3 năm gần đây, Phú Yên không còn tình trạng tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Kết quả này có được là do nỗ lực nâng cao nhận thức cho các thuyền trưởng về vùng khai thác. Theo đó, ngoài việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho hơn 500 tàu cá, Bộ đội biên phòng Phú Yên còn tuyên truyền, vận động chủ tàu và thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Đến nay, trên địa bàn đã có hơn 1.000 thuyền trưởng và chủ tàu có tàu khai thác ở vùng khơi và vùng lỏng ký các bản cam kết. Từ những bản cam kết này, ngư dân cũng ý thức hơn trong các chuyến ra khơi và góp một phần đáng kể ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Đảm bảo nguồn gốc thủy sản sau khai thác là yêu cầu cấp thiết |
Phú Yên là một trong những địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm nhanh chóng tháo gỡ "thẻ vàng" IUU. Tuy nhiên, những nỗ lực này của địa phương này sẽ bị ảnh hưởng nếu các địa phương khác vẫn có tình trạng tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài.
Nhìn chung, Ủy ban châu Âu (EC) ghi nhận, đánh giá cao cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai thực hiện chống khai thác IUU. Tuy nhiên, một số công tác vẫn còn chậm, chưa có sự chuyển biến rõ nét, đặc biệt là tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài có giảm, nhưng chưa vững chắc và diễn biến phức tạp. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do công tác phối hợp giữa các ban, bộ, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển chưa chặt chẽ trong trao đổi thông tin, phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa sớm, điều tra, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm.
Để kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm các quy định về chống khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài, góp phần tháo gỡ "thẻ vàng" của EC, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 17/CT-TTg.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển tập trung chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện nghiêm công tác phối hợp, trao đổi thông tin, phát hiện, phòng ngừa sớm, điều tra, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm.
Trong đó, thủ trưởng các ban, bộ, ngành liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai, thực hiện tiếp nhận, xử lý các thông tin nhận được, theo đúng chức năng, thẩm quyền và theo Chỉ thị này, đảm bảo thông tin được trao đổi liên tục, an toàn, bảo mật. Đồng thời, thông báo kết quả xử lý thông tin cho bên cung cấp thông tin và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý đầy đủ, kịp thời các thông tin nhận được.
Việc trao đổi, tiếp nhận, xử lý thông tin phải đúng với nhiệm vụ được giao của các đơn vị và phải bảo đảm thông suốt 24/24 giờ trong ngày, bằng các phương thức phù hợp theo quy định của pháp luật. |