Ngày này năm xưa 16/6: Bộ Công Thương quy định hàng tiêu dùng xác định thời hạn nộp thuế nhập khẩu Ngày này năm xưa 17/6: Phê duyệt Hiệp định Thương mại dịch vụ ASEAN - Ấn Độ |
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương và quốc tế ngày 20/6; các sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 20/6/2011, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký ban hành Quyết định số 2180 thành lập Lữ đoàn tàu ngầm 189 thuộc Quân chủng Hải quân. Lữ đoàn Tàu ngầm 189 là đơn vị tàu ngầm cấp chiến dịch được biên chế các tàu ngầm lớp Kilo, hải đội tàu bảo đảm, cùng hệ thống cơ sở bờ đồng bộ, hiện đại. Lữ đoàn có nhiệm vụ độc lập hoặc hiệp đồng với các đơn vị trong và ngoài quân chủng triển khai bí mật tàu ngầm, tìm kiếm, phát hiện, bám sát và bất ngờ tiến công tiêu diệt các mục tiêu của địch.
Sự ra đời của Lữ đoàn Tàu ngầm 189 là dấu mốc lịch sử trong lộ trình phát triển của Hải quân Nhân dân Việt Nam; thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đối với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ngày 20/6/1914, nhạc sĩ Mai Văn Chung sinh ra tại Tân Hưng, Phù Tiên, Hưng Yên. Nhạc sĩ Văn Chung thuộc thế hệ đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam. Ông là thành viên sáng lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, là Ủy viên Ban Chấp hành khóa I và là Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa II.
Nhạc sĩ Vǎn Chung nổi tiếng với những ca khúc về đề tài nông thôn, cuộc sống của làng quê kháng chiến, làng quê xây dựng cuộc sống mới như: "Tiếng sáo chǎn trâu", "Bóng ai qua thềm", "Hồ xuân và thiếu nữ", "Hò dân cày", "Vào Đông Khê", "Gái thôn Đoài - trai thôn Thượng", "Quê tôi giải phóng", "Ba cô gái đảm", "Lúa cấy thẳng hàng"... và một số ca khúc dành cho thiếu nhi như: "Lỳ và sáo", "Đêm sao", "Lượn tròn lượn khéo", "Trǎng theo em rước đèn". Ông qua đời ngày 27/8/1984 tại Hà Nội.
Ngày 20/6/1998, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 40/1998/QĐ-BCN về việc điều chỉnh nhiệm vụ Trung tâm Thiết kế-Chế tạo và chuyển giao công nghệ cơ khí trực thuộc Viện Nghiên cứu Cơ khí
Ngày 20/6/1998, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 41/1998/QĐ-BCN về việc đổi tên Trường Trung học Kỹ thuật Mỏ - Địa chất thành Trường Trung học Công nghiệp III.
Ngày 20/6/2001, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 35/2001/QĐ-BCN về việc ban hành Quy chế đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản rắn trong điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản.
Ngày 20/6/2012, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3468/QĐ-BCT về việc bổ sung Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng thiếc, vonfram và antimon giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025.
Ngày 20/6/2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2493/QĐ-BCT về việc phê duyệt danh mục dự án tham gia “Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao” bắt đầu thực hiện từ năm 2017.
Ngày 20/6/2016, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 5450/BCT-TTTN về việc điều hành kinh doanh xăng dầu.
Ngày 20/6/2017, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 5430/BCT-TTTN về việc điều hành kinh doanh xăng dầu.
Sự kiện quốc tế
Nữ hoàng Victoria. Ảnh: history.com |
Ngày 20/6/1837, Nữ hoàng Victoria lên ngôi sau cái chết của người chú là vua William IV. Trong suốt thời gian trị vì của mình, bà đã đưa Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland trở thành đế chế hùng mạnh nhất thế giới.
Ngày 20/6/1861, nhà sinh hóa người Anh Frederick Gowland Hopkins ra đời tại Eastbourne, East Sussex, nước Anh. Ông là người đã giành được giải thưởng Nobel Sinh lý học và Y học vào năm 1929 cùng với bác sĩ người Hà Lan Christiaan Eijkman nhờ việc phát hiện ra “vitamin”, một thành phần dinh dưỡng thiết yếu giúp duy trì sức khỏe của con người và các loài động vật.
Ngày 20/6/1937, bộ ba phi hành đoàn người Liên Xô gồm hai phi công Valery Chkalov và Georgy Baidukov cùng với hoa tiêu Alexander Belyakov đã đi vào lịch sử ngành hàng không thế giới khi trở thành những người đầu tiên điều khiển máy bay ANT-25 bay thẳng từ Liên Xô vòng qua Bắc Cực và hạ cánh xuống Vancouver (Canada).
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 20/6/1921, mật thám Pháp theo dõi việc Nguyễn Ái Quốc có mặt tại ngôi nhà số 6 phố “Villa des Gobelins” ở Paris, là nơi ở của Luật sư Phan Văn Trường, để gặp Phan Châu Trinh cùng một số Việt kiều khác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu Quốc hội Tiệp Khắc trong khuôn viên của Phủ Chủ tịch tháng 1-1960. Ảnh: hochiminh.vn |
Ngày 20/6/1946, trong thời gian lưu lại thành phố Biarritz chờ Chính phủ Pháp tổ chức đón tiếp, Bác đã đi thăm làng chài, ra biển câu cá với dân địa phương và tối hôm đó tiếp Bộ trưởng Bộ Quân giới Tillon và ba nghị sĩ Pháp đến chào.
Ngày 20/6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi gửi nhân dân thế giới” nhân dịp nửa năm toàn quốc kháng chiến nhằm tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế. Trong lời gửi nhân dân Pháp, Người viết: “Nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp đều chung một lý tưởng: Tự do, Bình đẳng, Bác ái... có một mục đích chung: cộng tác thân thiện và bình đẳng giữa hai dân tộc. Vận mệnh của nhân dân Việt Nam và vận mệnh của nhân dân Pháp rất quan hệ với nhau... Chúng tôi rất mong các bạn cùng chúng tôi hành động để ngăn trở bọn thực dân phản động phá hoại cái lý tưởng chung, lợi ích chung, và tình nghĩa của hai dân tộc ta...”.
Với nhân dân châu Á, Người viết: “Việt Nam là một bộ phận trong đại gia đình châu Á. Tranh đấu cho tự do độc lập của Việt Nam tức là tranh đấu cho tự do, độc lập của đại gia đình châu Á”.
Còn với “các nhân sĩ dân chủ trên thế giới”, Người kêu gọi: “Mong các bạn lên tiếng ủng hộ hòa bình, ủng hộ chính nghĩa, ủng hộ dân chủ, ủng hộ Việt Nam!”.
Ngày 20/6/1949, với bút danh Lê Quyết Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tập hợp những bài viết đăng trên Báo Cứu quốc thành một cuốn sách mang tên “Cần Kiệm Liêm Chính”. Cuối sách, Người viết: “Ai chẳng muốn cho tự mình thành một người tốt, con cháu mình sung sướng, gia đình mình no ấm, làng xóm mình thịnh vượng, nòi giống mình vẻ vang, nước nhà mình mạnh giàu. Mục đích ấy tuy to lớn, nhưng rất thiết thực. Thiết thực, vì chúng ta nhất định đạt được. Chúng ta nhất định đạt được, vì mỗi người và tất cả dân ta đều thi đua: Cần, Kiệm, Liêm, Chính”.
Ngày 20/6/1954, nghe tin phu nhân của Bác sĩ Đặng Văn Ngữ, một trí thức Việt kiều ở Nhật Bản về nước phục vụ kháng chiến, qua đời, Bác viết thư chia buồn và phân ưu: “Nhưng sinh tử là lẽ thường của tạo hóa. Bác khuyên chú chớ quá buồn rầu, lấy công tác mà khuây khoả...”.