Doanh nghiệp ngành cơ khí cần được hỗ trợ về chính sách |
Thiếu chiến lược bài bản
Theo ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) - đến thời điểm hiện tại, hầu hết các văn bản pháp quy chủ chốt nhằm hỗ trợ, thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo như Quyết định số186/2002/QĐ-TTg, Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm đều đã hết hiệu lực. Thực tế, ngày 9/6/2016, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Công văn số 986/TTg-KTN đồng ý gia hạn hiệu lực của Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg đến hết tháng 12/2016. Trong công văn này cũng nêu rõ: Bộ công Thương khẩn trương hoàn thiện Đề án chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam cho giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn tới năm 2035. Tuy nhiên hiện tại, Đề án chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đã qua rất nhiều dự thảo lấy ý kiến nhưng vẫn chưa có bản chính thức. "Đến nay, cơ khí - một ngành được coi là mũi nhọn vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mực" - ông Thụ thẳng thắn chia sẻ.
Trong khi đó, theo quy hoạch điện VII điều chỉnh được phê duyệt, từ nay đến năm 2030, sẽ có 12 dự án nhiệt điện đốt than công suất tổ máy 600MW cần thực hiện do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư. Nếu nhà nước có những chính sách khuyến khích phù hợp và kịp thời thì đây thực sự là "cơ hội vàng" cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước.
Cơ hội nào cho doanh nghiệp nội?
Ông Nguyễn Văn Thụ phân tích: Trung bình với một nhà máy nhiệt điện đốt than 1.200MW sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 1,7-1,9 tỷ USD. Trong đó, giá trị gói thầu khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương gần 30 nghìn tỷ đồng. Tổng khối lượng vật tư, thiết bị khoảng 110.000 tấn, riêng khối lượng gia công chế tạo trong nước khoảng 60.000 tấn. Một nhà máy nhiệt điện đốt than công suất 1.200MW được triển khai đầu tư xây dựng có tác động rất lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương cũng như đất nước. Điều cốt lõi là các đơn vị trong nước có phấn đấu được làm tổng thầu EPC để góp phần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị trong nước lên hay không? Điều này lại quay trở lại câu chuyện đơn đặt hàng của nhà nước, bởi "đầu ra" chính là đây. Hàng trăm ngàn tấn thiết bị trị giá nhiều triệu USD sẽ có nguy cơ rơi vào tay tổng thầu nước ngoài nếu như nhà nước không có chính sách cụ thể, những "đơn đặt hàng" kịp thời để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.
"Lợi ích khi nhà thầu EPC trong nước thực hiện là rất lớn" - ông Thụ khẳng định và phân tích thêm: Thứ nhất, giá trị hợp đồng EPC cạnh tranh hoặc thấp hơn nhiều so với nhà thầu EPC nước ngoài. Do đó, có thể hỗ trợ chủ đầu tư giảm chi phí và rút ngắn thời gian thu hồi vốn. Thứ hai, nhà thầu trong nước thi công sẽ giúp chủ động trong công tác xây dựng và lắp đặt, là điều kiện tiên quyết để hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Đồng thời, việc này cũng giúp chủ động trong thực hiện chủ trương, đường lối của Chính phủ về tăng tỷ lệ nội địa hóa và sử dụng sản phẩm trong nước, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.
Tuy nhiên, không dễ để các đơn vị trong nước có thể "vào" được các dự án này. Chính vì thế, ông Nguyễn Văn Thụ đề xuất, cần kiên quyết duy trì chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về tăng cường sử dụng vật tư hàng hóa sản xuất trong nước. Chủ đầu tư của các dự án khi lập hồ sơ yêu cầu cho các gói thầu EPC nới lỏng các điều kiện, yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm thực hiện các hệ thống thiết bị phụ trợ của nhà máy nhiệt điện để các nhà sản xuất trong nước có nhiều cơ hội hơn trong việc tham gia vào các dự án. Ngoài ra, tạo cơ chế đặc thù và hành lang pháp lý để hỗ trợ chủ đầu tư, tổng thầu trong nước mạnh dạn đưa những sản phẩm nội địa vào sử dụng cho dự án. Các doanh nghiệp cơ khí trong nước cần phát triển theo hướng chuyên môn hóa sâu, hợp tác rộng, tránh đầu tư trùng lặp dẫn tới cạnh tranh nội bộ, làm giảm cơ hội cùng tham gia vào các dự án lớn.
Với một dự án nhiệt điện công suất 1.200MW, sẽ tạo việc làm ổn định cho khoảng 3.000 lao động trong 4 năm với mức thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, trung bình sẽ giải ngân 7.000 - 8.000 tỷ đồng, trong đó các phần công việc trong nước sản xuất và cung cấp chiếm khoảng 35% giá trị. |