Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vẫn giữ được tăng trưởng ổn định nhờ các giải pháp được triển khai hiệu quả cũng như nỗ lực của doanh nghiệp.
Linh hoạt trong tham mưu và điều hành
Thực hiện mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế, Sở Công Thương Hòa Bình đã bám sát diễn biến dịch bệnh để linh hoạt trong tham mưu và điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Ông Phạm Tiến Dũng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình đi kiểm tra tại các siêu thị, hệ thống phân phối bán lẻ trên địa bàn tỉnh |
Đơn cử, đối với lĩnh vực công nghiệp, Sở Công Thương Hòa Bình đã tham mưu xây dựng và trình phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025; tham mưu thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh… Hoặc đối với lĩnh vực năng lượng, Sở Công Thương Hòa Bình đã tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và vận hành khai thác công trình thủy điện. Phối hợp giải quyết các khó khăn trong công tác thi công các công trình điện...
Ông Phạm Tiến Dũng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình - chia sẻ: Với các giải pháp đó, năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt 41.260 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành sản xuất điện ước đạt là 8.092 triệu kWh; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao đạt 1,65%; khai thác đá ước đạt 99,17% so với kế hoạch năm.
Với mục tiêu phủ sóng điện lưới đến các khu dân cư, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, đến nay, hệ thống lưới điện quốc gia đã cấp điện cho 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện thường xuyên ước đạt 99,82%.
Thương mại tăng trưởng khá
Đối với hoạt động thương mại - dịch vụ, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành tình hình dịch bệnh cơ bản được khoanh vùng nên các hoạt động thương mại vẫn có mức tăng trưởng khá, đặc biệt là thương mại điện tử trên địa bàn phát triển mạnh. Tính chung cả năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt 44.469 tỷ đồng, thực hiện 100,02% kế hoạch năm, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
"Đặc biệt, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã được triển khai trên địa bàn tỉnh với nhiều hoạt động, đã được khẳng định khi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã quan tâm hơn đến các sản phẩm mang thương hiệu Việt" - ông Dũng cho biết.
Riêng với hoạt động xuất nhập khẩu, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 49 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng như tỉnh Hòa Bình vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 ước đạt 1.218 triệu USD, tăng 18% so với năm 2020, đạt 100% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 980 triệu USD, tăng 12% so với năm 2020, đạt 100% kế hoạch năm.
Với tinh thần nỗ lực phấn đấu cao hơn để thúc đẩy sản xuất phát triển đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, sớm phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường và củng cố an ninh - quốc phòng trên địa bàn, năm 2022, Sở Công Thương Hòa Bình phấn đấu đưa các chỉ số sản xuất công nghiệp và thương mại đạt tăng trưởng 2 con số, đóng góp cho kinh tế toàn tỉnh phát triển.