Xuất hiện 2 xu hướng tiêu dùng
Kết quả khảo sát mới đây của Chương trình xúc tiến nhập khẩu (NK) Thụy Sỹ (SIPPO) cho thấy: Hậu dịch Covid-19, người dân EU có 2 xu hướng tiêu dùng. Đầu tiên, một số khách hàng muốn bù đắp thời gian giãn cách do dịch bệnh sẽ mua sắm tưng bừng hơn, xu hướng này sẽ kéo thị trường nhanh trở về thời điểm trước dịch bệnh. Xu hướng thứ hai, người dân tiêu dùng một cách thận trọng và quan tâm nhiều hơn tới yếu tố môi trường, trách nhiệm xã hội.
Sản phẩm dệt may thân thiện với môi trường được đánh giá cao |
Tuy vậy, các chuyên gia SIPPO đều cho rằng: Xu hướng tiêu dùng thứ hai nhiều khả năng xảy ra hơn bởi công việc của người dân EU bị ảnh hưởng, thu nhập kém đi, tiêu dùng thận trọng là điều tất yếu. Hơn nữa, ngành dệt may vẫn được đánh giá ảnh hưởng không tích cực tới môi trường khiến NTD yêu cầu cao hơn về bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội. Theo đó, thời trang nhanh, thời trang giá rẻ không chú trọng môi trường đang bị người mua hàng đánh giá thấp hơn, thậm chí không mua những sản phẩm này nữa.
Những yếu tố trên khiến thị trường dệt may EU có xu hướng xấu đi. Tại thị trường Pháp, ông Denis Gouttenoire- Chuyên gia SIPPO - cho hay: Hàng loạt các nhãn hàng thời trang đã gặp khó khăn, thậm chí phải đăng ký phá sản, như: Debenhams, Laura Ashley, Primark… Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp cũng đưa ra kết quả tương tự khi cho rằng, chi tiêu cho trang phục tại thị trường này từ đầu năm tới nay đã giảm 20%.
Tương tự tại thị trường Đức, trong năm 2020 dự báo có khoảng 200.000 cửa hàng thời trang sẽ bị đóng cửa. Riêng hãng thời trang Karstadt đã đóng cửa 60/117 cửa hàng trên toàn nước Đức.
Thay đổi phương thức sản xuất
Trước sự thay đổi trên, bàBrigtte Hauser - Chuyên gia của SIPPO - khuyến cáo: Nhà sản xuất dệt may tại Việt Nam cần nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất để bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới. Thay vì chờ đợi những đơn hàng lớn, DN cần chú trọng sản xuất đơn hàng nhỏ có tính khác biệt, thời gian giao hàng nhanh. Đồng thời, linh hoạt trong sản xuất và quản lý để đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng.
“Khi chào hàng, DN cũng phải nhấn mạnh các yếu tố thể hiện tính bền vững, giá trị về mặt đạo đức của chuỗi cung ứng. Đây sẽ là những yếu tố giúp sản phẩm dệt may Việt Nam quan trọng hơn trong nhận thức của NTD” - bà Brigtte Hauser nhấn mạnh.
Hiện một số DN dệt may trong nước đã bắt nhịp được với sự thay đổi của thị trường. Ông Lê Tiến Trường- Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam - cho hay: Tập đoàn đang đàm phán với các nhà cung cấp để chuyển nguồn cung nguyên, phụ liệu về Việt Nam, nhằm đáp ứng được yêu cầu xuất xứ và hưởng lợi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA); bắt đầu làm các đơn hàng thử nghiệm với quy mô nhỏ nhưng đòi hỏi yêu cầu cao hơn về chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường.
“EVFTA cũng cho phép chia nhỏ lô hàng trong quá trình vận chuyển hàng hóa có quá cảnh qua nước thứ ba. Quy định này rất thuận lợi cho các DN XK của Việt Nam khi có thể đưa các trung tâm phân phối lớn chia nhỏ giao hàng theo các thời điểm mùa vụ phù hợp” - ông Lê Tiến Trường nói.
Mới chỉ chiếm 2,7% thị phần của EU, do đó hàng dệt may Việt Nam có cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường nhiều tiềm năng này khi EVFTA có hiệu lực. |