Ngày này năm xưa 20/8: Ban hành Pháp lệnh chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam Ngày này năm xưa 19/8: Cách mạng Tháng Tám thành công; ngày truyền thống ngành Hóa chất Việt Nam |
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước và ngành Công Thương; sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các sự kiện quốc tế ngày 21/8.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 21/8/1965 đến ngày 24/8/1965, hơn 2.000 sinh viên thanh niên Huế tập trung giữa thành phố để phản đối chế độ quân dịch, và dùng loa phóng thanh đọc một bản tuyên ngôn đòi "lật đổ chính phủ quân sự Thiệu Kỳ"... Ngày 28/8, hơn 4.000 học sinh, sinh viên Huế lại biểu tình đòi lật đổ Thiệu - Kỳ. Đêm hôm ấy thanh niên ở thành phố Đà Nẵng đi xe đạp, xe máy khắp phố kêu gọi đấu tranh, và sáng hôm sau có 3.000 học sinh bãi khoá và nhiều cửa hiệu đóng cửa ủng hộ thanh niên. Để hưởng ứng cuộc đấu tranh của thanh niên, đồng bào Phật giáo ở Huế, Đà Nẵng tổ chức những "đêm không ngủ". Ở Sài Gòn, ngày 29/8, học sinh, sinh viên cử một đoàn đại biểu đến gặp Nguyễn Hữu Có, "Tổng uỷ chiến tranh" ngụy, lên án chế độ quân dịch.
Ngày 21/8/1967, máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội. Đại đội 92 bộ đội hoá học đã thả khói che kín nhà máy điện Yên Phụ, làm cho địch không đánh trực tiếp được vào nhà máy. Đây là trận đánh đầu tiên địch sử dụng bom điều khiển từ xa nhưng mục tiêu (nhà máy điện Yên Phụ) vẫn được bảo vệ an toàn. Đây cũng lần đầu tiên bộ đội hoá học dùng màn khói che mắt quân thù để bảo vệ một cơ sở sản xuất quan trọng ở Thủ đô, có sự hiệp đồng với bộ đội pháo phòng không.
Ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Ngày 21/8/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 54/2019/TT-BTC về việc hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên
Ngày 21/8/2020, Bộ Công Thương ban hành văn bản hợp nhất quy định về xuất khẩu khoáng sản |
Ngày 21/8/2020, Bộ Công Thương ban hành Văn bản hợp nhất số 59/VBHN-BCT Quy định về xuất khẩu khoáng sản. Theo đó, phạm vi điều chỉnh gồm: Thông tư này quy định danh mục, tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản xuất khẩu; Khoáng sản xuất khẩu bao gồm: khoáng sản kim loại, khoáng sản phi kim loại, khoáng sản làm khoáng chất công nghiệp; Than, dầu mỏ, khí đốt thiên nhiên, condensate, băng cháy, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, khoáng sản làm vật liệu xây dựng, khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng, hợp kim, kim loại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.
Việc xuất khẩu khoáng sản theo phương thức kinh doanh tạm nhập tái xuất hoặc nhận gia công chế biến cho thương nhân nước ngoài để xuất khẩu được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài.
Ngày 21/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2020/NĐ-CP về việc quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.
Ngày 21/8/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 258/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về thúc đẩy triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ.
Sự kiện quốc tế
Ngày 21/8/1821, các thủy thủ trên tàu Eliza Francis của Anh quốc trở thành những người châu Âu đầu tiên trông thấy đảo Jarvis.
Ngày 21/8/1911, bức họa Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci bị đánh cắp khỏi Bảo tàng Louvre, Pháp. Đây được coi là vụ trộm tranh quý táo tợn nhất thế kỷ 20. Cho tới tận ngày nay, các chuyên gia vẫn đánh giá bức Mona Lisa là kiệt tác nghệ thuật nổi tiếng nhất, thu hút nhiều khách tham quan nhất và được đề cập đến cũng như sao chép lại nhiều nhất trên thế giới.
Tranh Mona Lisa. (Ảnh: Word Press) |
Ngày 21/8/1959, Tổng thống Dwight D. Eisenhower ký tuyên bố công nhận việc Hawaii gia nhập vào liên bang với tư cách là tiểu bang thứ 50. Tổng thống cũng ban lệnh tạo ra một lá cờ Mỹ gồm 50 ngôi sao được sắp xếp thành các hàng so le: 5 hàng 6 sao và 4 hàng 5 sao. Lá cờ mới này chính thức trở thành quốc kỳ nước Mỹ vào ngày 4/7/1960.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 21/8/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đưa ra lời kêu gọi “Lo cứu nước tức là lo cứu mình” trong bài “Dân cày”, đăng trên Báo Việt Nam độc lập, số 103, ngày 21/8/941.
Để tập hợp toàn dân tộc đấu tranh giành chính quyền, giành độc lập, tự do cho đất nước, giải phóng dân tộc khỏi sự thống trị, áp bức của thực dân Pháp xâm lược và chế độ phong kiến, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết bài: “Lo cứu nước tức là lo cứu mình”. Người đã chỉ rõ, trong đời sống của dân ta đang bị áp bức, bóc lột dưới chế độ thực dân, phong kiến tàn bạo, hà khắc.
Do vậy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải cùng nhau đứng lên đấu tranh lật đổ chế độ phong kiến, đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho đất nước, giải phóng dân tộc và đó cũng chính là cách thức tốt nhất để tự cứu mình trước ách đô hộ, cai trị của đế quốc, thực dân, phong kiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thức tỉnh, giác ngộ, động viên và tập hợp lực lượng của cả dân tộc đứng lên chống chế độ phong kiến, chủ nghĩa thực dân, đế quốc, giành độc lập, tự do cho dân tộc và cứu chính bản thân mình, gia đình mình.
Quang cảnh Hội nghị Phôngtennơblô |
Ngày 21/8/1946, trước nguy cơ tan vỡ của Hội nghị Phôngtennơblô, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi công hàm cho Chính phủ Pháp đề nghị hai bên cần trở lại tiếp tục cuộc đàm phán, nhưng phía Pháp trả lời: “… Những sự khác nhau quá sâu xa giữa hai quan điểm về những vấn đề cơ bản làm cho Hội nghị không họp được, vì có họp cũng không đi đến kết quả nào”. Tuy vậy, cùng ngày, Bác vẫn tiếp tục gặp gỡ các chính khách như Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Mariuýt Mutờ, cựu Toàn quyền Đông Dương Alécxăngđrơ Varen (Alexandre Varenne), ông Giăng Xanhtơni và trả lời báo “Liberation”(Giải phóng)... nhằm cứu vãn tình hình.
Ngày 21/8/1952, trong bài báo “Kế hoạch gia đình” đăng trên báo “Nhân Dân”, Bác đề cập đến phong trào tăng gia sản xuất, tiết kiệm đang được phát động, trong đó có việc hướng dẫn nhân dân xây dựng “kế hoạch gia đình”. Bài báo phê phán cách làm quan liêu, mệnh lệnh, xa rời thực tế, để đi đến kết luận: “Nói tóm lại: Kế hoạch gia đình là một điều rất hay, rất tốt, ích nước lợi dân. Nhưng cán bộ phải biết chuẩn bị, giải thích, đánh thông tư tưởng giúp đồng bào tự giác tự động làm, tránh bệnh quan liêu mệnh lệnh, biết theo dõi, đôn đốc, thì mới chắc chắn thành công”.