Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 10/1 trong nước và quốc tế; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 10/1.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 10/1/1226: Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế, trở thành vị hoàng đế khai sinh ra triều đại nhà Trần. Lúc này, Trần Cảnh mới 8 tuổi nên mọi quyền hành trong triều những năm đầu tiên được giao cho Trần Thủ Độ. Trần Thủ Độ cũng là người sắp đặt việc Lý Chiêu Hoàng kết hôn và nhường ngôi cho Trần Cảnh. Trần Cảnh giữ ngôi từ ngày 10/1/1226 tới ngày 30/3/1258, sau đó làm Thái thượng hoàng cho đến khi qua đời năm 1277.
Ngày 10/1/1937: Đại biểu các xí nghiệp in ở Hà Nội đã tổ chức cuộc họp tại nhà số 181 phố Lò Đúc, Hà Nội để thành lập Bắc Kỳ ấn công ái hữu hội và nêu thỉnh nguyện 15 điểm với chính phủ Pháp. Phong trào đấu tranh đòi tự do, bình đẳng của công nhân ngành in nhanh chóng lan rộng ra Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn… Từ đó, ngày 10 tháng 1 hàng năm là ngày truyền thống của công nhân ngành in Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1954. Ảnh: Triệu Đại |
Ngày 10/1 đến 31/3/1950: Kỷ niệm ngày mở Chiến dịch Võ Nguyên Giáp
Đây là chiến dịch tiến công quân Pháp tại khu vực bắc Quảng Nam, Đà Nẵng do Bộ Tư lệnh Liên khu 5 tổ chức, chỉ huy nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, triệt đường giao thông tiếp tế từ Đà Nẵng ra Huế, uy hiếp Đà Nẵng, phá âm mưu của địch đánh chiếm miền Tây Quảng Ngãi; bồi dưỡng lực lượng ta, đẩy mạnh chiến tranh du kích; làm tan rã khối ngụy quân, ngụy quyền, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch.
Chiến dịch Võ Nguyên Giáp là một trong những chiến dịch thành công của lực lượng vũ trang Liên khu 5 trong kháng chiến chống Pháp, với nét nổi bật là chọn hướng tiến công chính xác, vận dụng đúng đắn phương châm đánh điểm diệt viện. Trong quá trình chiến dịch, sự phối hợp, giúp đỡ tích cực có hiệu quả của các đoàn thể cách mạng và nhân dân địa phương trong chuẩn bị chiến trường cũng như trong thực hành chiến dịch là một trong những yếu tố quyết định thành công. Thắng lợi của chiến dịch đã củng cố, nâng cao lòng tin của nhân dân, tạo đà đẩy mạnh phong trào kháng chiến ở địa phương.
Ngày 10/1/1966: Thành lập Hiệp hội Vật lý Việt Nam.
Ngày 10/1/1982: Công bố Luật Nghĩa vụ Quân sự và Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam thay cho Luật Nghĩa vụ Quân sự 1960, các luật sửa đổi, bổ sung 1962, 1965 và Luật về Chế độ phục vụ của sĩ quan Quân đội nhân dân 1958.
Ngày 10/1/1985: Hoàn thành công trình thủy lợi Hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh). Đây là công trình thủy lợi lớn được xây dựng từ tháng 4/1981 và hoàn thành vào ngày 10/1/1985. Một con đập chính cao 28m, dài 1.200m, chân rộng 200m và một đập phụ dài 27km đã làm dòng nước sông Sài Gòn phải dừng lại, tạo nên hồ có sức chứa 1 tỷ rưỡi mét khối nước. Hồ Dầu Tiếng cung cấp nước cho các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 10/1/2003: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 09/2003/QĐ-TTg về việc mở rộng phạm vi Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai.
Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã được Chính phủ đưa vào nhóm 8 Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm trong giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư, phát triển hạ tầng, qua đó góp phần hình thành một cực phát triển của vùng trung du, miền núi phía Bắc. |
Ngày 10/1/2005: Bộ Công nghiệp ký Quyết định số 02/2005/QĐ-BCN phê duyệt Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của Trường Trung học Kỹ thuật Công nghiệp.
Ngày 10/1/2005: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 08/2005/QĐ-TTg về việc phê duyệt Phương án sắp xếp doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam giai đoạn 2005 – 2006.
Ngày 10/1/2005: Hội nghị thường niên lần thứ 13 Diễn đàn nghị viện Châu Á Thái Bình Dương (APPF-13) do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức khai mạc tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Chủ tịch APPF-13, chủ trì hội nghị đã thảo luận và thông qua 26 nghị quyết và tuyên bố chung.
Ngày 10/1/2007: Thông tư liên tịch của Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp số 01/2007/TTLT-BTM-BCN về hướng dẫn việc nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán ...
Sự kiện quốc tế
Ngày 10/1/1762: Ông Claude Bougelat, bác sĩ thú y Pháp, được Vua Louis XV chấp thuận cho lập Trường Thú Y đầu tiên trên thế giới tại Lyon, Pháp.
Ngày 10/1/1863: Thủ Tướng William Gladstone khai mạc khu vực hệ thống đường ray xe điện ngầm đầu tiên của London từ Paddington tới khu phố Farringdon.
Ngày 10/1/1883: Ngày sinh Alếchxây Tônxtôi
Alếchxây Tônxtôi sinh ngày 10/1/1883 tại thành phố Nicôlaiexcơ (nước Nga). Năm 1928 ông được tặng Huân chương Lênin, năm 1942 được tặng thưởng Huân chương Lao động Cờ đỏ. Ông còn là nhà hoạt động xã hội tích cực, là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Liên Xô (trước đây), Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, đại biểu Xô Viết tối cao Liên Xô.
Ngày 10/1/1920: Hội Quốc Liên phê chuẩn Hiệp ước Versailles, chính thức kết thúc Thế chiến thứ I với Đức Quốc xã.
Ngày 10/1/1946: Tại London, thủ đô nước Anh, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tổ chức phiên họp đầu tiên trong lịch sử, với sự tham gia của đại diện 51 quốc gia.
Ngày 10/1/2003: Bắc Hàn tuyên bố sẽ rút lui khỏi Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân toàn cầu và không có kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 10/1/1925: Từ Quảng Châu, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản hỏi về việc có thể nhận bao nhiêu sinh viên Việt Nam vào học Trường Đại học Cộng sản chủ nghĩa ở Moscow.
Ngày 10/1/1946: Trong buổi thăm tỉnh Hưng Yên, Bác đã có cuộc nói chuyện với nông dân, điền chủ. Tiếp các vị thân hào tới chào mừng, Bác nói rằng: “... Bây giờ ta được độc lập, công việc đắp đê không phải là việc riêng của Chính phủ mà là của tất cả mọi quốc dân”. Bác động viên các thân hào có của, người lao động có công cùng nhau tham gia củng cố đê điều. “Nước sông cao bao nhiêu đi nữa, mà lòng nhiệt tâm của các bạn cao hơn thì không bao giờ có lụt nữa”.
Ngày 10/1/1947: Thời điểm này chiến tranh đã lan rộng cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên trì đấu tranh ngoại giao, tranh thủ mọi cơ hội để đàm phán mong lập lại hòa bình. Nhưng Bác Hồ cũng cảnh cáo giới thực dân hiếu chiến trong lá thư đề ngày 10/1/1947 rằng: “Nếu không, chúng tôi bắt buộc phải chiến đấu đến cùng để giải phóng hoàn toàn đất nước. Nước Việt Nam có thể bị tàn phá, nhưng nước Việt Nam sẽ lại hùng mạnh hơn sau cuộc tàn phá đó. Còn nước Pháp chắc chắn sẽ mất hết và sẽ biến hẳn khỏi cõi Á châu”. Lời tiên đoán ấy về sau đã thành sự thật.
Bác Hồ về thăm nhân dân TP. Hải Phòng. Ảnh: Tư liệu |
Ngày 10/1/1960: Bác Hồ xuống bến Sửu Kho, Hải Phòng để đón chuyến tàu biển đầu tiên đưa bà con Việt kiều từ Thái Lan trở về nước.
“Dân chỉ biết giá của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, ngày 10/1/1946; đăng trên Báo Cứu quốc, số 139, ngày 11/1/1946. Trong bài phát biểu Bác chỉ ra: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Từ đó Bác yêu cầu cần thực hiện ngay 4 việc: Làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở và làm cho dân có học hành.
Lời phát biểu nêu lên thực trạng về những khó khăn chồng chất mà nhân dân đang phải đối mặt, gánh chịu; là thông điệp khẩn cấp kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nêu cao truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực tự cường, gắng tìm mọi cách khắc phục khó khăn, giải cứu đất nước, nhân dân thoát khỏi cơn hoạn nạn; là tiền đề đến ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi Thi đua ái quốc; phát động, nuôi dưỡng, phát triển các phong trào thi đua, như: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Hũ gạo chiến thắng”, “Bình dân học vụ”… kịp thời động viên, cổ vũ đồng bào, chiến sĩ cả nước hăng say lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm chống giặc đói; thi đua học tập xóa nạn mù chữ chống giặc dốt; dũng cảm, ngoan cường trong chiến đấu diệt giặc ngoại xâm, làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.