Hà Nội: Đảm bảo an toàn thực phẩm trong chợ Hà Nội - Quảng Trị: Kết nối cung cầu hàng hóa, hợp tác phát triển vùng nguyên liệu |
Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm luôn được các sở ngành thành phố Hà Nội đẩy mạnh triển khai thực hiện bám sát chỉ đạo của Trung ương, Thành phố và đã đạt được một số kết quả tích cực. Qua đó góp phần ngăn chặn, kiểm soát chất lượng sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường phục vụ tiêu dùng của nhân dân Thủ đô.
Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị |
Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, TP. Hà Nội đã đăng tải 3.760 tin, bài, ảnh tuyên truyền; tổ chức 2.714 lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm ; in ấn và cấp phát hơn 664.697 ấn phẩm, tờ rơi, tờ gấp, băng rôn khẩu hiệu... tuyên truyền về an toàn thực phẩm;
Tổ chức 1.700 đoàn thanh kiểm tra về công tác an toàn thực phẩm với tổng số hơn 117.163 lượt cơ sở kiểm tra, qua đó phát hiện 18.543 lượt cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính 5.696 cơ sở với số tiền gần 40 tỷ đồng;
Tích cực xây dựng và triển khai các đề án, mô hình điểm về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác quản lý; ngành Công Thương đã hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp, các tỉnh, thành phố tham gia trên 100 hoạt động, sự kiện giao thương, duy trì phát triển 85 điểm bán hàng OCOP và hỗ trợ các đơn vị kết nối, tiêu thụ trên 500.000 tấn sản phẩm mỗi năm,...
Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn thực vẫn còn những khó khăn, hạn chế như. Theo đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm còn thiếu, chưa đồng bộ. Số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động vì vậy khó khăn trong công tác quản lý.
Nhận thức của một bộ phận người dân và một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật còn chưa tốt.
Bên cạnh đó, tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo an toàn thực phẩm từ tỉnh khác vào Hà Nội tuy giảm nhưng còn diễn ra trên địa bàn.
Mặt khác, vẫn còn tồn tại các điểm kinh doanh tự phát lấn chiếm lòng đường vỉa hè, nơi công cộng, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ còn nhiều khó khăn, bất cập,...ảnh hưởng lớn tới an ninh, an toàn thực phẩm.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong năm 2023 và các năm tiếp theo, thực hiện các Quyết định, Kế hoạch của Trung ương, TP. Hà Nội về việc thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 3374/KH-SCT ngày 13/7/2023 để triển khai thực hiện bám sát các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao.
Theo đó, tại Kế hoạch, Sở đặt mục tiêu 100% người quản lý; 100% người sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Sở Công Thương có kiến thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm.
100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Sở Công Thương thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm được cấp Giấy chứng nhận.
100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Sở Công Thương trên địa bàn Thành phố được kiểm tra, thanh tra, giám sát định kỳ theo kế hoạch.
100% thông tin phản ánh về không bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Sở Công Thương trên địa bàn Thành phố được kiểm tra xác minh và xử lý kịp thời. 100% hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm trong quá trình thanh kiểm tra của Sở Công Thương được xử lý theo quy định.
Ngành Công Thương Hà Nội: Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới |
Để đạt được mục tiêu trên, Sở sẽ đổi mới và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm lĩnh vực Công Thương tới các đối tượng là người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo GAP, HACCP, ISO 22000…
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát định kỳ và đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở thuộc phạm vi quản lý;…
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2020-2025”; Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2022-2025” theo chỉ đạo của UBND Thành phố,…
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu, kết nối cung - cầu các sản phẩm an toàn, có nhãn hiệu, thương hiệu, ứng dụng công nghệ cao truy xuất nguồn gốc rõ ràng của các vùng sản xuất tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố, đặc sản vùng miền trong cả nước đưa vào hệ thống phân phối của TP. Hà Nội nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô.
Tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ phát triển hạ tầng công nghiệp, dịch vụ thương mại, hình thành mạng lưới logistics, bảo quản, chế biến, thương mại điện tử trong lĩnh vực an toàn thực phẩm ở nông thôn.
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội – cho biết, Sở sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư “về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” và các văn bản chỉ đạo của Thành uỷ, UBND Thành phố, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên của Sở Công Thương, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý và người tiêu dùng về ý nghĩa, tầm quan trọng của an ninh, an toàn thực phẩm đối với đời sống xã hội, sức khỏe con người, sự phát triển giống nòi và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
“Mọi người dân có quyền được sử dụng thực phẩm an toàn và có nghĩa vụ bảo đảm an toàn thực phẩm. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ thực phẩm lĩnh vực Công Thương trên địa bàn Thành phố phải có trách nhiệm và uy tín bảo đảm an toàn thực phẩm để phục vụ tốt đời sống của nhân dân”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.