Ngày này năm xưa 15/6: Quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương Ngày này năm xưa 16/6: Bộ Công Thương quy định hàng tiêu dùng xác định thời hạn nộp thuế nhập khẩu |
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương, sự kiện quốc tế và các sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 17/6.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 17/6/1999, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ra Quyết định số 36/1999/QĐ-BCN về việc đổi tên Trung tâm Tư vấn đầu tư Than thành Công ty Tư vấn đầu tư Điện – Than, trực thuộc Tổng Công ty Than Việt Nam.
Ngày 17/6/2003, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp đã ký Quyết định số 99/2003/QĐ-BCN về việc phê duyệt Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Công ty Da Giầy Hà Nội.
Ngày 17/6/2008, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 12/2008/QĐ-BCT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện.
Ngày 17/6/2011, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2992/QĐ-BCT về phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Nhựa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Ngày 17/6/2013, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3979/QĐ-BCT qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Báo Công Thương.
Sau khi Việt Nam phê duyệt Hiệp định Thương mại dịch vụ ASEAN - Ấn Độ, sản phẩm cà phê của Việt Nam đã tăng tốc xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ |
Ngày 17/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP về việc phê duyệt Hiệp định Thương mại dịch vụ ASEAN - Ấn Độ
Ngày 17/6/1954, họa sĩ Tô Ngọc Vân hy sinh ở Đa Khê, vùng gần sát chiến trường Điện Biên Phủ. Hoạ sĩ có bút danh Tô Tử, Ái Mỹ, sinh ngày 15-12-1906 tại Xuân Cầu, Vân Giang, Hưng Yên. Tô Ngọc Vân là họa sĩ có tài năng lớn, một trong những bậc thầy gây dựng, định hình cho sự phát triển của nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam.
Ngày 17/6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 56/SL thành lập trường Ngoại ngữ.
Ngày 17-6-1929, hơn 20 đại biểu các tổ chức cơ sở đảng ở miền Bắc đã họp ở ngôi nhà số 312 phố Khâm Thiên - Hà Nội, quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, thông qua Chính cương, Tuyên ngôn, Điều lệ của Đảng; quyết định xuất bản Báo Búa Liềm - cơ quan ngôn luận của Đảng - và cử ra Ban Chấp hành Trung ương của Đảng.
Ngày 17-6-1976, đơn vị An ninh vũ trang An Giang, tiền thân của lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang ngày nay, được thành lập. Đứng chân trên địa bàn biên giới giáp ranh với Campuchia, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã sát cánh cùng với quân và dân tỉnh An Giang bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia, xây dựng mối đoàn kết quân dân gắn bó và thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng trong những năm qua.
Các sự kiện quốc tế
Ngày 17/6/1972, năm đối tượng đột nhập vào văn phòng của Đảng Dân chủ tại Khách sạn Watergate ở thủ đô Washington, Mỹ. Sự kiện này khơi mào cho vụ bê bối “Watergate”, một trong những cuộc khủng hoảng chính trị mang tính biểu tượng trong lịch sử chính trường nước Mỹ kéo dài từ năm 1972 đến năm 1974. “Watergate” bao gồm các hoạt động bí mật và bất hợp pháp như nghe trộm văn phòng của các đối thủ chính trị, sử dụng FBI, CIA và Sở Thuế vụ làm vũ khí chính trị..., do chính quyền Tổng thống Nixon thực hiện. Vụ việc này kết thúc với việc Tổng thống Nixon phải từ chức vào năm 1974.
Ngày 17/6/1967, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công bố thử nghiệm thành công vũ khí nhiệt hạch.
Các sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 17/6/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa”.
Lời huấn thị của Bác khi làm việc với đội ngũ cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương, ngày 17/6/1968, về việc xuất bản cuốn sách “Người tốt, việc tốt” nhằm tuyên truyền, nêu gương những nhân tố tích cực, những cách ứng xử đúng đắn, đối đãi với nhau chân tình. Người đã dặn: Hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu Chủ nghĩa Mác-Lênin được.
Bác đã khẳng định giá trị, bản chất cách mạng, khoa học, tính nhân văn, nhân đạo của Chủ nghĩa Mác - Lênin mà mỗi người nói chung, cán bộ, đảng viên Ban Tuyên huấn Trung ương nói riêng phải ra sức học tập để không ngừng nâng cao trình độ nhận thức, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả vào quá trình công tác, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, chức trách, nhiệm vụ được giao.
Ngày 17-6-1947, tại Tân Trào, Bác Hồ chủ trì Hội đồng Chính phủ kỷ niệm 6 tháng tiến hành toàn quốc kháng chiến và nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo về tình hình hoạt động quân sự. Cùng ngày, Bác ký Sắc lệnh thành lập Trường Ngoại ngữ nhằm mục đích đào tạo cán bộ cho công tác đối ngoại của công cuộc kháng chiến.
Ngày 17-6-1956, Báo Nhân Dân đăng bài “Bình dân học vụ” của Bác biểu dương: “…tính đến tháng 5, cả miền Bắc đã có ngót 1.715.000 người đi học, từ các lớp i. t. đến các lớp bổ túc cấp 2. Có thành tích ấy là vì nhân dân ta hiểu thấu rằng: bất kỳ làm nghề gì, nếu không biết chữ thì khó tiến bộ, cho nên nhiều người cố gắng đi học. Từ thành thị đến thôn quê, ở các đường phố, các nhà máy, các công trường, các chợ búa... khắp nơi có lớp học. Già, trẻ, gái, trai, ai chưa biết chữ đều tìm cách vượt khó khăn để đi học. Buổi sáng, buổi trưa, buổi tối, đến đâu cũng nghe tiếng học. Thật là một phong trào sôi nổi, một cảnh tượng tưng bừng của một dân tộc quyết rời bỏ chỗ tối, bước lên chỗ sáng... Một dân tộc siêng làm, ham học như thế, thì làm việc gì cũng thành công!... chúng ta nhất định tiêu diệt giặc dốt trong thời gian đã định”.
Ngày 17-6-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho nhân dân và cán bộ huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa đã xóa xong nạn mù chữ trước thời hạn quy định và sớm nhất trong các huyện ở miền Bắc.