Từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức cà phê quốc tế (ICO) đến nay, ngành cà phê thế giới trải qua ba cuộc khủng hoảng. Năm 1991, khi ICO bỏ hệ thống quota , giá cà phê giảm từ 4.000 USD/tấn cà phê arabica xuống 3.000 USD. Năm 2000, giá giảm xuống còn 400 USD/tấn cà phê robusta. Đến 2020, giá giảm xuống còn 1.300 - 1.400 USD tấn robusta.
Ngành cà phê sẽ "đi bằng hai chân", góp phần nâng cao và ổn định đời sống của 640.000 hộ trồng cà phê |
Nhiều doanh nghiệp và người trồng cà phê lâm vào tình trạng khó khăn thua lỗ. Trong bối cảnh đó xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, nhiều doanh nghiệp có tầm nhìn chiến lược lâu dài, chuyển phương thức kinh doanh, đầu tư chế biến nâng giá trị gia tăng cho hạt cà phê .
Để giải bài toán cho khó khăn lâu dài, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành cà phê đã tham gia vào thương mại điện tử. Giao dịch bán cà phê qua sàn Ice London và New York, sàn hàng hoá Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp tư nhân lập trang web bán cà phê qua mạng. Các hình thức giao hàng tận nhà theo yêu cầu nhỏ, lẻ phát triển rất nhanh. Các quán cà phê trong chuỗi 30 vạn quán, ngoài việc phục vụ khách tại quán, đã tăng cường bán cà phê pha sẵn để khách mang về. Những thay đổi này vừa đảm bảo phục vụ khách hàng, hiệu quả kinh doanh vừa đảm bảo an toàn phòng chống Covid.
Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh khâu chế biến sâu, chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng đang tăng lên. Tận dụng cơ hội xuất khẩu cà phê chế biến giá trị gia tăng gấp đôi so với xuất khẩu cà phê nhân vào các thị trường vừa ký hiệp định thương mại tự do. Đầu tư vào khâu chế biến trước kia chỉ có các doanh nghiệp nước ngoài như: Nestle, Olam, Cà phe Ngon, Tata... Nay, làn sóng mới các doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư nhà máy cà phê hòa tan đã có Tổng công ty Tín Nghĩa, Tập đoàn Intimex, Công ty An Thái, Công ty Việt Mỹ. Đặc biệt là các cơ sở rang xay nhỏ chế biến cà phê đặc sản phục vụ cho chuỗi 10 - 20 cửa hàng chuyên bán cà phê máy phát triển rất nhanh.
Đáng chú ý, sau hơn nửa năm tìm hiểu và nghiên cứu, Trung Nguyên Legend đã chính thức ra mắt “Gian hàng thương hiệu cà phê Trung Nguyên Legend” trên Amazon, đánh dấu một bước tiến quan trọng của tập đoàn này trên hành trình xuất khẩu cà phê thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Chia sẻ về bước đi chiến lược này, đại diện Trung Nguyên Legend cho biết: “Mặc dù những kết quả này là rất đáng khích lệ, nhưng sẽ còn cả một chặng đường dài phía trước và chúng tôi tự tin mình sẽ làm được. Trong tương lai, Trung Nguyên tin tưởng rằng theo xu hướng tiêu dùng của khách hàng, chắc chắn các kênh thương mại điện tử sẽ phát triển mạnh hơn hiện nay”.
Năm 2021, nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn do bệnh dịch. Nền kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với tình hình chung trên thế giới. Nhưng trong “khó ló khôn”, ngành cà phê sẽ đi bằng hai chân. Một chân mở rộng thị trường, tham gia vào chuỗi siêu thị các nước để phân phối cà phê chế biến, đẩy nhanh bán cà phê qua hệ thống thương mại điện tử. Một chân đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa là thị trường “tiền tươi thóc thật”. Giữ vững vị trí nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, nâng cao giá trị gia tăng của hạt cà phê, góp phần nâng cao và ổn định đời sống của 640.000 hộ trồng cà phê…
Mức tiêu thụ cà phê trong nước đã tăng từ 3% lên 10% trong 5 năm qua. Việt Nam đang phấn đấu nâng mức tiêu thụ lên 25% trong 15 năm tới. Đồng thời nâng thị phần xuất khẩu cà phê chế biến từ gần 400 triệu USD lên 2 tỷ USD, cộng với 3 tỷ USD xuất khẩu cà phê nhân, Việt Nam sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 5 tỷ USD trong khoảng 5 - 6 năm tới. |