Giá dầu thô giằng co trước thông tin trái chiều về nguồn cung tại Mỹ Vì sao giá dầu thô thế giới tăng mạnh? |
Căng thẳng về nguồn cung một lần nữa đẩy giá dầu tăng mạnh. Bối cảnh này đặt các nhà điều hành chính sách và doanh nghiệp phải đồng hành cùng nhau vượt qua khó khăn trong những tháng cuối năm.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết giá dầu thô thế giới đã quay trở lại mức cao nhất trong vòng gần 10 tháng qua. Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/9, giá dầu thô WTI tăng 0,98% lên 87,54 USD/thùng, ghi nhận chuỗi tăng 9 phiên liên tiếp. Giá dầu thô Brent cũng kéo dài đà tăng sang phiên thứ 7 liên tiếp, chốt phiên ở mức 90,6 USD/thùng.
Đà tăng của giá dầu trong giai đoạn từ cuối tháng 6 tới nay cũng là đợt tăng mạnh nhất kể từ thời điểm cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra. Giá dầu thô đã phục hồi 30% từ mức đáy đã thiết lập vào tháng 7. Yếu tố thúc đẩy đà tăng này chính là tâm lý lo lắng về nguồn cung, khi các nước sản xuất lớn đều có kế hoạch cắt giảm sản lượng.
Diễn biến giá dầu thô thế giới |
Toàn cảnh bức tranh cung cầu
Tình trạng căng thẳng nguồn cung dầu tiếp tục kéo dài sau khi Saudi Arabia và Nga tuyên bố gia hạn thời gian cắt giảm nguồn cung dầu thêm 3 tháng nữa. Cơ quan báo chí nhà nước Saudi Arabia công bố, quốc gia này sẽ giảm tiếp sản lượng 1 triệu thùng mỗi ngày cho đến tháng 12. Động thái kể trên có thể khiến sản lượng giảm về mức khoảng 9 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021.
Cùng chung chiến lược, Nga cũng có kế hoạch gia hạn cắt giảm khối lượng dầu xuất khẩu 300.000 thùng/ngày cho đến cuối năm. Trước đó, Nga tuyên bố giảm 500.000 thùng dầu/ngày cung cấp ra thị trường thế giới trong tháng 8, tương đương 5% sản lượng và 300.000 thùng/ngày trong tháng 9. Đồng thời, Nga cũng đang tiến hành giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày so với tháng 2 trong một cam kết chung đối với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), kéo dài đến cuối năm 2024.
Trong báo cáo tháng 8, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo nguồn cung dầu thế giới đang đà sụt giảm. Cụ thể, tính đến hết tháng 7, dự trữ dầu của các thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã giảm 3 tháng liên tiếp, và thấp hơn khoảng 100 triệu thùng so với mức trung bình 5 năm. Điều này đồng nghĩa với việc cán cân cung cầu của thị trường càng có nguy cơ mất cân bằng sau đợt cắt giảm của Saudi Arabia và Nga mới đây.
Trái lại với xu hướng thu hẹp của nguồn cung dầu, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ước tính nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới sẽ tăng lên mức kỷ lục 103,21 triệu thùng trong quý IV năm nay. IEA cũng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày lên 102,2 triệu thùng/ngày trong năm 2023.
Nhu cầu tiêu thụ dầu 2023 |
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết: “Mặc dù thị trường kỳ vọng cả Saudi Arabia và Nga sẽ duy trì việc cắt giảm tự nguyện sang tháng 10. Tuy nhiên, việc kéo dài động thái này cho tới cuối năm nay đã gây bất ngờ cho thị trường và là nguyên nhân khiến giá dầu tăng vọt trong tuần này”.
Giải pháp nào để doanh nghiệp xăng dầu vượt qua biến động và thách thức?
Nguy cơ giá dầu tiếp tục leo thang sẽ tăng áp lực lạm phát, buộc các Ngân hàng Trung ương trên thế giới phải duy trì các chính sách tiền tệ thắt chặt như hiện nay. Điều này cũng sẽ gây sức ép lên tỷ giá VND trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Tỷ giá tăng sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, nhập khẩu dầu thô và xăng dầu các loại của Việt Nam trong tháng 7 đạt 2,04 triệu tấn, mức cao thứ ba từ đầu năm tới nay, chỉ sau tháng 1 và tháng 5. Trái lại, số liệu xuất khẩu có xu hướng ổn định hơn, dưới ngưỡng 500.000 tấn trong tháng 6 và tháng 7.
Xuất nhập khẩu xăng dầu Việt Nam |
Với quốc gia nhập siêu xăng dầu như Việt Nam, hoạt động điều hành giá sẽ chịu sức ép kép từ giá dầu thô thế giới và tỷ giá. Trong kỳ điều hành giá vào ngày 5/9 vừa qua, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã tiến hành điều chỉnh tăng giá bán lẻ một số loại xăng dầu. Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng 140 đồng/lít, lên 23.470 đồng/lít, xăng RON 95 bán lẻ tăng 270 đồng/lít, lên 24.870 đồng/lít. Giá bán lẻ dầu diesel tăng 290 đồng/lít, lên 22.640 đồng/lít.
Tổng cục Thống kê (GSO) mới đây cũng cho biết giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới là 1 trong 3 nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,88% so với tháng trước. Trong đó, chỉ số giá nhóm giao thông trong tháng này tăng 3,85% làm CPI chung tăng 0,37 điểm phần trăm. Chỉ số này tăng chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước khiến giá xăng tăng 9,85% so với tháng 7. Đặc biệt, giá dịch vụ tất cả các loại hình giao thông công cộng bằng hàng không, đường sắt, đường bộ... trong tháng này đều tăng. Lạm phát cơ bản tháng 8 tăng 0,32% so với tháng trước, tăng 4,02% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường hàng hóa và tài chính quốc tế đang đầy biến động. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động tìm ra các giải pháp tốt nhất giải bài toán chi phí đầu vào vì không thể đẩy toàn bộ áp lực này sang phía người tiêu dùng. Với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ngay cả khi nhu cầu tiêu thụ tăng trưởng thì biên lợi nhuận của ngành sẽ vẫn bị thu hẹp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có phương án quản trị chi phí một cách hiệu quả hơn, bao gồm cả phương án phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Để không bị rơi vào thế bị động, các doanh nghiệp cũng cần bám sát diễn biến thị trường dầu thô thế giới để có phương án gia tăng dự trữ, bảo đảm nguồn cung.
Trong bối cảnh chung nền kinh tế thế giới đang giảm tốc, các chính sách tài khóa và chỉ đạo điều hành vĩ mô của Chính phủ đang đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam vượt khó. Trong đó, giữa tháng 7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của quy hoạch là phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia bao gồm dự trữ chiến lược, đảm bảo dự trữ, sức chứa dự trữ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và khí nguyên liệu cho các ngành năng lượng và công nghiệp.
Trước đó, tại cuộc họp Hội đồng thẩm định dự thảo Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia là "xương sống" bảo đảm lưu thông năng lượng. Do đó, bản quy hoạch sẽ giải quyết các bài toán về dự báo nhu cầu thị trường, tương thích với quy hoạch đất đai, năng lượng, môi trường và đô thị.
Tuy còn nhiều thách thức trong những tháng cuối năm, nhưng với sự đồng hành của Chính phủ, các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp ngành xăng dầu sẽ tự tin hơn trước những sóng gió biến động của thị trường trong thời gian tới.