Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con hiểu rõ tác hại của ma túy |
Ma túy - “con ma ăn người”
Đi từ trung tâm xã Na Loi cho đến thôn, bản nào trong xã, cũng thấy khẩu hiệu, biểu ngữ phòng chống ma tuý - thứ mà bà con dân bản ở đây vẫn hay gọi là “con ma ăn người”. Ông Vi Văn Khuôn - Chủ tịch UBND xã Na Loi cho biết, xã có hơn 95% dân số là người Thái và Khơ Mú, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới vẫn còn hơn 68%. Hiện mới có bản trung tâm có điện lưới quốc gia, các bản khác chưa có điện và đường đi đến các bản đều rất khó khăn. “Đói nghèo còn vượt khó vươn lên được, chứ dính vào “con ma ăn người” này chỉ có khổ thôi. Không những làm khổ mình mà còn vạ lây cho gia đình, người thân. Làng bản cũng không được yên ổn” - ông Khuôn cho hay. Theo thống kê của công an, xã Na Loi hiện có 5 đối tượng nằm trong danh sách nghiện, nhưng không có đối tượng nào thừa nhận mình bị nghiện. “Ở đây họ có dùng ma tuý cũng chỉ nói là hút chơi thôi, chẳng ai nhận mình là nghiện đâu. Nhiều năm liền chúng tôi đi vận động, thuyết phục cai nghiện nhưng chẳng đối tượng nào chịu đi, cứ thấy cán bộ đến nhà là lại trốn biệt” - ông Khuôn chia sẻ.
Được biết, cả 5 đối tượng nghiện đều thuộc về bản Piêng Lâu. Bản có 88 hộ dân, 100% là người Thái. Trong đó có 65 hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo, có 7 hộ thoát nghèo vì là cán bộ xã, bản. Ở đây năm nào cũng có tới mấy chục hộ nhận gạo cứu đói của Chính phủ. Con em hầu hết chỉ học tới lớp 9 là nghỉ đi làm công nhân hay làm nương phụ giúp bố mẹ. Trưởng bản Piêng Lâu - Lừ Văn Di cho hay: Trước đây, ở bản chẳng có người nào nghiện ma tuý cả. Đến năm 1996, có anh Lường Văn Phăn theo vợ chuyển từ bản khác về. Biết Phăn nghiện ma tuý, cả bản không cho về đây sinh sống nhưng do bố vợ là người uy tín trong bản đứng ra bảo lãnh, Phăn mới được ở lại bản. Hỏi thì Phăn cũng bảo chỉ “hút chơi” chứ không phải nghiện. Giờ thì đã có thêm 4 thanh niên khác trong bản bị rủ rê nghiện theo. Năm 2014, Phăn bị bắt vào tù vì tội tàng trữ và sử dụng ma tuý. Ra tù, Phăn lại tiếp tục ngựa quen đường cũ, cán bộ xã và trưởng bản đến nhà vận động cai nghiện, Phăn cũng trốn mất.
Trong căn nhà nhỏ tồi tàn, chỉ có vài vật dụng cơ bản là quần áo, nồi niêu, chăn màn, chị Lường Thị Són - vợ Lường Văn Phăn ngao ngán: “Không biết chồng làm gì đâu. Nhưng nuôi được con lợn, con gà lớn lớn tí là bị chồng mang đi bán. 5 mẹ con, cả nhà chỉ ăn cơm trắng với măng muối quanh năm suốt tháng thôi. Nhiều khi còn chả có gạo mà ăn. Đứa đầu mới học hết lớp 9 cũng phải nghỉ học, đi làm công nhân kiếm tiền nuôi cả gia đình”.
Bản cam kết không hút thuốc phiện của một hộ trong bản |
Cắt chế độ hộ nghèo với gia đình có người nghiện
Năm 2010, với quyết tâm ngăn chặn không tệ nạn nghiện ma tuý lây lan, bản Piêng Lâu đã cùng nhau thống nhất trong hương ước, những hộ nào có người nghiện ma tuý sẽ phải ra khỏi diện nghèo của bản, cắt các khoản chính sách hỗ trợ của nhà nước. Hộ nào nghiện tức là vi phạm quy ước, chiếu theo sẽ bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng. Tất cả các hộ gia đình trong bản đều hưởng ứng nội dung này và kí vào bản cam kết. Hương ước quy định như thế và được bản nghiêm túc thực hiện nên cuộc sống các hộ gia đình có người nghiện trong bản càng thêm chật vật. Gia đình Lương Văn Xiềng, thuộc hộ nghèo, nhưng vì nghiện nên cả bản biểu quyết đồng ý cắt xuống thành hộ cận nghèo. Chị Lương Thị Si - vợ anh Xiềng buồn bã nói: “Bản đã quyết định như thế, mình cũng phải tuân theo. Nhưng đã nghèo thế rồi, còn cắt các hỗ trợ nữa nên gia đình càng vất vả. Chỉ biết cố làm thêm cái này, cái nọ để nuôi con thôi”.
Theo ông Vi Văn Khuôn, xã Na Loi có 6 bản, 6 bản đều làm quy ước trình lên UBND xã công nhận. Nhờ có quy ước như vậy, các gia đình trong xã đã có ý thức tốt hơn trong việc răn đe, cảnh tỉnh con cháu không sa vào vòng vây của “con ma ăn người”.