Trải qua 71 năm xây dựng và phát triển, ngành Công Thương Bình Thuận đã thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ được giao về phát triển công nghiệp, thương mại.
Đến nay, có 36 cụm công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích 1.182,8ha; trong đó, 28/36 cụm công nghiệp được thành lập; có 05 cụm công nghiệp đầu tư hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, gồm cụm công nghiệp Phú Hài, Nam Cảng (thành phố Phan Thiết), Thắng Hải 1 (huyện Hàm Tân), cụm công nghiệp Nam Hà, Nam Hà 2 (Đức Linh). Toàn tỉnh có 27 cụm công nghiệp thu hút, bố trí hơn 173 dự án đầu tư với tổng diện tích 268,2ha, chiếm khoảng 35,66% diện tích đất công nghiệp, giải quyết việc làm cho 8.250 lao động tại địa phương.
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 35.978 tỷ đồng. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp đến năm 2021 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 11.840,3 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27% trong giá trị tăng thêm của tỉnh năm 2021. Tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu GRDP của tỉnh năm 2021 đạt 28,52%.
Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch đúng hướng. Giảm dần tỉ trọng ngành công nghiệp khai khoáng; tăng dần tỉ trọng ngành công nghiệp sản xuất, phân phối điện, nước từ 25,23% năm 2015 tăng lên 45,2% vào năm 2021. Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn duy trì tỷ trọng cao, chiếm 48,76% năm 2021, giữ vững vị trí chủ đạo trong lĩnh vực công nghiệp trong thời gian qua.
Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 48 nhà máy điện đang hoạt động phát điện với tổng công suất 6.520 MW, gồm: 04 nhà máy nhiệt điện than thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tổng công suất 4.284 MW: Vĩnh Tân 1: 1.240 MW, Vĩnh Tân 2: 1.244 MW, Vĩnh Tân 4:1.200 MW, Vĩnh Tân 4 mở rộng: 600 MW; 07 nhà máy thủy điện (819,5 MW); 10 nhà máy điện gió tổng công suất 335 MW; 26 nhà máy điện mặt trời 1.072 MW (1.348 MWp); 01 nhà máy điện diesel đảo Phú Quý (10 MW).
Sản lượng điện thiết kế của 48 nhà máy điện trên địa bàn tỉnh khoảng 31,6 tỷ kWh/năm. Ngành công nghiệp điện, năng lượng của tỉnh đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và đảm bảo cung cấp điện cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Hiện nay, đã phát triển 01 trung tâm thương mại, 03 siêu thị, 75 chuỗi cửa hàng tiện lợi hiện đại (57 chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh, 15 chuỗi cửa hàng Vinmart, 3 chuỗi cửa hàng Coopfood) và hệ thống các cửa hàng bán lẻ, siêu thị điện máy, … đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Hệ thống kho, cửa hàng xăng dầu cung ứng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế dân sinh và phục vu quốc phòng đã phát triển mạnh, rộng khắp, đảm bảo về an toàn năng lượng. Đến nay, số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh là 296 cửa hàng, 14 tàu dầu, 02 kho xăng dầu.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, ngành Công Thương Bình Thuận tiếp tục nỗ lực hoàn thành mục tiêu về phát triển công nghiệp, thương mại mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 5 năm (2021-2025) đề ra./.