Ngày này năm xưa 23/5: Quy hoạch phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp Việt Nam đến năm 2010 Ngày này năm xưa 24/5: Quy định chi tiết việc quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp |
Chuyên mục Ngày này năm xưa trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương, quốc tế và các sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 25/5.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 25/5/1938, Hội truyền bá Quốc ngữ chính thức ra mắt tại trụ sở Hội thể dục thể thao Hà Nội do Nguyễn Văn Tố làm hội trưởng. Trước đông đảo người nghe, đồng chí Phan Thanh một nhà giáo, trí thức trẻ có tài hùng biện, đồng thời là dân biểu của Viện Dân biểu Trung kỳ khóa III, đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Viện Dân biểu thay mặt Ban vận động Trung ương nói về nạn thất học và những mục tiêu, tôn chỉ của Hội.
Quang cảnh Lễ thành lập Hội truyền bá Quốc ngữ, 25/5/1938. Ảnh: baotanglichsu.vn |
Ngày 25/5/1950: Ngày truyền thống của Nhà máy Z151 thuộc Tổng cục Kỹ thuật. 72 năm trước, để đáp ứng yêu cầu sửa chữa, phục hồi các loại phương tiện vận tải cơ giới, bảo đảm cho việc cơ động lực lượng, vận chuyển vũ khí, vật chất hậu cần của quân đội trong kháng chiến chống Pháp, Xưởng Tiền Phong (tiền thân của Nhà máy Z151) đã được thành lập tại chân đèo Giàng, thôn Nà Pái, xã Vị Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.
Ngày 25/5/1968, nhà Thơ Lê Anh Xuân hy sinh ở vùng phụ cận TP.HCM (Sài Gòn). Ông tên thật là Ca Lê Hiến sinh ngày 5/6/1940 quê ở Vàm Nước Trong, xã Tân Bình, Mỏ Cày, Bến Tre. Ông có nhiều tác phẩm được yêu thích như: Tiếng gà gáy, Hoa dừa, Trường ca Nguyễn Văn Trỗi... Trong đó bài thơ nổi tiếng Dáng đứng Việt Nam là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nền văn học cách mạng.
Ngày 25/5/2017, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 06/2017/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 22/2009/TT-BCT ngày 04/8/2009 của Bộ Công Thương quy định về quá cảnh hàng hóa của Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào qua lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 25/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 707/QĐ-TTg phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020”.
Đề án nhằm đặt mục tiêu, thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước để doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; quốc phòng, an ninh; lĩnh vực độc quyền tự nhiên; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Thực hiện công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn, không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát vốn, tài sản nhà nước.
Ngày 25/5/2017, Thủ tướng ban hành đề án về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 - Ảnh minh họa |
Đề án cũng đặt ra nhiệm vụ, hoàn thành cổ phần hóa 137 doanh nghiệp; phấn đấu đến hết năm 2020, Nhà nước chỉ giữ 100% vốn tại 103 doanh nghiệp (chưa bao gồm các công ty nông, lâm nghiệp, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Công ty mua bán nợ Việt Nam và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, công ty thủy nông thực hiện sắp xếp theo quy định của Chính phủ. Thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo đáp ứng tối thiểu 250.000 tỷ đồng theo yêu cầu nguồn vốn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội.
Cùng ngày 25/5/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Nghị định này nêu rõ, cụm công nghiệp là nơi sản xuất, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống, được đầu tư xây dựng nhằm thu hút, di dời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác vào đầu tư sản xuất kinh doanh.
Nhiều cụm công nghiệp đã được hình thành mới từ những quyết sách của Chính phủ - Ảnh minh họa |
Cụm công nghiệp có quy mô diện tích không vượt quá 75 ha và không dưới 10 ha. Riêng đối với cụm công nghiệp ở các huyện miền núi và cụm công nghiệp làng nghề có quy mô diện tích không vượt quá 75 ha và không dưới 5 ha.
Cụm công nghiệp làng nghề là cụm công nghiệp phục vụ di dời, mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, phát triển nghề, làng nghề ở địa phương.
Ngày 25/5/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 596/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Điều 2 Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 – 2020.
Ngày 25/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chỉ thị này nêu rõ, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Xuất hiện các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, đưa người đi lao động, học tập tại nước ngoài, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử..., đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan nhà nước, quen biết qua mạng xã hội, lợi dụng quan hệ tình cảm, trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng, tin nhắn “rác”, tin nhắn trúng thưởng, xin việc làm, xuất khẩu lao động, “chạy” dự án, vay vốn; kêu gọi đầu tư, tài trợ, đầu tư kinh doanh đa cấp, tiền ảo, thiết lập các trang mạng ngân hàng giả mạo để lấy dữ liệu thông tin khách hàng, đánh tráo hồ sơ, sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản, giả mạo chứng từ để chuyển tiền, rút tiền, vay tiền, làm giả cổ vật, đá quý, kim loại quý; lợi dụng hoạt động họ, hụi, biêu, phường, phòng, chống dịch bệnh... Quá trình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, cư trú nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, xử lý của cơ quan chức năng.
Ngày 25/5/2020, Chính phủ Nghị quyết số 79/NQ-CP về danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.
Cùng ngày 25/5/2020, Chính phủ ban Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Nghị đinh này quy định, Vốn ODA không hoàn lại được ưu tiên sử dụng để thực hiện chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng cường năng lực; hỗ trợ xây dựng chính sách, thể chế và cải cách; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; an sinh xã hội; chuẩn bị các dự án đầu tư hoặc đồng tài trợ cho dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nhằm làm tăng thành tố ưu đãi của khoản vay.
Vốn vay ODA được ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng kinh tế thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.
Vốn vay ưu đãi được ưu tiên sử dụng cho chương trình, dự án vay về để cho vay lại theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước trong lĩnh vực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
Các trường hợp ưu tiên khác thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo từng thời kỳ.
Ngày 25/5/2020, Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Ngày 25/5/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 772/QĐ-TTg kiện toàn Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sự kiện quốc tế
Ngày 25/5/1810: Ngày Cách mạng tháng 5 của Argentina thành công.
Ngày 25/5/1946: Ngày Quốc khánh Jordan.
Ngày 25/5/1963: Tổ chức Thống nhất châu Phi (gọi tắt là OAU) là một tổ chức liên chính phủ khu vực được thành lập tại Addis Abeba (Ethiopia) với hơn 50 nước thành viên. Mục đích của OAU là thúc đẩy việc củng cố sự đoàn kết và thống nhất giữa các nước Châu Phi; phối hợp và phát triển mối quan hệ hợp tác giữa các nước thành viên; hợp nhất sự nỗ lực của các nước thành viên nhằm bảo đảm những điều kiện tốt nhất cho các dân tộc Châu Phi; bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập, chống lại chủ nghĩa thực dân cũ và mới; phát triển hợp tác quốc tế trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn về quyền con người.
Ngày 25/5/2005, sân vận động Ataturk Olympic, ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), đã chứng kiến một đêm kỳ diệu với trận đấu Chung kết Champions League giữa CLB Liverpool và AC Milan.
Liverpool đăng quang năm 2005 sau màn lội ngược dòng khó tin trước AC Milan |
Trong trận đấu đó, AC Milan tưởng như đã cầm chắc Cup vô địch trong tay, khi họ kết thúc hiệp 1 với tỷ số dẫn trước tới 3-0, nhờ công của Maldini (1’) và Crespo (39’, 44’).
Nhưng Liverpool đã có cuộc ngược dòng ngoạn mục hiếm có trong lịch sử chung kết Cup C1/Champions League.
Họ nhanh chóng san hòa 3-3, với ba bàn liên tiếp trong vòng chỉ có 6 phút đầu hiệp hai, do công của Gerrard (54’), Smicer (56’) và Alonso (60’).
Ở loạt sút luân lưu, Liverpool thắng 3-2, khi Serginho, Pirlo và Shevchenko bên phía Milan đá hỏng.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 25/5/1922, trên báo “L’Humanité” (Nhân Đạo), với tinh thần cộng sản, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Mấy ý nghĩ về vấn đề thuộc địa” đóng góp ý kiến cho Đảng Cộng sản Pháp về những khó khăn đối với vấn đề thuộc địa. Người nhấn mạnh: "Đảng không thể thỏa mãn với những bản tuyên ngôn chỉ thuần là bằng tình cảm và không có kết quả gì như thời Quốc tế thứ nhất và Quốc tế thứ hai nữa, mà cần phải có một kế hoạch hoạt động chính xác, một chính sách có hiệu quả và thiết thực". Đồng thời chỉ ra 5 khó khăn trong vấn đề thuộc địa. Bài báo kết luận: "Trước những khó khăn đó, Đảng phải làm gì? Tăng cường công tác tuyên truyền của Đảng để khắc phục". (Hồ Chí Minh toàn tập – Nxb Chính trị quốc gia Sự thật 2011, tập 1).
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc và tờ báo Người cùng khổ - Ảnh tư liệu |
Ngày 23/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, các đảng và các đoàn thể, đồng bào cả nước cùng bè bạn nước ngoài đã chúc mừng nhân ngày sinh của mình. Thư viết: “Nhân dịp này, tôi xin hứa với đồng bào rằng từ đây về sau, cũng như từ đây về trước, tôi sẽ ra sức phấn đấu để giữ gìn quyền tự chủ của nước nhà, quyền tự do của dân tộc, quyền dân chủ của đồng bào. Tôi xin hứa với bạn hữu các nước rằng tôi sẽ dùng tinh thần lực lượng nhỏ mọn của tôi để giúp vào xây đắp mối thân thiện giữa các dân tộc”. (Hồ Chí Minh toàn tập – Nxb Chính trị quốc gia Sự thật 2011, tập 4)
Ngày 25/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi nhân dân Pháp sau cuộc hội kiến với Pôn Muýt (Paul Mus), đại diện cao ủy Pháp Bôlae”, trong thư nêu rõ: “Bọn quân phiệt thực dân đã bắt buộc chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng, chúng tôi lấy câu châm ngôn hiên ngang của các bạn làm châm ngôn của chúng tôi: “Thà chết không làm nô lệ”. Chúng tôi chiến đấu vì công lý. Chúng tôi sẽ tồn tại; chúng tôi sẽ chiến thắng”.
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc và các đại biểu tham dự Quốc tế Cộng sản |
Ngày 25/5/1948, Báo Cứu Quốc đăng bài Bác trả lời phỏng vấn của tờ báo Pháp “Frères d ’Armes”: “Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch ghét gì nhất? Trả lời: Điều ác / Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch yêu gì nhất? Trả lời: Điều thiện / Hỏi: Chủ tịch cầu mong gì nhất? Trả lời: Nền độc lập của nước tôi và của tất cả các nước trên hoàn cầu / Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch sợ gì nhất? Trả lời: Chẳng sợ gì cả! Một người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì”. (Hồ Chí Minh toàn tập – Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật 2011, tập 5).
Thẻ đảng viên Đảng Cộng sản Pháp của Nguyễn Ái Quốc với tên Hăngri Trần (Henri Tchen) năm 1922. Ảnh: hochiminh.vn |
Ngày 25/5/1954, Báo Nhân Dân đăng bài “Tuyên truyền” của Bác Hồ với bút danh C.B. Trong đó, Bác phê phán quan niệm chủ quan coi thường tuyên truyền của địch và nhấn mạnh: “Trách nhiệm của mỗi cán bộ, của mỗi người yêu nước, là tìm mọi cơ hội, dùng mọi hình thức, để đập tan tuyên truyền giả dối và thâm độc của địch. Chúng ta phải đánh thắng địch về mặt tuyên truyền, cũng như bộ đội ta đã đánh thắng địch về mặt quân sự!”. (Hồ Chí Minh toàn tập – Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật 2011, tập 8).