Cùng chung tay để sớm thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam Kon Tum: Yêu cầu tăng cường công tác bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh Phát triển sâm Lai Châu để thay đổi cuộc sống bà con vùng cao |
Sáng 8/9, báo Nông thôn Ngày nay tổ chức Tọa đàm “Giải pháp ngăn chặn và xử lý sâm nhập lậu, bảo vệ người trồng sâm Việt Nam”. Tọa đàm với sự tham gia của nhiều nhà quản lý, chuyên gia, nông dân trong cả nước.
Hàng thật và hàng giả, chênh lệch giá đến gần trăm lần
Thông tin tại tọa đàm cho thấy, thời gian qua, trên thị trường xuất hiện những thương nhân buôn bán "sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu" với mức giá rẻ hơn sâm chính gốc vài chục lần. Giá sâm Ngọc Linh chính gốc loại 1 lên đến hơn 300 triệu đồng/kg, sâm Lai Châu cũng có giá trên 120 triệu đồng/kg. Còn trên thị trường trôi nổi, loại sâm mạo danh sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu có mức giá chỉ vài triệu đồng/kg.
Cơ quan chức năng đã nhiều lần phát hiện tình trạng nhập lậu sâm không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc về Việt Nam, trà trộn rồi mạo danh sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu.
Đáng chú ý, xuất hiện những đầu mối ngay tại Lào Cai, Lai Châu nhập lậu sâm từ Trung Quốc về để trà trộn, mạo danh thành sâm Việt Nam. Khi kiểm nghiệm sâm của Trung Quốc, có những mẫu phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gấp nhiều lần cho phép. Trong đó, có cả hoạt chất bảo vệ thực vật đã cấm ở Việt Nam.
Việc này không chỉ ảnh hưởng tới sức khoẻ, ảnh hưởng tới thương hiệu mà những người trồng sâm ở Việt Nam, đặc biệt là nông dân, doanh nghiệp đã đầu tư nhiều tiền của vào lĩnh vực này có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề từ sâm lậu, thậm chí có thể dẫn tới phá sản. Thực trạng đó đòi hỏi phải có các giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn và xử lý sâm nhập lậu từ Trung Quốc.
Tại buổi tọa đàm, các nhà quản lý, chuyên gia và người nông dân trồng sâm đã cùng trao đổi, bàn bạc về thực trạng trồng sâm, những vướng mắc, khó khăn trong phát triển loại sản phẩm đặc thù này. Đặc biệt, cùng bàn các giải pháp để ngăn chặn, xử lý sâm nhập lậu, bảo vệ được người trồng sâm, người tiêu dùng Việt Nam.
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Trọng Lịch - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu - chia sẻ, Lai Châu là tỉnh có điều kiện phát triển sâm - một loại dược liệu quý. Đến nay, Thủ tướng đã ban hành Quyết định về phát triển sâm Việt Nam, trong đó có sâm Lai Châu. Trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện nay có 35ha sâm với sự tham gia của 22 doanh nghiệp, hợp tác xã và trên 200 hộ gia đình.
“Tỉnh Lai Châu mới chỉ phát triển với diện tích nhỏ, đang tập trung phát triển trồng, nhân giống sâm. Tuy nhiên sản lượng khai thác chưa đáng kể, vẫn tập trung vào một số sản phẩm đơn giản như: Sâm ngâm rượu, sâm ngâm mật ong...”, ông Nguyễn Trọng Lịch cho hay.
Nói về công tác phòng chống hàng lậu, hàng giả đối với mặt hàng sâm trên địa bàn, Thượng tá Phùng Ngọc Trường - Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) - Công an tỉnh Lai Châu - cho biết, những năm gần đây chúng tôi đã phát hiện và xử lý 18 vụ việc, trong đó khởi tố 5 vụ án để xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Từ công tác đấu tranh quyết liệt, đâu đó các đối tượng đã co cụm lại, đặc biệt các đối tượng buôn bán trên mạng xã hội đã hạn chế rất nhiều.
Sau khi lực lượng chức năng vào cuộc xử lý, các đối tượng chuyển sang nhập hàng lậu với số lượng nhỏ, lợi dụng đêm tối, đường sá miền núi đi lại khó khăn để gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
“Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì công tác tuyên truyền, nhận diện sâm Ngọc Linh và Lai Châu là hết sức quan trọng, bởi không có sâm nào giá vài triệu đồng một kg”, Thượng tá Phùng Ngọc Trường nhấn mạnh.
Ngăn chặn và xử lý sâm nhập lậu, vẫn là bài toán rất khó
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, với vai trò là một trong những lực lượng trong công tác phòng chống sâm giả, từ năm 2018, chúng tôi đã tiến hành nắm bắt, giám sát các mặt hàng nội địa. 8 tháng đầu năm nay đã có hơn 4.400 vụ việc về mặt hàng sâm được xử lý.
“Lực lượng Quản lý thị trường hiện gặp rất nhiều khó khăn, chúng tôi không chỉ phát hiện nhiều cửa hàng bán sâm, củ, mà còn phát hiện thêm nhiều sản phẩm bánh, kẹo, mỹ phẩm, dược phẩm mạo danh nguồn gốc sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu", ông Nguyễn Đức Lê chia sẻ và cho biết thêm, để xử lý được vấn đề này đòi hỏi khâu giám định vô cùng phức tạp. Bởi bản chất sâm Trung Quốc chuyển về có nguồn gen giống sâm Việt Nam, chỉ khác ở quy trình. Bên Trung Quốc thường sử dụng thuốc, chất kích thích để sâm phát triển nhanh, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Nói về những khó khăn trong công tác chống sâm nhập lậu, Đại tá Đỗ Đình Cường - Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu cho hay, hiện nay phía Trung Quốc đã rào 105km đường biên giới, còn hơn 60km chưa tiến hành rào. Tuy nhiên với 105km biên giới có hơn 30km cây số đường biên giới là sông, suối.
Vì vậy, các đối tượng buôn lậu sâm thường lợi dụng điều này để kết nối với các chủ buôn Trung Quốc, thống nhất về mặt giá cả, vận chuyển, bỏ sâm Trung Quốc vào thùng rồi thả trôi ở sông khu vực biên giới. Một số đối tượng bên Việt Nam sẽ đón nhận, do đó gây nhiều khó khăn.
Việc buôn lậu sâm diễn ra từ năm 2021, lực lượng Biên phòng đã tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, tiến hành khởi tố 2 đối tượng và thu 172,9km sâm, định giá 246 triệu đồng.
Các vụ việc bắt được hàng thả trôi sông, khi đối tượng phát hiện sẽ không nhận, tạo thành hàng vô chủ. Khi đó, lực lượng Biên phòng phối hợp với một số cơ quan khác tiến hành tiêu hủy. Trong quá trình bắt các đối tượng, về hình sự có một khó khăn rất lớn chính là giám định hàm lượng có trong sâm.
“Thực ra, sâm Trung Quốc nhập về là sâm Lai Châu đã được người dân Trung Quốc thu mua từ trước đó về và lai tạo giống, nên khi đưa đi giám định rất khó phát hiện để xử lý", Đại tá Đỗ Đình Cường cho biết.
Trong bối cảnh này, ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông - cho rằng, để quản lý tốt được sâm Ngọc Linh, bảo vệ được thương hiệu sâm Việt Nam, đòi hòi các cơ quan phải làm việc quyết liệt hơn nữa.
Bên cạnh đó, in ấn cách phân biệt các loại sâm để người dân nhận diện rõ hơn. Tiếp đến là yêu cầu các bộ ngành vào cuộc quyết liệt đối với các cá nhân, tổ chức nhập lậu sâm Việt Nam. Nếu doanh nghiệp chế biến thì phải chứng minh được hóa đơn, từ đó có thể truy ra để đấu tranh, chống việc mua bán sâm giả trên thị trường.
Ngoài ra, ông Nguyễn Trung Mạnh đề nghị các bộ ngành vào cuộc quản lý chặt chẽ hơn, tổ chức soạn thảo in ấn tài liệu để người tiêu dùng phân biệt rõ.
"Mới đây, lực lượng Quản lý thị trường đã tổ chức trưng bày nhận diện sâm Ngọc Linh ở Hà Nội, đem lại hiệu quả rất tốt", ông Võ Trung Mạnh dẫn chứng.
Cùng với đó là cần nghiên cứu nuôi cấy mô, sản xuất hàng loạt nâng cao năng suất. Việc xử lý doanh nghiệp, cá nhân trà trộn sâm ngoại lai vào Việt Nam không khó khi chúng ta kiểm soát, yêu cầu đầy đủ hóa đơn chứng từ của sản phẩm.
Trước đó, ngày 1/6/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định 611/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Mục tiêu chung của chương trình là xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược và chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Hiện có hai vùng trồng sâm có giá trị tại Việt Nam là vùng sâm Ngọc Linh trồng tại Quảng Nam, Kon Tum và vùng trồng sâm Lai Châu tại tỉnh Lai Châu. Trong đó, sâm Ngọc Linh - loại sâm đặc hữu ở Quảng Nam và Kon Tum với hàm lượng saponin vượt trội các loại sâm nổi tiếng trên thế giới.