Tại sao giá dầu thế giới không cao hơn mặc dù nguồn cung thắt chặt? Giá dầu thế giới leo thang là phép thử cho nền kinh tế cuối năm 2023 |
Ngày 30/10, trong báo cáo triển vọng thị trường hàng hóa, đánh giá lớn đầu tiên về rủi ro kinh tế của việc leo thang chiến tranh ngoài biên giới Gaza, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo giá dầu thế giới có thể tăng vọt lên mức cao kỷ lục hơn 150 USD/thùng nếu cuộc xung đột giữa Israel và Hamas dẫn tới sự lặp lại cuộc xung đột toàn diện ở Trung Đông từng diễn ra 50 năm trước.
Một kịch bản “gián đoạn lớn” có thể so sánh với kịch bản tẩy chay dầu mỏ của người Ả rập ở phương Tây năm 1973 sẽ tạo ra tình trạng thiếu nguồn cung dẫn đến giá một thùng dầu tăng từ khoảng 90 USD lên khoảng 140 USD đến 157 USD. Kỷ lục trước đó chưa được điều chỉnh theo lạm phát là 147 USD/thùng vào năm 2008.
Indermit Gill, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, cho biết: Cuộc xung đột mới nhất ở Trung Đông xảy ra ngay sau cú sốc lớn nhất đối với thị trường hàng hóa kể từ những năm 1970 khi diễn ra cuộc xung đột quân sự của Nga với Ukraine. Điều đó đã gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu và kéo dài cho đến ngày nay.
WB cho rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải cảnh giác. Nếu xung đột leo thang, nền kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt với cú sốc năng lượng kép lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ - không chỉ từ cuộc chiến ở Ukraine mà còn từ Trung Đông. Cú sốc đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ không chỉ giới hạn ở chi phí năng lượng mà còn dẫn đến hàng trăm triệu người bị đói do giá lương thực tăng cao.
Theo đó, WB cho biết cuộc xung đột Israel-Hamas cho đến nay ít ảnh hưởng đến giá hàng hóa. Giá dầu đã tăng khoảng 6%, nhưng hàng nông sản, kim loại công nghiệp và các hàng hóa khác “hầu như không tăng”. Theo dự báo cơ bản của WB, giá dầu sẽ đạt mức trung bình 90 USD/thùng trong quý hiện tại trước khi giảm xuống mức trung bình 81 USD/thùng vào năm tới do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Nhưng WB cũng vạch ra ba kịch bản thay thế cho giá dầu:
Kịch bản “gián đoạn nhỏ”, trong đó nguồn cung dầu toàn cầu sẽ giảm từ 500.000 đến 2 triệu thùng/ngày - gần tương đương với mức giảm trong cuộc nội chiến ở Libya năm 2011. Giá dầu sẽ tăng lên khoảng từ 93 USD đến 102 USD một thùng.
Kịch bản “gián đoạn trung bình” – gần tương đương với cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 – nơi nguồn cung dầu toàn cầu sẽ giảm từ 3 đến 5 triệu thùng mỗi ngày. Giá dầu ban đầu sẽ tăng từ 21% đến 35%, đưa giá lên mức từ 109 đến 121 USD một thùng.
Một kịch bản “gián đoạn lớn” - có thể so sánh với hành động được thực hiện trong cuộc chiến tranh Yom Kippur năm 1973 - trong đó nguồn cung dầu toàn cầu sẽ giảm từ 6 triệu đến 8 triệu thùng mỗi ngày, dẫn đến giá tăng từ 56% đến 75% tương đương 140 USD và 157 USD một thùng.