Dấu ấn chuyển đổi số ngành bảo hiểm xã hội Quảng Ninh: Chuyển đổi số ngành bảo hiểm xã hội vì người dân, doanh nghiệp |
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trên cơ sở nền tảng, hạ tầng công nghệ thông sẵn có, ngành này sẽ tiếp tục tập trung, ưu tiên nguồn lực, quyết liệt, đẩy mạnh triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong từng lĩnh vực công tác của gành với mục tiêu là phục vụ tốt nhất quyền lợi của doanh nghiệp, người dân và các chủ thể tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang triển khai rộng rãi ứng dụng “VssID-BHXH số” |
Thời gian qua, nhằm phục vụ người tham gia, thụ hưởng chính sách được tốt hơn, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích mới và triển khai rộng rãi ứng dụng “VssID-BHXH số”.
Tính đến ngày 30/11/2022, trên toàn quốc đã có 29.261.778 tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được đăng ký, phê duyệt (để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID), trong đó có 924.792 người với 1.861.332 lượt sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ước đến ngày 31/12/2022, toàn quốc phấn đấu có 35 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được đăng ký, phê duyệt sử dụng ứng dụng VssID.
Đặc biệt, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành để “làm giàu” thêm các cơ sở dữ liệu của ngành, quốc gia về bảo hiểm, phục vụ giải quyết quyền lợi của người dân, doanh nghiệp. Trong đó có kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu khai sinh, khai tử, hưởng chế độ tử tuất, mai táng phí với Bộ Tư pháp; bổ sung, điều chỉnh, chuẩn hóa dữ liệu trao đổi, chia sẻ với Tổng cục Thuế.
Đồng thời, tăng cường hoàn thiện kết nối kỹ thuật, xây dựng quy chế kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa sơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm với cơ sở dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường; kết nối, đồng bộ, bổ sung thêm 5 trường thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; duy trì việc kết nối, cung cấp số liệu với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia để phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...
Đáng chú ý, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng đã triển khai xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành hiên bản 2.0. Thường xuyên hoàn thiện, nâng cấp, cập nhật, điều chỉnh các phần mềm nghiệp vụ của ngành để đáp ứng việc thay đổi, điều chỉnh chế độ, chính sách của Nhà nước và yêu cầu quản lý; đồng thời, tăng cường phân tích, rà soát, đối soát trên các cơ sở dữ liệu của ngành để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những sai sót trong việc giải quyết, chi trả chế độ, chính sách.
Cũng như tăng cường quản lý, duy trì hoạt động thường xuyên của Trung tâm dữ liệu ngành, Trung tâm dự phòng và phục hồi thảm họa, Trung tâm điều hành hệ thống thông tin, Hệ thống tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung ngành bảo hiểm xã hội; Hệ thống thu nộp, chi trả bảo hiểm xã hội điện tử; Hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp với cơ quan bảo hiểm xã hội... để phục vụ hiệu quả các hoạt động quản lý, nghiệp vụ của ngành.
Đặc biệt, hiện với việc xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu hơn 98 triệu dân, là nền tảng cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo hiểm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay từ khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành chính thức.
Tính đến ngày 30/11/2022, Hệ thống đã xác thực 67.742.152 thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, Hệ thống của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ trên 62.044.274 lượt bản ghi thông tin chính sách cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ngoài ra đã có 11.945 cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip (đạt 91,5% tổng số cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế) trên toàn quốc, với 6.745.162 lượt tra cứu, trong đó có 4.248.553 lượt tra cứu thành công phục vụ cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thông tin, ước đến ngày 31/12/2022, Hệ thống của ngành này sẽ thực hiện xác thực thông tin nhân khẩu cho tối thiếu 90% người tham gia trong cơ sở dữ liệu do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quản lý với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; toàn quốc có hơn 12.000 cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip, đạt khoảng 95% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc với khoảng 8 triệu lượt tra cứu thông tin phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang phối hợp với Bộ Công an triển khai các công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên căn cước công dân gắn chíp và trên dữ liệu của cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng đã đẩy mạnh nâng cấp, điều chỉnh Cổng tiếp nhận thuộc Hệ thống Giám định bảo hiểm y tế và phần mềm tiếp nhận và quản lý hồ sơ để tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc; đã triển khai thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Quảng Bình và Hà Nội.