Ngày này năm xưa 15/10, Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Nghị định được đánh giá là mục tiêu đúng đắn trong quản lý ngành hàng xăng dầu, quản lý giá bán xăng dầu được thực hiện trên nguyên tắc cơ chế thị trường với sự quản lý của Nhà nước.
Sự kiện trong nước
Ngày 15/10/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Theo một số chuyên gia kinh tế, cái được của Nghị định 84 là kinh doanh xăng dầu đã chuyển mạnh sang cơ chế thị trường. Mục tiêu này là đúng đắn trong quản lý ngành hàng xăng dầu. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng xuất hiện những vướng mắc, cần được sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập.
Theo Nghị định 84 hiện hành, việc điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu được thực hiện như sau: Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trong phạm vi 12% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng.
Khi giá cơ sở giảm trên 12%, sau khi cơ quan thẩm quyền áp dụng các biện pháp điều tiết, thương nhân đầu mối tiếp tục giảm giá bán lẻ của mình; không hạn chế khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm giá. Đối với việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu, nếu yếu tố đầu vào làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 7% (≤ 7%) so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng.
Nếu tăng trên 7% đến 12%, doanh nghiệp đầu mối được quyền tăng giá theo trường hợp ≤ 7% cộng thêm 60% của mức giá cơ sở tăng trên 7-12%; 40% còn lại sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp. Trường hợp giá cơ sở tăng trên 12%, hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân Nhà nước công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua điều hành thuế, Quỹ Bình ổn giá.
Ngày 15/10/1930 là Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và ngày 15/10 hằng năm là “Ngày dân vận của cả nước”. Quyết định này được Bộ Chính trị khóa VIII thông qua tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận”.
Ngày 15/10/1964, anh hùng Nguyễn Văn Trỗi bị địch đưa ra pháp trường xử bắn. Nguyễn Văn Trỗi là một chiến sĩ biệt động Sài Gòn, đã nhận nhiệm vụ cài mìn tại cầu Công Lý, nơi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert McNamara đi qua. Kế hoạch bị lộ và anh bị bắt. Trên pháp trường, trước họng súng của kẻ thù, Nguyễn Văn Trỗi đã hô vang khẩu hiệu yêu nước: "Đả đảo đế quốc Mỹ!...Hồ Chí Minh muôn năm...! Việt Nam muôn năm!".
Sự kiện quốc tế
Ngày 15/10/1993, Viện Nobel Na Uy quyết định trao Giải Nobel Hòa bình cho hai nhà lãnh đạo Nam Phi là Nelson Mandela và Frederik Willem de Klerk để ghi nhận những đóng góp của hai ông trong việc chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc và đặt nền móng cho một đất nước Nam Phi dân chủ mới.
Hai nhà lãnh đạo Nam Phi là Nelson Mandela (trái) và Frederik Willem de Klerk nhận Giải Nobel Hòa Bình tại một buổi lễ được tổ chức ở thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12/1993 |
Ngày 15/10/2003, Trung Quốc phóng Thần Châu 5, tàu vũ trụ đầu tiên của nước này, từ bệ phóng Jiuquan ở gần sa mạc Gobi. Tàu Thần Châu 5 do phi hành gia Dương Lợi Vỹ điều khiển đã thực hiện 14 vòng bay theo quỹ đạo trong 21 giờ đồng hồ trước khi trở về trái đất. Với việc phóng thành công tàu Thần Châu 5, Trung Quốc trở thành nước thứ ba trên thế giới (sau Nga và Mỹ) đủ năng lực đưa được con người vào vũ trụ.
Ngày 15/10/2018, nhà đầu tư và nhà từ thiện người Mỹ Paul Allen, người đồng sáng lập Tập đoàn Microsoft, đã qua đời ở tuổi 65 sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh ung thư hạch Hodgkin.
Sự kiện, kỷ niệm về Bác Hồ
Ngày 15/10/1945, Báo Cứu quốc đăng bài “Trả lời thư của Nhi đồng Cứu quốc Phước Diên (Quảng Ninh) và Cẩm Giàng (Hải Dương)” của Bác Hồ. Trong bài, Người viết: “Tôi nhận được thư các cháu cho biết rằng các cháu đã nhịn ăn quà để góp tiền vào Quỹ độc lập. Các cháu nồng nàn yêu nước làm cho tôi rất động lòng”, đồng thời Người biểu dương: “Các cháu đã tỏ ra là những cháu chắt rất xứng đáng của tổ tiên Hồng - Lạc, và rất xứng đáng là “tiểu chủ ông” của nước nhà”.
Ngày 15/10/1948, trong bài viết “Chủ nghĩa cá nhân” đăng trên Báo Sự thật, Bác phân tích làm rõ biểu hiện, tác hại của bệnh chủ nghĩa cá nhân, đồng thời đề xuất biện pháp để “tẩy sạch” căn bệnh đó như: “Thực hành tự phê bình và phê bình đồng sự mình. Phê bình một cách thiết thực mà thân ái. Phê bình từ cấp trên xuống và từ cấp dưới lên. Phê bình nhau và giúp nhau sửa chữa…”.
Vào ngày 15/10/1956, Trung ương Liên đoàn Thanh niên Việt Nam và Ban mặt trận Thanh niên toàn quốc đã quyết định lấy ngày 15/10 hằng năm là ngày truyền thống của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
Từ ngày 8 đến ngày 15/10/1956, Đại hội thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam toàn quốc lần thứ I được khai mạc tại Nhà hát lớn Thủ đô Hà Nội, gồm 420 đại biểu chính thức, 300 đại biểu dự thính trong và ngoài nước, miền Nam và miền Bắc, có cả đại biểu Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới tham gia.
Các hoạt động kỷ niệm ngày Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam có thể kể đến là meeting, gặp mặt truyền thống, tổ chức các giải thi đấu thể dục thể thao,… Đây cũng là dịp để các cấp bộ Hội, cán bộ, hội viên, tình nguyện viên thực hiện các công trình, phần việc ý nghĩa tới người dân và thanh thiếu nhi tại các địa bàn khó khăn trong cả nước.
Ngày 15/10/1958, Bác đến thăm công trường thanh niên trên đường Cổ Ngư (Hà Nội) trong lúc hơn 900 học sinh các trường phổ thông cấp III Trưng Vương, Nguyễn Trãi, Chu Văn An và trung học Trung Hoa đang tham gia lao động. Người nói với các học sinh: “Các cháu tham gia lao động xây dựng Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... như thế là rất tốt. Bác chúc các cháu mạnh khỏe, tiến bộ, cố gắng lao động thật tốt để giành được vinh dự cho việc đặt tên đường này là đường Thanh Niên”.
Ngày 15/10/1968, nhân dịp khai giảng năm học 1968 - 1969, Bác Hồ đã gửi thư chúc mừng đến tất cả cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên và học sinh trong cả nước. Đây là bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành giáo dục trước lúc đi xa. Bức thư có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và to lớn đối với sự nghiệp giáo dục, đối với dân tộc Việt Nam. Từ đó, ngày 15/10 đã trở thành sự kiện quan trọng của ngành giáo dục Việt Nam.