Hà Nội: Nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ Hà Nội: Mục tiêu 100% các chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm |
Đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống
Thành phố Hà Nội hiện có 453 chợ, trong đó có 02 chợ đầu mối và 05 chợ đang hoạt động có tính chất đầu mối, lượng nông sản thực phẩm tại đây cung ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu thụ của nhân dân Thủ đô.
Người tiêu dùng mua thực phẩm tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) |
Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ còn một số tồn tại. Cụ thể, ngoài một số chợ đã được đầu tư xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp, còn nhiều chợ được xây dựng tạm, chưa đồng bộ, chưa bảo đảm yêu cầu về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm nhất là chợ hạng 3 tại các huyện ngoại thành;
Phần lớn các hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ có quy mô nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư các trang thiết bị, dụng cụ kinh doanh, bảo quản thực phẩm theo quy định;
Sự hiểu biết, ý thức chấp hành về bảo đảm an toàn thực phẩm của một số hộ kinh doanh, người tiêu dùng tại chợ còn hạn chế (một số hộ kinh doanh chưa quan tâm tới việc lưu giữ hóa đơn, chứng từ, một số người dân khi mua sắm không chú trọng đến nguồn gốc, chất lượng hàng hóa);
Các đơn vị quản lý chợ còn hạn chế trong việc kiểm tra, giám sát về tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm như kiểm soát nguồn gốc xuất xứ,…
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, nguồn hàng nông sản thực phẩm cung ứng cho các chợ trên địa bàn Thành phố rất đa dạng, bao gồm thực phẩm nhập khẩu, thực phẩm được nhập từ các tỉnh về qua các hệ thống phân phối, từ các chợ đầu mối (lưu lượng thực phẩm lưu thông qua chợ đầu mối chiếm tỷ lệ lớn và là nguồn cung sản phẩm chủ yếu cho các chợ dân sinh); từ các cơ sở sản xuất, chăn nuôi, giết mổ, trồng trọt trên địa bàn, từ người sản xuất nhỏ, lẻ trực tiếp mang hàng ra chợ bán… nên việc kiểm soát chất lượng đầu vào còn gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm không đảm bảo an toàn trên địa bàn Thành phố vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, ngày 05/11/2021, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4727/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022-2025”.
Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội" diễn ra ngày 15/11/2022 |
Là cơ quan thường trực thực hiện Đề án, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các sở ngành đơn vị, UBND các quận huyện thị xã tích cực triển khai các nhiệm vụ tại Đề án và đạt được một số kết quả, qua đó góp phần từng bước kiểm soát chất lượng sản phẩm thực phẩm lưu thông tại các chợ phục vụ nhân dân Thủ đô.
Cụ thể, với tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ thuộc đối tượng của Đề án là 19.390 cơ sở, đến nay, 16.571 cơ sở đã thực hiện ký cam kết bảo đảm hoặc cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm; 15.357 người kinh doanh đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; 13.211 người kinh doanh đã được khám sức khỏe định kỳ; 4.834 cơ sở có trang thiết bị bảo quản; 8.649 cơ sở có đầy đủ hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; 2.510 cơ sở có sản phẩm thực phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc,…
UBND các quận huyện thị xã đã hướng dẫn và cấp biển nhận diện cho 1.263 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các chợ đáp ứng yêu cầu tại Đề án.
Bên cạnh đó, 5 quận/huyện trên địa bàn Thành phố (Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Tây Hồ, Cầu Giấy, Đông Anh) đã xây dựng 20 trạm xét nghiệm nhanh tại chợ phục vụ cho công tác xét nghiệm, lấy mẫu thực phẩm. 22/30 quận, huyện, thị xã đã triển khai xây dựng và ban hành quy chế về quản lý đảm bảo an toàn thực phẩm đối với 236 chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Đồng thời, công tác thanh kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở trên địa bàn trong đó có cơ sở tại chợ được các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã tăng cường, kết quả 6 tháng đầu năm 2023, Sở Công Thương đã thanh kiểm tra 45 doanh nghiệp, xử lý 10 doanh nghiệp vi phạm với số tiền phạt vi phạm hành chính 80,75 triệu đồng;
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy 29 mẫu giám sát tại chợ (kết quả 29 mẫu bảo đảm an toàn với chỉ tiêu phân tích), lấy 369 mẫu nông sản thực phẩm tại các vùng nuôi trồng trên địa bàn Thành phố, kết quả 6/369 mẫu không đảm bảo an toàn với chỉ tiêu phân tích nhóm thuốc bảo vệ thực vật;
UBND các quận, huyện thị xã đã thanh kiểm tra 2.492 lượt cơ sở, xử lý 11 cơ sở vi phạm với số tiền 53,8 triệu đồng, thực hiện lấy mẫu giám sát tại 29 chợ trên địa bàn; Công an Thành phố đã kiểm tra, giám sát 496 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ; xử lý vi phạm hành chính 13 lượt cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền là 20.750.000 đồng.
Song song với đó, Sở Công Thương thường xuyên phối hợp với các sở ngành liên quan đôn đốc, hướng dẫn UBND các quận huyện thị xã thực hiện công tác đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố, theo đó trong năm 2023 trên toàn Thành phố dự kiến xây mới 48 dự án chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ.
Các sở, ngành thành phố Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động giao thương, kết nối, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn cung ứng cho hệ thống phân phối của Hà Nội trong đó có các chợ, cụ thể: Tổ chức khoảng 20 sự kiện giao thương kết nối với khoảng 100 gian hàng/ 01 sự kiện; Giới thiệu, kết nối trên 2.000 sản phẩm nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP của Hà Nội và trên 5.000 sản phẩm OCOP của các tỉnh đến các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các hệ thống phân phối trên địa bàn;
Phối hợp xây dựng và phát triển 926 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội; duy trì và phát triển 159 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ,…
Năm 2023 là năm thứ 2 Hà Nội triển khai Đề án. Bà Trần Thị Phương Lan nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các chỉ tiêu được giao tại Đề án nói chung và Kế hoạch năm 2023 của Thành phố còn chậm, phần lớn các quận, huyện, thị xã chưa thực hiện xây dựng, lắp đặt nhà trạm xét nghiệm nhanh thực phẩm tại chợ; công tác cấp biển nhận diện mới chỉ được triển khai tại một số quận nội thành,...
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu 100% các chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm; Phấn đấu mỗi phường/xã xây dựng tối thiểu 1 nhà trạm xét nghiệm nhanh tại chợ;
Tối thiểu 60% các chợ đang hoạt động được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa đầu tư và 100% chợ xây mới đáp ứng các tiêu chí chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại; 100% cơ sở tại chợ hạng 1 và 60% cơ sở tại chợ hạng 2, hạng 3, chợ chưa phân hạng được cấp biển nhận diện,…
Để phấn đấu đạt được các mục tiêu đặt ra, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị UBND các quận huyện thị xã xây dựng chi tiết tiến độ thực hiện các chỉ tiêu được giao tại Đề án; Tiếp tục thông tin, tuyên truyền rộng rãi việc triển khai Đề án trên địa bàn;
Tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh tại chợ hoàn thiện các điều kiện để được cấp biển nhận diện đạt chỉ tiêu đề ra; Triển khai xây dựng, lắp đặt nhà trạm kiểm nghiệm nhanh chất lượng thực phẩm lưu thông tại chợ,…
Các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát tiếp tục rà soát, đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án, đồng thời thường xuyên phối hợp, hướng dẫn UBND các quận, huyện thị xã theo chức năng nhiệm vụ được giao trong quá trình thực hiện.
Về phía Sở Công Thương Hà Nội sẽ cùng các sở, ngành Thành phố, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu trong năm 2023 và phấn đấu đến hết năm 2025, 100% cơ sở kinh doanh thực phẩm tại chợ trên địa bàn Thành phố được cấp biển nhận diện. Từ đó góp phần phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân theo chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội tại Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17/3/2021.