Chuyên mục Ngày này năm xưa của Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước và quốc tế ngày 14/1; Các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 14/1.
Sự kiện trong nước
Ngày 14/1/2020, Bộ Công Thương có thông tư 01/2020/TT-BCT Quy định việc nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan năm 2020. Theo đó, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2020: Lượng thuốc lá nguyên liệu (mã HS 2401) nhập khẩu theo ngạch thuế quan năm 2020 là 59.098 tấn.
Đối tượng và phương thức giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu: Việc phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu được thực hiện theo qui định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lí ngoại thương và Thông tư số 12/2018/TT-BCT ngày 15/6/2018 của Bộ Công thương qui định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương. Thông tư số 01/2020/TT-BCT sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/2/2020 đến hết ngày 31/12/2020.
Ngày 14/01/2020, Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Ngày 14 đến 18/1/1949, Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng lần thứ VI, chủ trương về Quân sự “mạnh bạo đẩy vận động chiến đi tới”, “trọng tâm lúc này là tiếp tục xây dựng bộ đội chủ lực.”
Ngày 14/1/1950, Được coi là ngày đánh dấu sự thắng lợi của đường lối ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà.
Ngày 14/1/1976, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định 18/QĐ-QP về việc thành lập Trường Sĩ quan Chính trị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Trường là cơ sở đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn; cung cấp đội ngũ cán bộ chính trị, giáo viên khoa học xã hội và nhân văn, góp phần xây dựng quân đội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hợp tác quốc tế.
Gần nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu, cống hiến và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ nhà trường đã phát huy bản chất tốt đẹp và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, bền bỉ phấn đấu, vượt qua khó khăn gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trung tâm, xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”. Nhà trường đã triển khai toàn diện, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Quan tâm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên.
Ghi nhận những thành tích trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, Trường Sĩ quan Chính trị vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ nhà trường luôn phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ và kỷ cương; chủ động, sáng tạo, vượt khó, vươn lên; góp phần tô thắm thêm truyền thống “Trung thành, sáng tạo, đoàn kết, vượt khó, dạy tốt, học tốt”.
Ngày 14/1/1993, Quyết định của Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú cho 37 nghệ sĩ Quân đội.
Ngày 14/1/2011, Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đổi tên Bộ chỉ huy Quân sự TP Hồ Chí Minh thành Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh, thuộc Quân khu 7. Nhà thơ Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 14/1/1920, quê ở tỉnh Quảng Trị, mất nǎm 1989 ở thành phố Hồ Chí Minh. Thơ Chế Lan Viên giàu chất suy tưởng và vẻ đẹp trí tuệ (trong những nǎm chống đế quốc Mỹ lại đậm tính chính luận). Ông chú trọng khai thác tương quan đối lập giữa các sự vật, hiện tượng, sáng tạo hình ảnh đẹp, mới lạ và ngôn ngữ sắc sảo.
Các tập thơ chủ yếu của Chế Lan Viên gồm có, Điêu tàn (1937), Ánh sáng và phù sa (1960), Hoa ngày thường - chim báo bão (1967), Những bài thơ đánh giặc (1972), Đối thoại mới (1973), Hoa trước lǎng Người (1976), Hái theo mùa (1977), Hoa trên đá (1984), Ta gửi cho mình (1986) và 2 tập "Di cảo" sau khi ông qua đời.
Sự kiện về Bác Hồ
Ngày 14/1/1920, Nguyễn Ái Quốc lúc này là Thư ký “Nhóm người cách mạng An Nam” tại Pháp có một cuộc diễn thuyết vào 20 giờ 30 phút tại số 3 đường “Chateau”, Paris với đề tài: “Sự tiến triển trong xã hội của những dân tộc vùng châu Á và những lời yêu cầu của xứ An Nam”.
Theo báo cáo của mật thám Pháp, vài ngày hôm sau (19/1), trả lời câu hỏi của một người đồng bào tên là Lâm e ngại việc làm của Nguyễn Ái Quốc là quá mạnh, nhà cách mạng trẻ thẳng thắn trả lời: Nếu ai hỏi tôi là “Nhóm người cách mạng An Nam” ở đâu, tôi sẽ trả lời là 20 triệu người ở trong nước, họ đã phản đối hằng ngày, nhưng bị đàn áp, bị dìm đi. Nói cho cùng, ai làm gì tôi? Lưu đầy tôi ư? Hoặc cắt đầu tôi? Điều ấy có xẩy đến tôi cũng bất cần!
Ngày 14/1/1921, Nguyễn Ái Quốc vào Bệnh viện Côsanh ở Paris để mổ áp xe vai. Ca mổ thực hiện vào ngày 19/1 và phải điều trị tại đó cho đến 25/3/1921. Trong thời gian này mật thám Pháp luôn theo dõi sát sao những tiếp xúc của nhân vật trong Đại hội Tua (Tours) cuối năm trước đã bỏ phiếu theo Quốc tế III.
Ngày 14/1/1926, Nguyễn Ái Quốc đã ở Trung Quốc với bí danh là Vương Văn Đạt được mời đến phát biểu tại Đại hội lần thứ II của Quốc dân Đảng Trung Hoa. Kết thúc bài phát biểu, đại biểu Vương kêu gọi: “Tất cả các dân tộc bị áp bức nào, hễ cùng bị chủ nghĩa đế quốc áp bức, thì phải cùng nhau liên hiệp lại. Đả đảo đế quốc Pháp! Đả đảo chủ nghĩa đế quốc trên thế giới!... Không phân biệt nước nào, dân tộc nào, tất cả hãy đứng lên chống kẻ thù chung của chúng ta!”
Ngày 14/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 4 về việc cử người vào Uỷ ban nghiên cứu kế hoạch và kiến thiết, một cơ quan tư vấn được thành lập từ cuối năm 1945. Sức thu hút nhân tài của Bác Hồ không chỉ mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân mà thực sự đã quy tụ được trí tuệ của dân tộc.
Sự kiện quốc tế
Ngày 14/1/1973, buổi hòa nhạc Aloha from Hawaii của Elvis Presley được truyền hình trực tiếp qua vệ tinh, và lập kỷ lục chương trình phát sóng của riêng một nghệ sĩ được nhiều người xem nhất trong lịch sử truyền hình.
Ngày 14/1/1960, Ngân hàng Dự trữ Úc, là ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý tiền tệ của nước Úc, được thành lập.
Ngày 14/1/2004, Quốc kỳ nước Cộng hoà Gruzia, hay còn được gọi là cờ năm thập tự, được khôi phục và sử dụng chính thức lại sau một thời gian gián đoạn khoảng 500 năm.