Hội thảo nhằm tập trung giới thiệu các giải pháp cải thiện chất lượng con giống, nâng cao hiệu quả sản xuất và gắn kết với các giải pháp đảm bảo về môi trường trong nuôi thương phẩm và chế biến đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam phát biểu tại hội thảo |
Nhiều đột phá
Năm 2018, ngành hàng cá tra đã có sự đột phá về giá trị xuất khẩu, vượt mốc trên 2 tỷ USD, sản lượng nguyên liệu đạt trên 1,3 triệu tấn, giá cá tra nguyên liệu đạt ở mức cao trên 35.000đ/kg, xuất khẩu cũng có tín hiệu khả quan. Với thị trường Trung Quốc tăng cao, kèm theo thị trường Mỹ với thuế chống bán phá giá sơ bộ POR 14 thấp hơn, cũng như FSIS đã công nhận và đề xuất công nhận cá tra Việt Nam đủ điều kiện xuất sang thị trường Mỹ.
Theo ông Dương Nghĩa Quốc, thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thích ứng linh hoạt và phản ứng có kinh nghiệm trước các rào cản, cạnh tranh thương mại. Ngoài ra, để đạt được thành công như năm 2018, ngành cá tra được sự quan tâm của các ban ngành và ngành hàng cá tra trong việc quan tâm thúc đẩy phát triển thị trường nội địa.
Tuy nhiên ngoài những thành công trên, ngành cá tra năm 2018 còn gặp phải những khó khăn thách thức. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra gặp nhiều rào cản trong việc cạnh tranh thương mại. Trong khi đó, chất lượng giống cá tra ngày càng suy giảm, dự báo nhu cầu về sản lượng cá nguyên liệu có thể tăng lên 2 triệu tấn sau 3-4 năm sắp tới.
Để có sản phẩm cá tra chất lượng cần phải tập trung từ khâu con giống |
Cải thiện chất lượng giống
Theo ông Dương Nghĩa Quốc, việc gia tăng sản lượng nguyên liệu trong thời gian tới bên cạnh việc phải đảm bảo về chất lượng sản phẩm, giá thành hợp lý, đồng thời cũng quan tâm đến vấn đề môi trường trong sản xuất.
"Việc thúc đẩy chất lượng ngành hàng cá tra được tập trung vào việc cải thiện chất lượng con giống như quy trình ương, sử dụng chế phẩm sinh học, vắc xin để tăng sức đề kháng cho cá giống. Trong khâu nuôi thương phẩm, phải gắn việc cải thiện chất lượng môi trường với giải pháp xử lý chất thải, ứng dụng IoT trong kiểm soát môi trường tự động để nâng cao năng suất, đồng thời hạ giá thành sản phẩm, sử dụng công nghệ thân thiện môi trường nhằm tăng sức cạnh tranh", ông Dương Nghĩa Quốc cho biết thêm.
Năm 2019 Hiệp hội cá tra Việt Nam sẽ tập trung vào con giống và mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngoài ra ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tích cực hội nhập quốc tế, xây dựng chính sách và đẩy mạnh cải cách hành chính.
Bên cạnh đó, hiệp hội sẽ thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản, sớm giải quyết vấn đề áp “thẻ vàng” của EU; đồng thời hài hòa hóa các quy định về kiểm soát thủy sản theo thông lệ quốc tế.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam: "Năm 2019, Hiệp hội cá tra Việt Nam sẽ đổi mới tư duy, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thông minh. Bên cạnh đó hiệp hội sẽ thực hiện hiệu quả Đề án sản phẩm quốc gia cá da trơn, giữ ổn định diện tích nuôi cá tra khoảng 5,4 nghìn ha”. |