Ngành Công Thương: Chung sức vượt qua thách thức, hướng tới những mục tiêu lớn năm 2024 Ngành Công Thương năm 2023: Nỗ lực đảm bảo nguồn cung năng lượng cho nền kinh tế |
Nhiệm kỳ 2021-2025 của Chính phủ đã đi qua nửa thời gian trong bối cảnh khu vực và thế giới có những biến động, khó khăn, dị biệt chưa từng có tiền lệ, tác động sâu sắc, nhiều mặt đến Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là quãng thời gian nền kinh tế nước ta đạt được nhiều thành quả ấn tượng. Trong đó, có sự đóng góp tích cực của ngành Công Thương.
Đổi mới tư duy, chủ động ứng phó, vượt qua thách thức
Hơn nửa nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam cũng giống như nhiều quốc gia khác đã chịu tác động nặng nề từ những biến động của thế giới. Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, lạm phát cao, nhu cầu tiêu dùng suy giảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro của các yếu tố thời tiết bất thường, dịch bệnh, chính trị, chuỗi cung ứng hàng hóa chiến lược bị đứt gãy; bảo hộ thương mại… Bên cạnh đó là các yêu cầu, xu hướng mới của công nghệ, phát triển xanh, tuần hoàn… Trong nước, nền kinh tế cũng gặp khó khăn do năm 2021 - 2022, có nhiều đợt phong tỏa vì dịch bệnh; hoạt động sản xuất, kinh doanh suy giảm, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, thiếu đơn hàng; giá, chi phí nguyên nhiên vật liệu tăng cao...
Các diễn giả chia sẻ những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện chuyển đổi số ngành Công Thương |
Trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế nước ta đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát và tiếp tục có tăng trưởng dương; môi trường đầu tư, kinh doanh gắn với chuyển đổi số tiếp tục đổi mới; thu hút đầu tư tăng cao; thị trường hàng hóa dồi dào, đời sống của nhân dân được cải thiện, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng an ninh,chủ quyền quốc gia được giữ vững.
Doanh nghiệp hưởng ứng “Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia và ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday năm 2023” Ảnh: Moit |
Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2021 đạt gần 3% (một trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương); GDP năm 2022 ước tăng 8,02%, lập kỷ lục trong hơn 10 năm qua; năm 2023, GDP ước đạt trên 5,5%. Trong thành công chung của đất nước, có đóng góp tích cực của ngành Công Thương với 2 trụ cột chính là công nghiệp, thương mại.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, "Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương đã tăng cường cải cách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thông qua việc chỉ đạo sửa đổi, bổ sung hầu hết các quy chế, quy định trong nội bộ, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và sự chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, hiệu quả thi hành pháp luật và nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ Công Thương đã sắp xếp lại bộ máy tổ chức theo Nghị định số 96/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương; trong đó, giảm 1 vụ, 1 cục và 23 phòng thuộc vụ. Cùng với đó, Bộ đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử tạo dấu ấn đột phá, được đánh giá là Bộ dẫn đầu về phục vụ người dân, doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ công với 236 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp; kết nối 16 nhóm dịch vụ công trực tuyến với Cơ chế một cửa quốc gia (VNSW) và Cơ chế một cửa ASEAN (ASW).
Về hoàn thiện thể chế, Bộ Công Thương đã nỗ lực, nghiên cứu, tham mưu, xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành văn bản luật quan trọng như Luật Dầu khí số (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; 4 quy hoạch ngành quốc gia quan trọng về lĩnh vực năng lượng và khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm: Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản và quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương… Cùng với đó là hàng chục nghị định, thông tư, quyết định, chỉ thị ở nhiều lĩnh vực. Các văn bản này góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý cho công tác quản lý nhà nước cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Công nghiệp duy trì đà tăng trưởng
Công nghiệp - một trong những trụ cột của nền kinh tế, tiếp tục có phục hồi quan trọng. Năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82% so với năm 2020, trong đó nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì tốc độ tăng trưởng phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành, các ngành công nghiệp chủ lực như: Điện tử, dệt may, da giày... tăng trưởng ở mức cao, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.
Dù chuỗi cung ứng bị gián đoạn, song tỷ trọng hàng chế biến, chế tạo trong tổng giá trị xuất khẩu vẫn duy trì mức đóng góp trên 85%. Năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 9%, đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành và cao hơn kịch bản tăng trưởng tại Nghị quyết 01 (kịch bản GDP trong công nghiệp tăng 6,4 - 7,3%). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trên 9% năm 2022, đóng góp hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Năm 2023, dù mức tăng trưởng không đạt như kỳ vọng, song vẫn duy trì mức tăng trưởng dương trong bối cảnh nền kinh tế công nghiệp toàn cầu suy giảm. Bên cạnh đó, các ngành năng lượng đã đáp ứng đủ nhu cầu cho nền kinh tế - xã hội. Trong đó, năm 2022, ngành về đích trước kế hoạch 2 tháng 18 ngày, đưa 5 mỏ và công trình mới vào khai thác, nhiều hơn 1 công trình so với kế hoạch cả năm, nộp ngân sách hoàn thành kế hoạch cả năm trước 6 tháng. Ngành than cũng đã hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2022 với mức tăng trưởng cao. Năm 2023, Bộ Công Thương đã chủ động tháo gỡ khó khăn cho ngành năng lượng, đặc biệt đã hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án năng lượng quan trọng như đưa vào vận hành Kho cảng LNG 1 triệu tấn/ năm Thị Vải và triển khai loạt dự án điện khí LNG; khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và hoàn thành sửa chữa các tổ máy nhiệt điện; khẩn trương triển khai các dự án đường dây 500kV mạch 3, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Bộ Công Thương đã thực hiện hiệu quả việc tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là doanh nghiệp và các hãng toàn cầu nhằm tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hội nhập quốc tế đi vào chiều sâu
Một điểm sáng khác trong hơn nửa nhiệm kỳ qua đó là, công tác đổi mới về xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển thương mại điện tử. Theo đó, Bộ Công Thương với vai trò đầu mối đã tận dụng, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để xuất khẩu với mức tăng trưởng 2 con số; duy trì thị trường truyền thống và mở rộng thêm nhiều thị trường mới cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam, trong đó, nhiều sản phẩm nông sản được phép nhập khẩu chính ngạch. Tập trung đàm phán, tháo gỡ khó khăn về xuất nhập khẩu với Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Đặc biệt, đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 5/7/2023 về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; hoàn thành ký FTA Việt Nam - Israel (VIFTA) và thống nhất kết thúc đàm phán để hướng tới sớm ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện với UAE.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với Viện nghiên cứu Cơ khí |
Bộ Công Thương đã có sáng kiến đột phá là tổ chức cuộc họp giao ban định kỳ với 61 thương vụ hàng tháng từ năm 2022 với nội dung đa dạng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp trao đổi thông tin, thảo luận tìm giải pháp, khắc phục khó khăn, mở rộng sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Nhờ đó, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao, xuất siêu liên tục trong 8 năm liên tiếp với giá trị hàng chục tỷ USD, góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế (năm 2021, xuất siêu 4 tỷ USD; năm 2022, 11 tỷ USD; năm 2023, 26 tỷ USD).
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại trên môi trường số cũng được đổi mới theo hình thức trực tiếp, trực tuyến với hàng nghìn hội nghị kết nối cung - cầu, hỗ trợ hàng triệu doanh nghiệp giao thương. Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước. Các biện pháp phòng vệ thương mại đã có tác động tích cực đến một số ngành đóng vai trò quan trọng như mía đường, sorbitol..., giúp đảm bảo việc làm và thu nhập cho nông dân, người lao động. Tính đến hết tháng 11/2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 239 vụ việc điều tra. Các nước đã khởi kiện 12 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đã khởi xướng điều tra 27 vụ việc phòng vệ thương mại. Theo ước tính, các biện pháp phòng vệ thương mại đã góp phần đảm bảo việc làm của hàng trăm nghìn người lao động.
Phát triển thương mại hướng tới sự cân bằng
Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quan điểm xuyên suốt tại Văn kiện các kỳ Đại hội của Đảng theo định hướng, làm chủ thị trường trong nước kết hợp mở rộng thị trường ngoài nước; ngành Công Thương đã cụ thể hóa, triển khai nhiều giải pháp phát triển thị trường nội địa.
Sản xuất công nghiệp vượt khó. Ảnh: Du Ca |
Từ đợt dịch Covid-19 đến nay, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, chỉ đạo, đảm bảo cung ứng kịp thời, khá đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân, ổn định giá hàng hóa. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các đề án thị trường trong nước, hình thức thương mại, nhất là thương mại điện tử.
Năm 2021, thương mại điện tử Việt Nam đã ghi dấu mốc “lần đầu tiên” với một chuỗi các sự kiện, hoạt động đột phá cho doanh nghiệp Việt trong việc phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Hàng chục loại, hàng nghìn tấn nông sản, trái cây vùng miền được tổ chức phân phối trên các gian hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử. Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (20%/ năm). Năm 2023, con số này lần lượt là 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) và được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường trong nước tiếp tục là “bệ đỡ” cho nền kinh tế, tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 6 triệu tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Song song với đó, Bộ Công Thương cũng đã tiếp tục hoàn thiện việc tinh gọn bộ máy lực lượng quản lý thị trường, tái cấu trúc, kiện toàn đầy đủ lãnh đạo; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý thị trường, đảm bảo nhiệm vụ giữ ổn định thị trường, ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi sản xuất hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý, đảm bảo trật tự thị trường, tăng cường các hoạt động kiểm tra, đặc biệt là mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, như: Xăng dầu, khí hóa lỏng, lương thực, thực phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế, phân bón, vật tư nông nghiệp... Đẩy mạnh kiểm tra kinh doanh trên môi trường mạng theo Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Chỉ tính từ ngày 15/12/2022 - 11/12/2023, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 71.456 vụ (giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022), phát hiện, xử lý 51.884 vụ vi phạm (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022), thu nộp ngân sách nhà nước trên 484 tỷ đồng (tăng 36% so với cùng kỳ năm 2022); chuyển cơ quan điều tra 172 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022).
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã thực hiện tốt các công tác phát triển khoa học - công nghệ, an toàn môi trường; thanh tra, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các mặt công tác khác về thi đua khen thưởng, thông tin tuyên truyền...
Có thể nói, nửa nhiệm kỳ qua, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương đã quán triệt quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xây dựng, triển khai chương trình hành động của ngành với tinh thần "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, chủ động, đổi mới, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, tự lực, tự cường vì lợi ích quốc gia, dân tộc” tập trung cho 3 đột phá chiến lược và 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Chủ động phát hiện những điểm nghẽn của nền kinh tế để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách còn bất cập, chồng chéo; hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sản xuất, kinh doanh…
Phải khẳng định rằng, những kết quả đạt được bằng những con số cụ thể là minh chứng cho nỗ lực của bộ/ngành Công Thương giai đoạn 2021 - 2023. Kết quả này sẽ là tiền đề để ngành tiếp tục phấn đấu, hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.
Đánh giá về những nỗ lực của ngành Công Thương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, ngành Công Thương đang tiên phong với 2 trụ cột để đổi mới và phát triển đất nướ. Những công việc của ngành Công Thương đã triển khai trong thời gian qua mang tính cách mạng, đổi mới và thử thách, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt và những tác động từ xung đột, dịch bệnh... |