Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước và ngành Công Thương; các sự kiện quốc tế và sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 12/9.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 12/9/1921, ngày sinh nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (còn gọi là Huỳnh Minh Siêng) quê ở Ô Môn, Cần Thơ. Ông là ngôi sao sáng của nền âm nhạc cách mạng với nhiều bài hát đi vào lòng người: Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên, Giải phóng miền Nam, Dưới cờ Đảng vẻ vang, Thanh niên ba sẵn sàng, Tiến về Sài Gòn, Tình Bác sáng đời ta… Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước còn là một nhà lãnh đạo, nhà quản lý tâm huyết. Ông từng giữ các chức vụ: Phó Giám đốc Công binh xưởng Nam bộ, Tổng Thư ký Ủy ban kháng chiến miền Nam Việt Nam, Phó trưởng phòng Bộ Nội vụ, Trưởng đoàn Tuyên truyền xung phong thiếu nhi nghệ thuật ở khu 10 và khu 1 thuộc Bộ Giáo dục, giáo viên, Giám đốc Trường Văn hóa thiếu nhi, Trưởng ban thường vụ Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam, cán bộ phụ trách sản xuất đĩa hát Việt Nam ở Thượng Hải, Trưởng ban nghiên cứu âm nhạc, Vụ trưởng Âm nhạc và Múa của Bộ Văn hóa, Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Văn hóa Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước mất ngày 8/6/1989.
Ngày 12/9/1927, ngày sinh Thiếu tướng tình báo, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Xuân Ẩn, tên thật là Phạm Văn Thành là một Thiếu tướng tình báo của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cuộc đời hoạt động của ông gắn liền với các biệt danh X6, Trần Văn Trung hay Hai Trung... Ông từng là nhà báo và phóng viên cho các tờ Reuters, tạp chí TIME, New York Herald Tribune, The Christian Science Monitor... Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 15//1/1976.
Ngày 12/9/1930, Phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh: Cuộc đấu tranh của hơn 8.000 nông dân Hưng Nguyên, Nghệ An nổ ra vào ngày này để hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân các huyện và cuộc bãi công của công nhân Vinh - Bến Thủy, phản đối chính sách khủng bố của bọn thực dân và phong kiến tay sai. Xô viết - Nghệ Tĩnh là đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930-1931, khẳng định mối liên minh giữa giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam trong tiến trình đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Xô viết - Nghệ Tĩnh là đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930-1931 |
Ngày 12/9/1945, tổ chức mật mã đầu tiên được thành lập, gọi là Ban Mật mã quân sự (tiền thân của ngành Cơ yếu Việt Nam ngày nay), đặt tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Trải qua 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, ngành Cơ yếu Việt Nam đã phát huy truyền thống vẻ vang, luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm bí mật, an toàn, chính xác, kịp thời, thông tin thông suốt phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước, chỉ huy của lực lượng vũ trang qua các giai đoạn cách mạng, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được Ðảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý.
Ngày 12/9/2000, Chính phủ ban hành Nghị định 48/2000/NĐ-CP về việc Quy định chi tiết thi hành Luật Dầu khí.
Ngày 12/9/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn 1230/CP-ĐMDN về việc đẩy mạnh triển khai thực hiện đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước.
Ngày 12/9/2003, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) ban hành Quyết định 147/2003/QĐ-BCN về việc chuyển Công ty Dệt May xuất khẩu Bình Định về làm thành viên của Tổng công ty Dệt - May Việt Nam.
Ngày 12/9/2003, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định 148/2003/QĐ-BCN về việc chuyển Bệnh viện Dệt May khu vực Phú Thọ của Tổng công ty Dệt - May Việt Nam về UBND tỉnh Phú Thọ.
Ngày 12/9/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 932/QĐ-TTg về cơ chế tài chính đối với các trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại nước ngoài.
Ngày 12/9/2005, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) ban hành Thông báo 0933/TM-DM gia hạn cấp visa tự động đối với hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ năm 2005.
Ngày 12/9/2006, Bộ Thương mại ban hành Quyết định 1456/QĐ-BTM về việc giảm giá bán xăng.
Ngày 12/9/2006, Bộ Thương mại ban hành Thông báo 0370/BTM-DM danh sách thương nhân đăng ký CAT. 338/339, 340/640 từ nguồn tự động tháng 9/2006.
Ngày 12/9/2008, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn 6014/VPCP-KTN về việc lập lại trật tự trong xuất khẩu khoáng sản.
Ngày 12/9/2008, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 4969/QĐ-BCT phê duyệt tổ chức và cá nhân chủ trì đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm thực hiện trong kế hoạch năm 2009 thuộc "Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hoá dược đến năm 2020".
Chính phủ ban hành quyết định về việc quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng |
Ngày 12/9/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 51/2011/QĐ-TTg về việc quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện.
Ngày 12/9/2016, Ban Bí thư ban hành Quyết định số 40-QĐ/TW về việc công nhận Ngày truyền thống của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương. Ban Bí thư công nhận ngày 7/11/1948 là Ngày truyền thống của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.
Ngày 12/9/2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 3690/QĐ-BCT về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Ngày 12/9/2017, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 16/2017/TT-BCT quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.
Ngày 12/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Ngày 12/9/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1143/QĐ-TTg về việc bổ sung kinh phí tổ chức Hội chợ xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã.
Ngày 12/9/2018, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 25/2018/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về thực hiện giá bán điện.
Ngày 12/9/2022, Bộ Công Thương ban hành Công văn 5404/BCT-TTTN về việc điều hành kinh doanh xăng dầu ngày 12/9/2022.
Sự kiện quốc tế
Ngày 12/9/1942, Chiến tranh thế giới thứ hai: Mở màn trận chiến đồi Edson trên đảo Guadalcanal giữa quân Đồng minh và quân Nhật Bản.
Nhà toán học nữ Lê Hồng Vân được Nhà bác học Abdus Salam (Giải thưởng Nobel), trao Giải thưởng của ICTP năm 1991 |
Ngày 12/9/1991, Tại Tơriextơ (Italia), nhà toán học nữ Lê Hồng Vân, 30 tuổi, chuyên gia về hình học vi phân đã được tặng giải thưởng của Trung tâm quốc tế vật lý lý thuyết.
Ngày 12/9/2014, tại thành phố Milan (Italia) diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính lần thứ 11 của ASEM với chủ đề “Một liên minh chiến lược mới tạo tăng trưởng bền vững và sinh lợi”.
Ngày 12/9/2018, Hàn Quốc xóa bỏ chế độ Thiết quân luật.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 12/9/1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, phiên tòa thứ 9 được xử. Luật sư đưa ra lời kháng nghị 8 điểm vạch rõ kết luận của tòa án thực chất là muốn giao bị can cho nhà đương cục Pháp, vi phạm “Luật Bảo thân”, yêu cầu để Tống Văn Sơ được tự do lựa chọn nơi đến... Cuối cùng, tòa chấp nhận bị cáo được kháng nghị lên Hội đồng Cơ mật.
Ngày 12/9/1946, Bác tiếp tục những nỗ lực cuối cùng để cứu vãn sự đổ vỡ của đàm phán Việt - Pháp. Trong ngày, Bác viết thư gửi cho kiều bào ở Pháp, bày tỏ: “... Lòng thân ái đã rất là quý, chúng tôi rất cảm động và cám ơn. Nay tôi và Phái bộ sắp trở về nước, chúng tôi gửi lời chào và khuyên tất cả anh chị em kiều bào: 1. Phải triệt để đoàn kết, 2. Ra sức tuyên truyền và ủng hộ bằng mọi phương diện cho Tổ quốc, 3. Thực hành khẩu hiệu Đời sống mới: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, 4. Mỗi người cần biết thạo một nghề để mai sau về nước giúp ích cho cuộc xây dựng nước Việt Nam mới”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã nông nghiệp Tân Lập, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (8/7/1958) |
Cùng ngày 12/9/1946, tại Hội nghị tổng kết phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, Bác nhấn mạnh: “Chúng ta tổ chức hợp tác xã trước hết là nhằm mục đích nâng cao đời sống nông dân... Phải phát triển hợp tác xã một cách thật chắc chắn, không nên chạy theo số lượng... Phải cần kiệm xây dựng hợp tác xã”.
Ngày 12/9/1947, Bác viết “Thư gửi đồng bào Khu III”. Trong thư Bác căn dặn: “Cũng như đường xa, đi đến nơi thì thường nhọc mệt, sự nghiệp kháng chiến gần đến lúc thành công thì càng nhiều nỗi gian nan. Vậy chúng ta đã đoàn kết, càng phải đoàn kết chặt chẽ thêm, đã tiến bộ càng phải cố gắng mãi... Phải luôn luôn cẩn thận, luôn luôn cố gắng…”. Những lời căn dặn của Bác không chỉ có ý nghĩa với đồng bào Khu III trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp mà trong tất cả các giai đoạn cách mạng.
Ngày 12/9/1951, nhân Tết Trung thu, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các cháu nhi đồng, mở đầu là lời thơ: “Trung thu trăng sáng như gương/Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng/Sau đây Bác viết mấy dòng/Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung”. Thư có đoạn: “… Ngày nay các cháu là nhi đồng. Ngày sau, các cháu là người chủ của nước nhà, của thế giới. Các cháu đoàn kết thì thế giới hòa bình và dân chủ, sẽ không có chiến tranh... Các cháu biết ghét, biết yêu, biết gắng, các cháu đoàn kết và thi đua như thế thì kháng chiến sẽ chóng thắng lợi, thì Trung thu sẽ vui vẻ hơn...”.
Ngày 12/9/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Trong cuộc họp Người nhấn mạnh vấn đề tổ chức thực hiện trong xây dựng phải có quy hoạch, đồng bộ, làm từng bước và chú ý cả nội và ngoại thành Hà Nội.