Ngày này năm xưa 13/2: Bộ Công Thương có văn bản hợp nhất Nghị định về kinh doanh xăng dầu Ngày này năm xưa 14/02: Ban hành công tác quản lý an toàn trong ngành Công Thương |
Chuyên mục Ngày này năm xưa của báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước và quốc tế ngày 15/2; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 15/2.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 15/2/1913: Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát. Là một nhà cách mạng yêu nước, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Đảng, Nhà nước và nhân dân tín nhiệm trao giữ nhiều trọng trách trong cả giai đoạn chiến tranh và sau giải phóng như Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát còn là người đã đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng Thủ đô Hà Nội và nền kiến trúc Việt Nam. Đồng chí đã để lại những công trình, tác phẩm xuất sắc như: Bản quy hoạch Thủ đô Hà Nội năm 1981, Bảo tàng các Vua Hùng, Nhà hát Hòa Bình TP. Hồ Chí Minh. Riêng bản thiết kế Bảo tàng Hồ Chí Minh 1979 - 1985 được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là đại biểu Quốc hội khóa I, II, III, VI, VII, VIII. Ngày 30/9/1989, đồng chí Huỳnh Tấn Phát từ trần, thọ 76 tuổi.
Ngày 15/2/1943: Kim Đồng bị Pháp sát hại khi mới 14 tuổi. Liệt sĩ Kim Đồng tên thật là Nông Vǎn Dền, sinh nǎm 1929, người dân tộc Nùng, quê ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Tham gia cách mạng từ nǎm 11 tuổi, làm giao thông liên lạc cho các cán bộ hoạt động bí mật và đội trưởng Đội nhi đồng cứu vong. Tháng 7/1997, Kim Đồng được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày 15/2/1961: Tại chiến khu Đ ở Nam Bộ, một hội nghị quân sự quan trọng được tổ chức. Hội nghị quyết định: Thống nhất tất cả các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam thành Quân giải phóng miền Nam và đặt dưới sự chỉ huy chung là Bộ tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam.
Ngày 15/2/1947: Khai mạc Hội nghị chính trị viên toàn quốc lần thứ nhất do Tổng Quân ủy triệu tập. Hội nghị đã xác định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng trong quân đội, đặt hệ thống tổ chức Đảng trong quân đội từ Tổng quân ủy đến mỗi chi bộ.
Từ ngày 15/2/2022, người có công được miễn, giảm tiền sử dụng đất theo Nghị định 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Nghị định này quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Ngày 15/2/2017: Bộ trưởng Bộ Công Thương ký quyết định số 440/QĐ-BCT ban hành Quy chế tiếp công dân quy định trách nhiệm tiếp công dân, việc tổ chức và hoạt động tiếp công dân của Bộ Công Thương và của các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương.
Ngày 15/2/2022: Bộ Công Thương ban hành các Quyết định số 188/QĐ-BCT, 189/QĐ-BCT và 192/QĐ-BCT thành lập các đoàn thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu với 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại ba miền Bắc, Trung, Nam.
Ngày 15/2/2017: Bộ Công Thương có văn bản số 1188/BCT-KH về việc trả lời kiến nghị của cử tri các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương trước kỳ họp của Quốc hội.
Sự kiện quốc tế
Ngày 15/2/1564: Galileo Galilei, nhà vật lí, nhà toán học và nhà thiên văn học, người đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng khoa học và được coi là cha đẻ của khoa học hiện đại, ra đời tại Pisa, nước Ý. Ông mất ngày 8/1/1642.
Ngày 15/2/1976: Hiến pháp đầu tiên sau cách mạng của Cuba được thông qua trong một cuộc trưng cầu dân, đề ra hệ thống chính quyền và pháp luật dựa trên mô hình của Liên Xô và Đông Âu.
Ngày 15/2/1991: Các lãnh đạo của Ba Lan, Hungary và Tiệp Khắc ký kết Hiệp định Visegrád, thiết lập hợp tác nhằm hướng tới hệ thống thị trường tự do.
Ngày 15/2/2013: Một thiên thạch đã bay vào bầu khí quyển Trái Đất trên bầu trời nước Nga và đã trở thành một quả cầu lửa. Nó bay với vận tốc 54.000 kilôméth, gấp 44 lần vận tốc âm thanh, bay qua bầu trời khu vực Ural phía Nam và phát nổ ở phía trên tỉnh Chelyabinsk. Vật thể phát nổ ở độ cao khoảng 15 đến 25 km so với mặt đất. Sóng xung kích từ thiên thạch Chelyabinsk khiến hơn 1.000 người dưới đất bị thương do kính vỡ.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 15/2/1967: Trả lời thư ngày 8/2/1976 của Tổng thống Mỹ L. Johnson, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất thiết tha với độc lập, tự do và hòa bình... Nhân dân Việt Nam quyết không khuất phục trước vũ lực và quyết không nói chuyện trước sự đe dọa của bom đạn”.
Qua đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, khát vọng được sống trong hòa bình, độc lập, tự do. Và vì những điều đó mà nhân dân Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục trước bom đạn, cường quyền, sẽ quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng, tính mệnh, và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.
Ngày 15/2/1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp với đại diện các đoàn thể chính trị để bàn việc lập Chính phủ liên hiệp sẽ chính thức ra mắt vào dịp Quốc hội được triệu tập.
Ngày 15/2/1947: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư trả lời Charles Fenn, một sĩ quan tình báo trong đơn vị thuộc OSS đã từng tiếp xúc với Bác trong thời gian ở Côn Minh (tháng 3/1945) nhằm gây dựng mối quan hệ đồng minh chống Nhật ở Đông Dương. Bức thư viết: “Chúng tôi vô cùng cảm kích vì thiện chí của Ngài muốn giúp Việt Nam”. Sau khi Bác Hồ qua đời, Charles Fenn là người viết cuốn tiểu sử chính trị đầu tiên về Hồ Chí Minh xuất bản bằng Anh ngữ. Khi đó ngoài 100 tuổi (năm 2004), Charles Fenn còn viết: “Cuộc sống cá nhân mẫu mực, tính kiên định vì nền độc lập và tự do của Việt Nam, những thành quả phi thường bất chấp những khó khăn chồng chất đó đưa Hồ Chí Minh, trong sự phán xét cuối cùng của nhân loại, lên hàng đầu danh sách những lãnh tụ của thế kỷ XX”.
Ngày 15/2/1961: ngày mồng Một Tết Tân Sửu, trong lời chúc mừng năm mới Bác viết: “Năm nay là năm Sửu, các cụ ta quen gọi là “Tết con Trâu”. Trâu thì cày giỏi mà chọi cũng hăng. Toàn dân ta đoàn kết đấu tranh thì chúng ta nhất định xây dựng thành công một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Ngày 15/2/1965, Bác Hồ thăm đền thờ Nguyễn Trãi tại Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương). Thư ký của Bác là ông Vũ Kỳ thuật lại: Bác nghỉ trưa ở đó và xem rất kỹ văn bia trong đền thờ Nguyễn Trãi. Rồi đây các nhà viết sử có lẽ phải dành nhiều trang cho sự kiện không ngẫu nhiên này. Bởi Hồ Chí Minh tìm đến Nguyễn Trãi trong một bước ngoặt lịch sử của dân tộc, đâu phải là một sự ngẫu nhiên. Cách nhau hơn 5 thế kỷ (1380 - 1890), hai nhà chính trị và quân sự kiệt xuất, hai nhà thơ lớn, hai nhân cách lớn, và bao trùm lên tất cả là sự gặp nhau ở lòng tin tuyệt đối vào sức mạnh của nhân dân, là tấm lòng tha thiết đối với hạnh phúc của nhân dân...
Sự kiện trong ngày 15/2/2023
Phiên họp thứ 20 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình.
Hội thảo khoa học và mít tinh kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát.
Diễn đàn Nghiên cứu Việt Nam - Nhật Bản với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác Nhật Bản - Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh sau dịch bệnh Covid-19”.
Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nhật Bản với nội dung định hướng hợp tác tương lai giữa Việt Nam và Nhật Bản cùng đưa ra giải pháp sáng tạo hướng tới xây dựng nền kinh tế bền vững.
Một số quy định về kiểm sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với rau thơm, trái cây, mì ăn liền của Việt Nam xuất sang EU bắt đầu được áp dụng.
Nghị định 128/2022/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo chính thức có hiệu lực.