Ngành Công Thương Thanh Hoá: Phấn đấu đạt doanh thu bán lẻ và dịch vụ đạt 265.000 tỷ đồng năm 2025 Ngành Công Thương Thanh Hoá: Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng 16,4% so với cùng kỳ |
Chiều 4/01, Sở Công Thương Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác ngành Công Thương năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Ông Phạm Bá Oai, Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa phát biểu khai mạc hội nghị |
Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2022, ngành Công Thương phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Tuy nhiên, có sự chỉ đạo sát sao, linh hoạt của Bộ Công Thương, tỉnh ủy và UBND tỉnh Thanh Hóa; sự quan tâm phối hợp của các ngành, các địa phương và nỗ lực của cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, năm 2022, ngành Công Thương Thanh Hóa đã “ghi điểm” với các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao
Năm 2022, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và tăng trường tốt. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 16,31% so với năm 2021, giá trị tăng thêm công nghiệp tăng 17,88%, tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng GRDP của tỉnh Thanh Hóa 12,51% vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 11,5%). Một số sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ, có mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như: Nhóm hàng vật liệu xây dựng: gạch xây, đá ốp lát, xi măng, clinker tiêu thụ...; nhóm sản phẩm tiêu dùng: dầu thực vật, bia, thuốc lá, thủy sản chế biến…
Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư lĩnh vực công nghiệp tiếp tục có nhiều chuyển biến mạnh mẽ; các ngành, các địa phương và các doanh nghiệp đã quyết liệt, tập trung nguồn lực đề nghị UBND tỉnh thành lập mới thêm 10 cụm công nghiệp. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập 44 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.655,8 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 11.544,36 tỷ đồng; quy hoạch 8 khu công nghiệp và 22 phân khu công nghiệp; năm 2022, thu hút đầu tư 20 dự án (3.239 tỷ đồng và 34,9 triệu USD), 54 dự án đăng ký điều chỉnh (tăng 1.704 tỷ đồng và 32,6 triệu USD). Lũy kế đến nay, thu hút đầu tư 705 dự án (170.688 tỷ đồng và 13.548 triệu USD).
Lãnh đạo Sở Công Thương Thanh Hóa chủ trì Hội nghị |
Đáng chú ý, năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã có thêm các dự án quy mô lớn đi vào hoạt động như: Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, Nhà máy giày Adiana, Nhà máy may S&D; Nhà máy xi măng Đại Dương; khởi công Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial; dự án Dây chuyền 4 xi măng Long Sơn gấp rút hoàn thiện... đóng góp lớn cho giá trị sản xuất tăng thêm của tỉnh và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động.
Hoạt động tiểu thủ công nghiệp, lũy kế đến nay tỉnh Thanh Hóa có 36 nghề tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động. Trong đó, có 27 nghề truyền thống và 9 nghề du nhập mới, 118 làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; giải quyết việc làm cho khoảng 65.020 lao động.
Hoạt động thương mại nội địa bứt phá
Ngành Công Thương Thanh Hóa còn “ghi điểm” với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 ước đạt 172.209 tỷ đồng, tăng 26,5% so với năm 2021, vượt 18,8% kế hoạch.
Đáng chú ý, nhiều thời điểm trong năm 2022, giá cả và nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu biến động tăng cao, nhất là xăng dầu. Tuy nhiên, ngành Công Thương đã chủ động báo cáo xin ý kiến Bộ Công Thương về giải pháp chỉ đạo điều hành để tham mưu cho UBND tỉnh xử lý kịp thời, dứt điểm và hiệu quả.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Thanh Hóa cũng đã ban hành các văn bản chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp, khuyến mại, tình trạng phát sinh các tụ điểm kinh doanh tự phát gây mất an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...
Đại biểu dự hội nghị |
Hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được quan tâm đầu tư, đặc biệt là hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại với nhiều dự án lớn đang hoàn thiện thủ tục đầu tư và đã đi vào hoạt động. Lũy kế đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 28 siêu thị, 2 trung tâm thương mại được công nhận và 388 chợ đang hoạt động, góp phần trọng ổn định tình hình, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Công tác quản lý năng lượng và khuyến công "cán đích"
Không chỉ hoạt động thương mại nội địa và chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao, năm 2022, Sở Công Thương Thanh Hóa còn bứt phá “ghi điểm” trong công tác quản lý năng lượng. Cụ thể, triển khai đảm bảo cân đối về năng lượng, tích hợp trong Quy hoạch tỉnh và phù hợp với Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 và Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó phát triển Thanh Hóa trở thành trung tâm năng lượng của cả nước.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 19 dự án sản xuất điện đã vận hành với tổng công suất 2.946MW và 7 dự án khác đang trong giai đoạn đầu tư với công suất 360MW. Năm 2022, tổng sản lượng điện sản xuất đạt 5,834 tỷ Kwh, tăng 20,5% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Thanh Hóa còn chủ động tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh này báo cáo Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ bổ sung các đường dây, trạm biến áp, nhà máy điện, hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch điện lực tỉnh.
Với những nỗ lực đó, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 32 dự án lưới điện đang triển khai và chuẩn bị triển khai triển khai với tổng mức đầu tư trên 4.000 tỷ đồng. Năm 2022, đã đóng điện 3 trạm biến áp 110kV, cải tạo, nâng cấp đường dây, trạm biến áp với tổng mức đầu tư khoảng 1.746 tỷ đồng; sản lượng điện thương phẩm trong năm đạt khoảng 7,38 tỷ kWh phục vụ đủ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; giải quyết khó khăn cho các nhà đầu tư, đồng thời đồng bộ hóa toàn hệ thống từ nguồn cấp đến truyển tải và phân phối tiêu thụ...
Ngoài ra, năm 2022 ngành Công Thương Thanh Hóa đã triển khai 12 đề án thuộc Chương trình khuyến công địa phương và khuyến công quốc gia với số tiền 8 tỷ đồng; đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cho 10 sản phẩm công nghiệp nông thôn; tổ chức 3 phiên chợ kết nối cung - cầu về nông thôn; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ tại 8 tỉnh, thành phố. Trong năm đã công nhận thêm 9 sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực, đưa tổng số sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực lên 14 sản phẩm; cấp tỉnh 23 sản phẩm và cấp quốc gia là 4 sản phẩm.
Ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa báo cáo Tổng kết công tác năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023 |
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, chỉ thị của Chính phủ, UBND tỉnh về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2021- 2025. Giải ngân Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với tổng kinh phí hơn 21,9 tỷ đồng cho các dự án hệ thống điện chiếu sáng bằng đèn Led tiết kiệm điện, đèn năng lượng mặt trời tại các tuyến đường trung tâm thị trấn, khu di tích lịch sử, điểm du lịch; thực hiện kiểm toán năng lượng cho 2 đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm, tổ chức thành công Chương trình Giờ Trái đất năm 2022 và 2 cuộc hội thảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Có thể nói, năm 2022, ngành Công Thương Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực, vượt khó và đạt được những kết quả toàn diện đáng ghi nhận. Kết quả trên đã góp phần quan trọng, tạo động lực chính cho tăng trưởng GRDP và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Đây còn là cơ sở quan trọng để ngành Công Thương Thanh Hóa tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực để đạt mục tiêu trong năm 2023, đưa giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 15,3% so với năm 2022; giá trị xuất khẩu đạt 5.500 triệu USD, bằng 99,7% so với năm 2022 (nếu không tính giá trị dịch vụ thu ngoại tệ và hàng phục vụ xuất khẩu); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 175.000 tỷ đồng, tăng 1,6% so với năm 2022.