Ngành đồ uống Việt Nam: Những con số đóng góp ấn tượng Doanh nghiệp ngành đồ uống: Đối diện nhiều khó khăn |
70% rượu do dân tự nấu không thu được thuế
Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA cho biết: Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 cùng với sự ảnh hưởng của Nghị định 100 đã gây ra tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành đồ uống. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề, thị trường tiêu thụ giảm 20-30%, doanh thu toàn ngành đồ uống giảm tới 16% so với năm 2019.
Hiện nay, trên thị trường có khoảng trên 70% rượu do dân tự nấu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước. Việc này gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, những doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, và đặc biệt là gây thất thu ngân sách Nhà nước.
Thống kê cho thấy, nguyên nhân của các vụ ngộ độc dẫn đến tử vong hoặc ảnh hưởng đến khả năng lao động là do sử dụng các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa cồn công nghiệp methanol…
Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố năm 2020, tổn thất về thuế đối với riêng rượu thủ công gây ra vào khoảng 751,582 triệu USD, chiếm 29% tổng tổn thất về thuế từ khu vực phi chính thức (rượu thủ công, rượu nhập lậu, rượu giả...)
"Một thực tế là nhiều năm nay, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với đồ uống có cồn chỉ thu được ở khu vực chính thức, thất thu ở khu vực phi chính thức" - chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long nhận định. Như vậy, rõ ràng có một sự cạnh tranh không công bằng.
Phương pháp tính thuế TTĐB hiện nay chưa đảm bảo sự công bằng giữa đồ uống có cồn chất lượng cao và đồ uống có cồn chất lượng thấp, do không quan tâm đến chất lượng của sản phẩm và độ cồn đối với sản phẩm. Chưa đảm bảo sự công bằng rượu bia có chất lượng cao và chất lượng thấp.
Từ thực tế trên, TS Ngô Trí Long cho rằng, việc tăng thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn chính thức vô hình chung khuyến khích sản xuất - tiêu thụ rượu phi chính tăng mạnh, buôn lậu gia tăng.
"Do vậy, cần tìm giải pháp kiểm soát thị trường phi chính thức, thay vì tập trung vào việc tăng thuế TTĐB, gây khó khăn cho các hoạt động kinh doanh hợp pháp" - TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Tính thuế gắn liền với nồng độ cồn
Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện tính thuế TTĐB trên giá xuất xưởng. Tuy nhiên, cách tính thuế này lại khiến chi phí gánh nặng xã hội tăng cao khi chỉ khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm giá rẻ mà quên đi yếu tố về nồng độ cồn - yếu tố gây hại thật sự.
Bà Holly Bostock - Giám đốc ngoại vụ Heineken Việt Nam cho biết, hiện nay, các nước trên thế giới áp dụng cơ chế tính thuế gắn liền với nồng độ cồn. Đây là cơ chế công bằng hơn, minh bạch hơn, dễ dàng dự đoán và giúp ngân sách Nhà nước tăng trưởng bền vững và hiệu quả hơn so với cơ chế tính thuế theo giá trị, vừa tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, vừa điều chỉnh hành vi lạm dụng rượu, bia. Cơ chế này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận là một chính sách thuế bền vững và hiệu quả từ góc nhìn bảo vệ sức khỏe cộng đồng khi gắn liền thuế suất với nồng độ cồn, nồng độ càng cao thì nguồn thuế thu được càng lớn.
Cơ chế thuế theo nồng độ cồn đã được nhiều nền kinh tế phát triển áp dụng như Liên minh châu Âu (EU) và Singapore, chứng minh được sự ổn định và hiệu quả qua thời gian.
Các quốc gia thực hiện việc chuyển đổi từ cơ chế tính thuế theo giá trị sang nồng độ cồn đều đã giảm được tình trạng tiêu dùng rượu, bia bất hợp pháp và tạo tăng trưởng bền vững cho ngân sách Nhà nước.
Điển hình là Sri Lanka. Ban đầu, Chính phủ Sri Lanka tăng thuế TTĐB theo giá trị đối với bia (tăng 70%) nhiều hơn đối với rượu mạnh (tăng 25%). Theo đó, bia trở thành loại đồ uống có cồn đắt tiền nhất, đã đẩy người tiêu dùng sử dụng đồ uống có cồn mạnh hơn và có nguồn gốc bất hợp pháp. Do đó, năm 2017, Chính phủ Sri Lanka đã chuyển sang cơ chế tính thuế TTĐB tuyệt đối trên nồng độ cồn. Từ đó, nhanh chóng hồi phục môi trường kinh doanh cho ngành bia và tăng trưởng ngân sách của Nhà nước, đồng thời người dân giảm đáng kể tiêu dùng bia rượu bất hợp pháp.
Từ kinh nghiệm quốc tế, bà Holly Bostock kiến nghị Chính phủ và Quốc hội tạm hoãn việc sửa đổi Luật Thuế TTĐB theo hướng tăng thuế suất đối với rượu, bia ít nhất trong 2 năm tới mà thay vào đó là cần có đánh giá tác động sự ảnh hưởng từ yếu tố chính sách tăng thuế TTĐB, các biện pháp hạn chế tiêu thụ rượu, bia và các tác động từ dịch bệnh Covid-19 tới tình hình sản xuất kinh doanh của ngành đồ uống có cồn trong ngắn hạn và dài hạn.
Cân nhắc kỹ lưỡng thời điểm đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
Bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch kiểm Tổng Thư ký VBA bày tỏ quan ngại khi hiện nay có kiến nghị đề xuất tăng thuế TTĐB với một số sản phẩm như đồ uống có cồn, thuốc lá… để tăng thu ngân sách và giảm các hệ lụy về mặt xã hội.
Theo bà Chu Thị Vân Anh, những đề xuất làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp trong vài ba năm tới như đề xuất tăng thuế TTĐB đối với một số mặt hàng trong đó có đồ uống có cồn cần cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện tác động kinh tế - xã hội, xem xét tính phù hợp, công bằng và hiệu quả cũng như lưu tâm tất cả các hệ lụy ngoài mong muốn, các đối tượng dễ bị tổn thương như (công ăn việc làm, công nhân, nông dân) trước khi đưa ra quyết định. Ngoài ra, thời điểm thực hiện cũng vô cùng quan trọng để doanh nghiệp có thời gian phục hồi sau đại dịch.
Do vậy, để nuôi dưỡng nguồn thu, bà Chu Thị Vân Anh đề nghị cần giữ ổn định mức thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Việc tăng thuế TTĐB đối với rượu bia chỉ nên xem xét từ năm 2025, phù hợp với Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 về Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.