiên tại Hải Phòng giữa đại diện Việt Nam dân chủ cộng hòa và đại diện phía Mỹ bàn việc Mỹ tháo gỡ mìn đã thả xuống các cảng sông biển của Việt Nam.
Sự kiện quốc tế
Ngày 5/2/1894: tại Amsterdam, Hiệp hội Quyền bầu cử của phụ nữ (Vereeniging voor Vrouwenkiesrecht) được thành lập. Đây là bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ quyền công dân của phụ nữ và phong trào bình đẳng giới trên thế giới.
Ngày 5/2/1900: Mỹ và Anh ký kết hiệp ước về kênh đào Panama. Ảnh: Britannica. |
Ngày 5/2/1900: Mỹ và Anh ký kết hiệp ước về kênh đào Panama. Cắt ngang eo Panama tại Trung Mỹ và nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, kênh đào Panama là công trình có đóng góp rất lớn về mặt kinh tế, góp phần rút ngắn quãng đường, giảm thiểu chi phí trong vận tải thủy giữa 2 đại dương. Theo thống kê năm 2021, 5% giao thương đường biển của thế giới đi qua kênh đào Panama. Trong khi đó, nếu không tính tàu chở dầu thì có tới 20% hàng hóa toàn cầu được vận chuyển qua đây. Kênh đào Panama cũng đóng góp gần 10% thu nhập cho nhà nước Panama.
Ngày 5/2/1971: Tàu vũ trụ Apollo 14 trở thành tàu vũ trụ có người lái thứ 3 của Mỹ hạ cánh gần Hố Fra Mauro trên Mặt Trăng và 2 phi hành gia Alan Shepard và Edward Mitchell đã đi bộ 4 tiếng trên Mặt Trăng.
Ngày 5/2/2013: Hạ viện Anh thông qua Đạo luật Marriage Act 2013 cho phép kết hôn đồng giới.
Ngày 5/2/1919: Charlie Chaplin, Mary Pickford và hai cộng sự thành lập xưởng phim United Artists tại Hoa Kỳ.
Ngày 5/2/1917: Hiến pháp hiện nay của Mexico được thông qua, thành lập một nước cộng hòa liên bang với quyền lực chia thành các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp độc lập.
Ngày 5/2/1661: Thuận Trị Đế của triều Thanh qua đời ở tuổi 22 do mắc bệnh đậu mùa, Thái tử Huyền Diệp kế vị, tức Khang Hy Đế.
Ngày 5/2/1597: Một nhóm người Nhật đầu tiên theo đạo Cơ đốc bị chính quyền mới giết hại vì cho rằng sẽ đe doạ xã hội Nhật Bản.
Sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 5/2/1923: Báo “Nhân Đạo” (L'Humanité) đăng 3 bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi đó là Nguyễn Ái Quốc): “Chế độ thực dân”, “Từ vụ bê bối này đến vụ bê bối khác” và “Nạn thiếu trường học”, đưa ra thông điệp: “Người cộng sản đòi hỏi chấm dứt bóc lột thuộc địa, một bộ phận của bóc lột tư bản nói chung…”, “Đối với người cộng sản, vấn đề không phải là cải thiện hệ thống thuộc địa mà phải bãi bỏ nó”. Về nền giáo dục thực dân, tác giả khái quát: Làm cho u mê để thống trị.
Ngày 5/2/1943 là mùng Một Tết Quý Mùi. Bác gửi Thơ chúc Tết tới nhân dân cả nước đang sục sôi khí thế và thời cơ cách mạng. Bài thơ có đoạn:
Đồng tâm một triệu người như một
Khởi nghĩa ba kỳ giậy cả ba.
Năm mới quyết làm cho nước mới
Non sông Hồng Lạc gấm thêm hoa.
Trong ngày, Bác viết thư gửi Hội nghị nông vận và dân vận toàn quốc, một lần nữa xác định “Nông dân lao động là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất chắc chắn của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công ắt phải dựa vào quần chúng nông dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, hai nhà lãnh đạo đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Ảnh: TTXVN |
Ngày 5/2/1958: Trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ, Bác tới thủ đô New Delhi viếng và trồng cây lưu niệm tại lăng tưởng niệm Gandhi.
Ngày 5/2/1962 là mùng Một Tết Nhâm Dần. Bác thăm và chúc Tết công trường Nhà máy bê tông đúc sẵn Chèm và dự buổi sinh hoạt ngâm thơ mừng xuân của phụ lão Hà Nội. Tại đây Bác làm tặng các cụ phụ lão Hà Nội một câu thơ:
“Tuổi già nhưng chí không già,
Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”.
(Sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa” và “Hồ Chí Minh toàn tập”, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật).
Ngày 5/2/1960: Trong bài báo “Chung quanh một phòng họp mới” Bác công kích tệ tham ô lãng phí: “Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiết kiệm là một chính sách lớn, một đạo đức lớn, một nếp làm việc và nếp sống không bao giờ được lơ là... Vì lợi ích của chủ nghĩa xã hội, chúng ta ra sức đánh bại những kẻ thù nguy hiểm ấy”.
Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” là lời dạy của Người với cán bộ, đảng viên trong thực hiện công vụ. Người từng nói: “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”.
Trên thực tế, lãng phí dù dưới hình thức nào cũng đem lại tai hại khôn lường. Việc nhiều nhân viên công sở lãng phí điện nước dù chỉ một phần nhỏ mỗi ngày khi cộng lại cũng lên con số hàng chục triệu, hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tính tổng lại cả nước thì lượng điện và nước bị lãng phí đó sẽ là một con số không hề nhỏ. Để dễ hình dung những con số nhỏ khi tích lũy lại theo thời gian là lớn đến đâu, ta hay xem phép tính sau: Giả dụ mỗi người dân khi không có ý thức tiết kiệm, để lãng phí 5.000 đồng tiền điện và 5.000 đồng tiền nước mỗi năm thì với dân số 100 triệu người, con số thất thoát này thật đáng giật mình: 1.000 tỷ đồng.
Đó là tính mức độ lãng phí của cá nhân đối với tiền của chính bản thân mỗi người. Khi cán bộ, đảng viên được giao trọng trách quản lý một khối tài sản lớn của Nhà nước mà thiếu trách nhiệm thì hậu quả sẽ khủng khiếp hơn nhiều lần bởi đó không phải là tiền của mình mà tự mình lại được quyền quyết định một cách vô trách nhiệm. Chính vì vậy, Bác luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao trách nhiệm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Sự tai hại của lãng phí, tham ô không chỉ ảnh hưởng tới tài sản Nhà nước, tài sản của nhân dân mà còn ảnh hưởng uy tín của Đảng, Nhà nước. Để tránh được lãng phí thì tiết kiệm là điều cần phải làm và đó là chính sách của Nhà nước, là đạo đức của cán bộ. Đó cũng là nội dung chính của bài báo và là lời dạy của Bác cách đây hơn 60 năm. Lời dạy đó vẫn còn nguyên giá trị!