Ảnh minh họa |
Ông đánh giá ra sao về sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng nhanh?
Thời gian qua, ngành hàng tiêu dùng nhanh đã có sự phát triển ấn tượng ở cả thành thị lẫn nông thôn. Không khó để nhận ra rằng, những mặt hàng tiêu dùng nhanh thuần Việt như sữa, bia - rượu - nước giải khát, giấy vở học sinh… đã và đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường với thị phần cao.
Đặc điểm thứ 2, ngày càng nhiều các doanh nghiệp (DN) tham gia và muốn chiếm lĩnh thị phần của ngành hàng này. Đây là thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt và nếu không khéo léo, DN rất dễ mất thị phần. Đơn cử, thời gian qua, một sản phẩm nước uống được quảng cáo rầm rộ và chiếm lĩnh rất tốt thị trường nhưng chỉ qua vụ việc con ruồi trong chai được xử lý không tốt đã đánh mất niềm tin của người tiêu dùng và tổn thất đến hàng nghìn tỷ đồng.
Sắp tới, đặc biệt từ ngày 1/1/2016, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức có hiệu lực, hàng hóa của các nước ASEAN sẽ tràn vào Việt Nam với thuế suất ưu đãi. Mặt hàng của các nước này sẽ thu hút một tỷ lệ nhất định những người tiêu dùng trẻ, thích những thứ mới lạ như đồ uống, đồ ăn nhanh… và nếu không có chiến lược chiếm lĩnh thị trường, DN Việt sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thêm nữa, tại thị trường nông thôn, hàng Trung Quốc chiếm một tỷ lệ đáng kể. Không được quảng cáo rầm rộ trên truyền thông nhưng hàng Trung Quốc lại tiến vào nước ta bằng đường biên mậu, phi hải quan… với giá thành cực rẻ. Nếu không có giải pháp để giành lại thị phần, đây là điều rất khó khăn với DN.
Trước những khó khăn như vậy, theo ông, DN cần làm gì để nâng cao sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường nội địa?
Theo tôi, yếu tố quan trọng thứ nhất là phải coi trọng chất lượng, giữ chữ tín, tránh việc quảng cáo quá sự thật, hoặc những mặt hàng đầu thì tốt, sau đó kém dần đi. Người tiêu dùng sẽ dễ dàng phát hiện ra những hiện tượng này và sẽ không còn tin dùng vào sản phẩm. Từ đó, đánh mất đi giá trị thương hiệu của sản phẩm.
Thứ hai, các DN trong ngành tiêu dùng nhanh phải chú trọng tới thương mại điện tử, kinh doanh trên internet, lập các website bán hàng sử dụng ứng dụng thông minh trên điện thoại… Bởi người tiêu dùng trẻ - đối tượng tiêu thụ mạnh mặt hàng tiêu dùng nhanh hiện chủ yếu tương tác trên smartphone, đòi hỏi sự nhanh gọn.
Thứ ba, cần chăm sóc tốt khách hàng. Khi gặp sự cố, phải xử lý công bằng, hợp lý, đặt lợi ích người tiêu dùng lên trên. Đơn cử, khi bị tố thức ăn bẩn, nhãn hàng MacDonald Nhật Bản đã ngay lập tức cúi đầu xin lỗi khách hàng, từ giám đốc tới nhân viên. Điều này thể hiện sự cầu thị và dễ được người tiêu dùng cảm thông khi có sự cố.
Thời gian qua, Nhà nước đã dành rất nhiều ưu đãi cho DN thông qua hàng loạt đề án như: Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020… Theo ông, đâu là những giải pháp trọng tâm cần thiết nhất cho DN?
Tôi cho rằng, quan trọng nhất là cải cách hành chính, giảm cơ chế xin cho, có những điều kiện hỗ trợ kinh doanh cho DN; tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật, bảo đảm chất lượng sản phẩm, tránh những trường hợp quảng cáo quá sự thật. Đặc biệt, cần giải pháp mạnh tay hơn với hàng nhái, hàng giả, bảo vệ tối đa lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng.
Theo Bộ Công Thương, hiện có đến 80% người tiêu dùng trong nước đã tin tưởng chất lượng và ưu tiên chọn mua hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam. Nhiều ngành hàng đã chiếm thị phần lớn như sữa chua chiếm 95%; cà phê chiếm trên 90%; nước mắm chiếm trên 95%; mỳ ăn liền chiếm 90%; bia chiếm 90%...
Xin cảm ơn ông!