Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương và quốc tế; các sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 30/8.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 30/08/2019, Bộ Công Thương có Văn bản hợp nhất số 9/VBHN-BCT về Thông tư Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn tời trục mỏ.
Ngày 30/08/2016, Bộ Công Thương có Thông tư 17/2016/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Điều 10 Thông tư số 31/2012/TTLT-BCT-KHĐT ngày 10/10/2012 hướng dẫn xử lý cụm công nghiệp hình thành trước khi Quy chế quản lý cụm công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 30/08/2013, Quyết định 1531/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030".
Đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định cho khu vực nông thôn |
Ngày 30/08/2012, Quyết định 5047/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch của ngành Công Thương triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030.
Ngày 30/08/2006, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) có văn bản 0354/BTM-DM Điều hành hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may.
Ngày 30/08/2005, Quyết định 2281/2005/QĐ-BTM sửa đổi bổ sung phụ lục 3 quy chế cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá của Việt Nam - mẫu D để hưởng các ưu đãi theo "Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) để thành lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN".
Ngày 30/08/2005, Quyết định 35/2005/QĐ-BCN về việc chuyển Công ty Xây lắp Điện 4 thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây lắp Điện 4.
Ngày 30/08/2001, Quyết định 41/2001/QĐ-BCN về việc ban hành Quy định an toàn điện nông thôn.
Đêm 30/8 rạng ngày 31/81917, 300 binh sĩ do Đội Cấn chỉ huy đã phát động khởi nghĩa tại Thái Nguyên. Lương Ngọc Quyến được cử làm cố vấn kiêm Phó tư lệnh. Nghĩa quân giết chết tên chúa ngục Thái Nguyên, giải phóng toàn bộ tù nhân, trong số đó phần lớn là tù chính trị trong các vụ Đề Thám, Duy Tân, Đông Du.
Nghĩa quân làm chủ Thái Nguyên suốt bảy ngày. Giặc Pháp đưa viện binh từ Hà Nội lên phản công dữ dội. Đội Cấn nêu cao tinh thần thà chết không hàng giặc, đã tự sát tại khu cǎn cứ Núi Pháo. Vì tàn phế, không đi được, Lương Ngọc Quyến cũng tự sát để nghĩa quân dễ dàng rút lui nhằm bảo tồn lực lượng.
Chấp hành chủ trương của Tỉnh ủy Nghệ An phát động phong trào thực dân Pháp thực hiện yêu sách của nông dân, ngày 30/8/1930, Huyện ủy Nam Đàn lãnh đạo 3.000 nông dân có vũ trang tự vệ biểu tình thị uy lên huyện lỵ, đòi tri huyện giải quyết các yêu sách.
Chiều ngày 30/8/1945, lễ thoái vị được cử hành tại Ngọ Môn kinh thành Huế, trước sự chứng kiến của hàng vạn đồng bào. Hoàng đế Bảo Đại, vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam mặc triều phục, đọc "Chiếu thoái vị" (đã được viết vào ngày 25/8/1945), xin được làm công dân của nước Việt Nam độc lập và dân chủ và trao ấn vàng cùng thanh kiếm vàng nạm ngọc của hoàng triều cho ông Trần Huy Liệu (trưởng phái đoàn). Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố chấp nhận vua Bảo Đại thoái vị. Trong lúc đó cờ quẻ Ly của nền quân chủ từ từ hạ xuống, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh được kéo lên thay thế. Lễ thoái vị kết thúc. Nền quân chủ chuyên chế chính thức chấm dứt.
Trong “Thư khen đồng bào, cán bộ và bộ đội miền Bắc đã bắn rơi 500 máy bay Mỹ” viết ngày 30/8/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đồng bào, cán bộ và bộ đội ta không được vì thắng lợi mà chủ quan, cần luôn luôn nâng cao cảnh giác, đoàn kết chặt chẽ, thi đua chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi”.
Sự kiện quốc tế
Ngày 30/8/1836, các doanh nhân bất động sản John Kirby Allen và Augustus Chapman Allen thành lập thành phố Houston (bang Texas, Hoa Kỳ).
Ngày 30/8/1992, tay đua người Đức Michael Schumacher giành chiến thắng trong cuộc đua công thức 1 đầu tiên của ông tại giải Grand Prix Bỉ.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 30/8/1942, từ trong một trại giam của bọn quân phiệt Tưởng Giới Thạch tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), Hồ Chí Minh nhờ Vương Tích Cơ, một người Trung Hoa có cảm tình với cách mạng Việt Nam, là người thường đem cơm thăm nuôi, chuyển một bức thư bí mật gửi Lê Quảng Ba, một thành viên Việt Minh đang hoạt động ở vùng biên giới để nối lại liên hệ với phong trào trong nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội III của Đảng - Ảnh: TTXVN |
Ngày 30/8/1947 (tức 15 tháng 7 âm lịch), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi Hội Phật tử Việt Nam” với nội dung: “Nhân ngày lễ Phật rằm tháng Bảy, tôi kính cẩn cầu nguyện Đức Phật bảo hộ Tổ quốc và đồng bào ta, và tôi gửi lời thân ái chào các vị trong Hội Phật tử. Từ ngày nước ta trở nên Dân chủ Cộng hòa, Hiến pháp ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, thì Phật giáo cũng phát triển một cách thuận tiện. Thế là: Nước có độc lập, thì đạo Phật mới dễ dàng mở mang... Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn Người phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma. Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ. Trong cuộc kháng chiến cứu nước, đồng bào Phật giáo đã làm được nhiều. Tôi cảm ơn đồng bào, và mong đồng bào cố gắng thêm, cố gắng mới, cho đến ngày trường kỳ kháng chiến thắng lợi, thống nhất độc lập thành công”.
Ngày 30/8/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chia buồn tới thân nhân Bác sĩ Đuyboa (Dubois): “Được tin lão đồng chí Đuyboa vừa qua đời, tôi rất cảm động và thương tiếc. Suốt đời bác sĩ Đuyboa đã nêu tấm gương sáng của một nhà khoa học tiến bộ, một người chiến sĩ đấu tranh bền bỉ chống chủ nghĩa đế quốc, chống chính sách phân biệt chủng tộc, vì lý tưởng cao cả, hòa bình, tự do, bình đẳng và tiến bộ của loài người...”.
Ngày 30/8/1964, Báo Nhân Dân đăng bài “Mỹ đang thất bại” (bút danh Chiến Sĩ) điểm lại dư luận phương Tây nói về sự thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam và bài báo khẳng định: “Nếu đế quốc Mỹ tiếp tục khiêu khích, bắn phá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì sẽ chịu số phận như thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ”.
Ngày 30/8/1969, tình hình sức khỏe của Bác diễn biến rất xấu. Buổi chiều, khi tỉnh lại, Bác hỏi Thủ tướng Phạm Văn Đồng về công việc chuẩn bị lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh và căn dặn: “Các chú nhớ phải bắn pháo hoa mừng chiến thắng để động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân”. Bác còn hỏi han tình hình nước sông Hồng và nhắc nhở phải chú ý đề phòng lũ lụt...