Ngành bảo hiểm xã hội “nước rút về đích” năm 2022 |
Những nỗ lực không ngừng
Thời gian qua, trước bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam luôn nỗ lực, quyết tâm vượt khó thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Đồng thời theo sát diễn biến thực tế, kịp thời triển khai các giải pháp linh hoạt nhằm hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động.
Những hành động trên đã khắc phục khó khăn, góp phần giúp doanh nghiệp phục hồi kinh doanh, sản xuất và ổn định đời sống của người lao động, đồng thời đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chủ động, tích cực đề xuất, tham gia phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành liên quan kịp thời trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Được biết, một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động cụ thể như: Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 về tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15.
Điều đáng nói, việc triển khai các gói hỗ trợ này trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tạo áp lực lớn về khối lượng công việc, tiến độ triển khai với ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Các áp lực cụ thể như việc chuẩn bị nguồn lực, xây dựng quy trình triển khai, sửa đổi phần mềm nghiệp vụ, đến công tác tuyên truyền để người lao động, người sử dụng lao động nắm bắt được các thông tin và phương thức tiếp cận với các gói hỗ trợ một cách chủ động và kịp thời...
Mặc dù gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn nỗ lực triển khai các gói hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả đến người lao động và doanh nghiệp.
Với vai trò là người lãnh đạo của ngành, Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã khẩn trương chỉ đạo toàn ngành chuẩn bị đầy đủ mọi nguồn lực để tổ chức hiệu quả các gói hỗ trợ đúng kế hoạch đề ra.
Theo đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tập trung huy động mọi nguồn lực sẵn có, phát huy lợi thế của hệ thống dữ liệu công nghệ thông tin và mã định danh của từng người tham gia, rút gọn tối đa các công đoạn, thủ tục và thời gian triển khai các gói hỗ trợ đến người lao động và người sử dụng lao động.
Công tác tuyên truyền cũng được chú trọng hơn để người lao động, chủ doanh nghiệp nắm bắt được chính sách nhanh nhất, đầy đủ nhất. Đặc biệt nêu cao vai trò, trách nhiệm nòng cốt của bảo hiểm xã hội các địa phương để số tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến với người lao động, người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, bám sát tình hình thực tiễn triển khai các gói hỗ trợ, kịp thời nắm bắt các khó khăn vướng mắc để phối hợp với các Bộ ngành liên quan có các giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh kiểm tra công tác thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động tại một doanh nghiệp |
Hỗ trợ hơn 47,2 nghìn tỷ đồng đến người lao động và doanh nghiệp
Từ những nỗ lực trên, tính đến hết tháng 9/2022, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ và giảm mức đóng từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và chủ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với tổng chi phí trên 47,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,3% trên tổng các gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ (87.000 tỷ đồng).
Theo ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan này đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định tại các Nghị quyết số: 42/NQ-CP, 154/NQ-CP, 68/NQ-CP của Chính phủ đối cho 2.501 lượt đơn vị sử dụng lao động, với gần 380 nghìn lượt người lao động với số tiền trên 2.015,9 tỷ đồng.
Đơn vị cũng đã thực hiện điều chỉnh giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ cho gần 390 nghìn lượt đơn vị sử dụng lao động, với gần 11,7 triệu lượt người lao động với số tiền khoảng 4.164,1 tỷ đồng.
Tiếp đó là việc thực hiện giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ cho 346,6 nghìn lượt đơn vị sử dụng lao động, với trên 12 triệu lượt người lao động, với số tiền khoảng 9.209,3 tỷ đồng.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã kịp thời triển khai các giải pháp linh hoạt nhằm hỗ trợ người lao động và người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 |
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã thực hiện hỗ trợ kinh phí đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ cho 66 đơn vị sử dụng lao động với 8.230 người lao động, với số tiền gần 38,87 tỷ đồng.
Đặc biệt là việc thực hiện chi hỗ trợ trực tiếp bằng tiền từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho trên 13,3 triệu lượt người lao động, với số tiền 31.836 tỷ đồng.
Có thể thấy, đối tượng người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chi trả 31.836 tỷ đồng trực tiếp bằng tiền từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho trên 13,3 triệu lượt người lao động. Bên cạnh đó còn thực hiện điều chỉnh giảm mức đóng vào các quỹ hưu trí và tử tuất, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp và hỗ trợ đào tạo học nghề với tổng số tiền 15.428,2 tỷ đồng cho trên 739 nghìn lượt đơn vị sử dụng lao động.
Qua những kết quả trên, có thể thấy sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc hỗ trợ kịp thời, trực tiếp, thiết thực đối với người lao động và người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để vượt qua những khó khăn bởi đại dịch Covid-19.
Qua đó, cũng khẳng định vai trò chủ động, tích cực của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong công tác tham mưu, đồng hành cùng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương kịp thời đưa ra các đề xuất, giải pháp hỗ trợ kịp thời người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 khắc phục khó khăn, đảm bảo cuộc sống, phục hồi sản xuất, kinh doanh.