![]() |
Từ đống tro tàn sau chiến tranh, sau 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã xây dựng lưới điện vững chắc, đồng hành cùng miền Nam vươn mình phát triển bền vững và hội nhập. |
Nửa thế kỷ qua, cùng với dòng điện nối dài, lan tỏa khắp miền Nam, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã không ngừng mở rộng quy mô lưới điện, phát triển nguồn điện và đóng góp mạnh mẽ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hành trình từ những đường dây chắp vá sau chiến tranh đến một hệ thống điện hiện đại, kết nối liên tục từ đất liền ra đảo xa đã trở thành biểu tượng cho sức sống bền bỉ của ngành điện miền Nam. |
Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngành điện miền Nam đối mặt với một thực trạng khó khăn: Lưới điện nhỏ lẻ, phân tán, thiếu kết nối. Khi tiếp quản, hệ thống chỉ có 275km đường dây 230kV, 543km đường dây 66kV, lưới điện chia làm ba cụm độc lập ở miền Đông, miền Tây và Cao nguyên. Nhiều khu vực rộng lớn, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, chưa hề có điện. |

Trong giai đoạn từ 1975–1981, bằng những nỗ lực phi thường, EVNSPC (khi đó là Công ty Điện lực miền Nam) đã nhanh chóng khôi phục các tuyến truyền tải huyết mạch, nối thông miền Đông và Cao nguyên qua đường dây 230kV Đa Nhim – Sài Gòn. Kịp thời bổ sung nguồn điện cho miền Nam, phục vụ công cuộc cải tạo, xây dựng xã hội chủ nghĩa. Sản lượng điện thương phẩm lúc bấy giờ đạt khoảng 930 triệu kWh/năm, cung cấp điện cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Nhờ khôi phục kịp thời đường ống thủy áp Nhà máy thủy điện Đa Nhim, tình trạng thiếu điện gay gắt, phải cắt, tiết giảm điện luân phiên đã được giảm bớt. Từ đây, công cuộc "điện khí hóa" nông thôn cũng bắt đầu hình thành, mở ra bước đi đầu tiên cho chiến lược phủ điện toàn miền Nam. Bước sang giai đoạn 1982-1995, lưới điện tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhờ những công trình nguồn lớn như Thủy điện Trị An, Thác Mơ và nhất là công trình đường dây 500kV Bắc-Nam mạch 1. Nhờ đó, lưới điện miền Nam được kết nối liên hoàn với hệ thống điện quốc gia, chấm dứt tình trạng vận hành cục bộ, thiếu điện cục bộ kéo dài suốt hai thập kỷ. Từ giữa thập niên 1990, Công ty Điện lực 2 (tiền thân EVNSPC) đã đẩy mạnh mở rộng mạng lưới trung, hạ áp xuống tận vùng sâu, vùng xa: từ Tây Nguyên đến Đồng bằng sông Cửu Long, từ vùng ven biển Nam Trung Bộ đến các xã đảo xa xôi. |
![]() |
Đến cuối năm 2009, lưới điện EVNSPC đã phủ kín 100% huyện, 99,92% xã/phường/thị trấn và 95,3% hộ dân, với gần 94,5% hộ nông thôn có điện - một con số ấn tượng khi xuất phát điểm là gần như "trắng điện" ở nhiều vùng. Sang giai đoạn 2010–2024, EVNSPC đã triển khai nhiều dự án vượt biển quy mô lớn như: cáp ngầm 110kV Hà Tiên - Phú Quốc, đường dây 220kV Kiên Bình–Phú Quốc (vượt biển dài nhất Đông Nam Á), các tuyến cấp điện ra các đảo lớn nhỏ: Lại Sơn, Hòn Nghệ, Sơn Hải, Tiên Hải… Hệ thống lưới điện 110kV, 220kV, trung và hạ thế tại miền Nam ngày càng hoàn chỉnh, hiện đại hóa theo tiêu chuẩn ASEAN. Tính đến cuối năm 2024, EVNSPC quản lý hơn 68.000 km đường dây trung áp, gần 110.000 km đường dây hạ áp, hơn 22.000 trạm biến áp phân phối, phủ điện cho hơn 8 triệu khách hàng trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam, từ Ninh Thuận đến Cà Mau. |
Những năm sau 1975, hệ thống điện miền Nam phụ thuộc chủ yếu vào Nhà máy thủy điện Đa Nhim và một số nhà máy diesel nhỏ lẻ. Các nhà máy điện Chợ Quán, Thủ Đức liên tục thiếu nhiên liệu, hư hỏng thiết bị nặng nề do chiến tranh. Để giải quyết tình trạng thiếu điện cho miền Nam, Chính phủ đã quyết định dồn sức đầu tư xây dựng các nguồn điện mới và phát triển hệ thống lưới điện hoàn chỉnh. |
Khởi đầu là việc vận hành Nhà máy thủy điện Trị An năm 1987, sau đó là Thác Mơ (1995), Phú Mỹ, Bà Rịa…. rồi đến đường dây 500kV Bắc – Nam (hoàn thành 1994) lần lượt được xây dựng, tạo nền tảng cho hệ thống nguồn và lưới điện quốc gia hoàn chỉnh. Đến năm 1995, tất cả các tỉnh phía Nam đã được kết nối lưới điện quốc gia. Giai đoạn này cũng ghi dấu điện khí hóa nông thôn mạnh mẽ, với điện lưới về xã Trung Lập Thượng (1986) và tỉnh Đồng Nai (1994). Đặc biệt, từ sau năm 1995, nhiều cụm diesel mới được xây dựng tại các huyện đảo Phú Quý, Phú Quốc, Côn Đảo, đảm bảo điện ổn định cho các vùng biển đảo tiền tiêu. |
Từ năm 2010, EVNSPC còn tham gia tích cực trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Các dự án điện mặt trời, điện gió tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Sóc Trăng đã bổ sung thêm nguồn xanh cho hệ thống, giảm áp lực vận hành. Đến nay, cùng với lưới điện hoàn chỉnh, các nguồn điện phục vụ khu vực do EVNSPC quản lý không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt mà còn phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển và du lịch biển đảo. |
Không chỉ xây lưới điện và phát triển nguồn, EVNSPC còn là động lực quan trọng cho sự cất cánh của nền kinh tế miền Nam. Giai đoạn 2000-2009, điện thương phẩm của EVNSPC tăng bình quân 12–14%/năm, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Giai đoạn 2010-2024, sản lượng điện thương phẩm tiếp tục tăng trưởng bình quân 8-9%/năm, phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Đây là giai đoạn phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực, khi mà ngày 5/2/2010, Tổng công ty Điện lực miền Nam chính thức được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Công ty Điện lực 2 và tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai. |
Nhiều dự án tầm cỡ quốc gia và có ý nghĩa chính trị vô cùng to lớn đã được EVNSPC triển khai thành công. Điển hình như: Dự án cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc. Đây là tuyến cáp điện ngầm 110 kV xuyên biển lớn nhất Đông Nam Á, cấp điện cho Phú Quốc. Cùng với đó là các dự án đưa lưới điện vượt biển trên không ra các đảo, gồm: Dự án đường dây 22kV cấp điện cho Trung tâm hành chính huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang; Dự án cấp điện lưới quốc gia cho các xã đảo Lại Sơn, Hòn Nghệ, Sơn Hải, Hòn Thơm, Tiên Hải,… Đặc biệt, tháng 8/2017, EVNSPC chính thức tiếp nhận hệ thống năng lượng sạch trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1; ngày 12/5/2019, khánh thành trụ sở làm việc của Điện lực Trường Sa, đánh dấu sự hiện diện chính thức của ngành điện lực Việt Nam trên hệ thống các đảo trong quần đảo Trường Sa, đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy và liên tục cho quân, dân trên các đảo, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và phát triển kinh tế biển đảo. |
Chương trình điện khí hóa nông thôn cũng đóng góp lớn vào mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân. Tính đến năm 2024, tất cả các xã thuộc vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số khu vực miền Nam đã có điện quốc gia, mở ra cơ hội tiếp cận giáo dục, y tế, thông tin cho hàng triệu người dân. Không chỉ cung cấp điện, EVNSPC còn tiên phong trong cải thiện môi trường kinh doanh: Cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, thúc đẩy thanh toán điện tử, dịch vụ điện trực tuyến, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tại nhiều địa phương. Từ mạng lưới chắp vá năm 1975 đến hệ thống điện hiện đại, vươn mình ra biển đảo năm 2025, hành trình 50 năm của EVNSPC là bản anh hùng ca về sức sáng tạo, nghị lực vượt khó và khát vọng không ngừng đổi mới. |
Thu Hường Đồ họa: Hồng Thịnh |