Kích cầu tiêu thụ nội địa là giải pháp trọng tâm mà các DN xi măng đang hướng tới |
Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý I, XK xi măng và clinker của Việt Nam đạt 4,82 triệu tấn, tương đương với giá trị XK đạt 168,65 triệu USD, tăng 11% về lượng và 6,4% trị giá so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, các DN sản xuất, XK xi măng và clinker lại đang ở trong tình trạng vô cùng khó khăn khi chi phí XK tăng vọt từ 3 - 5USD/tấn clinker và tăng từ 6 - 7,5USD/tấn xi măng.
Ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam - nhận định: Sau thời gian phát triển nóng, thị trường xi măng Trung Quốc đã dư thừa khoảng 670 triệu tấn, càng làm cho sự cạnh tranh về giá bán trên thị trường XK xi măng Việt Nam thêm nhiều áp lực. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch sản xuất của các DN xi măng. Ngay tại các thị trường XK truyền thống như Philippines và Bangladesh, việc tiêu thụ sản phẩm xi măng của các DN Việt Nam cũng đang gặp khó do sự cạnh tranh khốc liệt về giá.
Cùng với đó, một số nước trong ASEAN đang tiếp tục đầu tư phát triển xi măng. Đơn cử như trước đây, Indonesia là nước nhập khẩu xi măng, clinker của Việt Nam, nhưng nay đã vươn lên XK mặt hàng này và từ năm 2017 sẽ XK trên 3 triệu tấn mỗi năm.
Theo Bộ Xây dựng, lượng tiêu thụ xi măng nội địa của toàn ngành trong quý I đã khởi sắc, đạt 12,91 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, lượng tiêu thụ nội địa của Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam đạt 4,59 triệu tấn, khối liên doanh đạt 3,80 triệu tấn và của khối các DN địa phương tập đoàn đạt 4,52 triệu tấn.
Đại diện Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng nhận định, sang tháng 5, sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa dự báo sẽ tăng do trong mùa xây dựng. Đây là tín hiệu khởi sắc, kỳ vọng tạo sức bật trong sản xuất, tiêu thụ xi măng. Ngoài ra, các DN xi măng cần có những giải pháp sản xuất và tiêu thụ hợp lý, tránh gây thêm áp lực cho tiêu thụ trong nước. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan thúc đẩy sử dụng các sản phẩm xi măng cho các chương trình công ích như làm đường bê tông, vật liệu xây không nung… nhằm gia tăng sức tiêu thụ trong nước. Để giảm bớt áp lực cạnh tranh, cân đối cung - cầu, nhiều dự án xi măng đã được giãn, điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch. Dự kiến từ năm 2018, không đưa thêm dây chuyền xi măng vào hoạt động.
Ông Nguyễn Quang Cung hiến kế, trong điều kiện XK khó khăn thì phải tính đến thúc đẩy tiêu thụ nội địa, sau đó mới tính đến nâng cao năng lực cạnh tranh hướng tới XK lâu dài. Ông Cung đề xuất: “Với các nhà máy xi măng ở gần cảng biển, có nguồn nguyên liệu tốt, đã được đầu tư công suất lớn, công nghệ cao thì nên ưu tiên XK. Còn nếu xuất hàng qua đường vận tải biển mà lại chọn những nhà máy cách xa cảng thì lộ trình không hợp lý. Bởi vậy, cần có định hướng xem DN nào phù hợp thì tập trung XK, còn lại phục vụ nhu cầu trong nước”.
Nhằm ổn định thị trường xi măng, Bộ Xây dựng đã phối hợp cùng Hiệp hội Xi măng Việt Nam chỉ đạo các đơn vị sản xuất xi măng trong toàn quốc hoàn thiện mạng lưới kinh doanh, giảm chi phí lưu thông, chi phí bán hàng. |