Khởi động “Ngày không tiền mặt” Nhiều hoạt động thúc đẩy thanh toán số qua Ngày không tiền mặt 16/6 Chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt |
Chuỗi sự kiện của “Ngày không tiền mặt năm 2023” tiếp tục góp phần tích cực hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại các Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; và Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025.
Người tiêu dùng Việt Nam thanh toán bằng thẻ và ví điện tử ngày càng phổ biến hơn |
Đồng thời, hưởng ứng thông điệp của Thủ tướng Chính phủ “Năm 2023 - năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, sự kiện Ngày không tiền mặt năm nay sẽ hướng đến các nội dung, nhiệm vụ tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) cũng như Kế hoạch phối hợp 01/KHPH-BCA-NHNN giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước.
Được biết, Ngày không tiền mặt năm nay sẽ bao gồm các sự kiện: Hội thảo quốc gia "Ngày không tiền mặt", tổ chức vào ngày 16/6, tại khách sạn Rex, TP. Hồ Chí Minh với quy mô khoảng 400 khách mời từ trung ương đến địa phương.
Cuộc thi Chiến thần không tiền mặt: Bắt đầu vào ngày 16/6 và kết thúc ngày 15-7-2023, công bố giải thưởng trong ngày 21/7/2023. Cuộc thi hướng đến sự quan tâm của những người trẻ, tận dụng những tiện ích của thanh toán không tiền mặt để hướng tới cuộc sống thông minh.
Lễ hội "Cashless Town": Điểm nhấn của năm 2023, kéo dài ba ngày 16, 17, 18/6/2023 tại trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động do chương trình Ngày không tiền mặt phối hợp Sở Công Thương tổ chức với sự đồng hành của các nhà cung ứng, các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Lễ hội được tổ chức theo mô hình xã hội không tiền mặt thu nhỏ, trong đó người tham dự tham quan mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí mà không dùng tiền mặt.
Big Boom khuyến mãi tập trung: Người dùng được mua hàng với ưu đãi từ các bên như bên bán hàng, bên trung gian thanh toán… Cùng rất nhiều hoạt động dành cho người tiêu dùng và doanh nghiệp từ các ngân hàng, tổ chức thẻ, ví điện tử, nhà bán lẻ đồng hành hưởng ứng chương trình.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Thông tin tại họp báo công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng “Ngày không tiền mặt năm 2023” được Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức ngày 26/5, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cho biết: Nhìn lại 4 năm qua, chương trình Ngày không tiền mặt đã truyền tải thông điệp tích cực để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong đó về mặt hành lang pháp lý, thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước, bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực thanh toán. Thời gian tới sẽ có thêm nhiều bước đột quá khi khung pháp lý tiếp tục hoàn thiện. Tới đây mạng lưới đại lý chấp nhận thanh toán không tiền mặt sẽ vươn tới vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Đáng chú ý, sau hơn một năm triển khai dịch vụ Mobile-Money, đến nay đã có đến 3,71 triệu tài khoản mobile money được mở, trong đó 30% tài khoản được mở ở vùng xa, hải đảo.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử trong năm qua tiếp tục được chú trọng đầu tư, mở rộng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của toàn xã hội.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,55% về giá trị. Số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 70,77% về số lượng và tăng 18,55% về giá trị.
Đặc biệt, số lượng giao dịch qua POS tăng 37,57% về số lượng và tăng 32,09% về giá trị, giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 2,37% về số lượng và giảm 4,02% về giá trị. Đến cuối tháng 3, toàn thị trường có 21.347 máy ATM và có 430.625 máy POS; tăng tương ứng 3,88% và 26,34% so với cùng kỳ năm 2022.
Một điểm đáng chú ý là những giải pháp thanh toán mới, hiện đại, tiết kiệm chi phí như thanh toán qua mã phản hồi nhanh (QR code), thanh toán phi tiếp xúc (contactless)… đã được các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán áp dụng, tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật. Qua đó góp phần phổ biến thanh toán không tiền mặt đến với người dân và doanh nghiệp.