Kỳ 1: Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên con người huyền thoại viết nên con đường huyền thoại Quảng Bình tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên |
Ngắm nhìn những hiện vật, tài liệu từng gắn với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được trưng bày tại Triển lãm "Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên-Dấu ấn con đường huyền thoại” đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội), Đại tá Đậu Xuân Tường, nguyên Trưởng phòng Chính sách của Binh đoàn 12 không giấu được xúc động.
Người cựu chiến binh Bộ đội Trường Sơn kể: “Khi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh Bộ tư lệnh Trường Sơn, tôi là Trung sĩ của Binh trạm 32. Ngày ấy, Binh trạm 32 là “Binh trạm vạn tấn” nên bác Đồng Sỹ Nguyên thường xuyên có mặt kiểm tra, đôn đốc. Bác thường xuống tận tiểu đoàn xe để động viên anh em. Bác là người cao to, thông minh, quyết đoán nhưng rất gần gũi với anh em chiến sĩ và đặc biệt, bác luôn có tinh thần lạc quan. Tinh thần ấy lan sang anh em chiến sĩ và thôi thúc chúng tôi không ngừng nỗ lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Đại tá Đậu Xuân Tường ngắm nhìn những hiện vật gắn với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên |
Triển lãm giới thiệu gần 200 hình ảnh, tài liệu và hiện vật tiêu biểu phản ánh những công lao, đóng góp to lớn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Triển lãm được chia thành 4 phần, gồm: Quê hương, tuổi thơ và lý tưởng hoạt động cách mạng; dấu ấn Trường Sơn; dấu ấn những công trình; trọn nghĩa vẹn tình. Trong đó, có nhiều hiện vật, tài liệu gắn với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên lần đầu được giới thiệu tới công chúng, như: Ống nhòm, máy điện thoại Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã sử dụng để theo dõi, liên lạc tới chỉ huy, nắm bắt tình hình, diễn biến, kịp thời chỉ đạo các lực lượng chiến đấu trên tuyến vận tải chi viện chiến lược Trường Sơn, năm 1966-1975; nhóm hiện vật mũ, găng tay sử dụng trong Lễ khởi công xây dựng Đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 do Bộ Quốc phòng tổ chức năm 2000, tại Quảng Bình... Theo Đại tá Đậu Xuân Tường, qua triển lãm, công chúng đã hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của một vị tướng tài ba nhưng rất gần gũi với cơ sở và thương anh em chiến sĩ.
Xúc động khi ngắm nhìn những hiện vật quen thuộc, ông Nguyễn Thế Bắc, con trai của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên khẽ lau nước mắt, chậm rãi nói: “Triển lãm có nhiều hiện vật gắn liền với cha tôi. Mỗi lần nhìn thấy những hiện vật này ở gia đình, chúng tôi lại càng nhớ và cảm phục cha mình. Khi nhìn những hiện vật được trưng bày tại triển lãm, tôi cảm thấy nó đặc biệt hơn rất nhiều. Trong đó, hai kỷ vật mà tôi ấn tượng sâu sắc là chiếc va ly do các đồng chí bộ đội Đoàn 559 làm bằng xác máy bay bị bắn rơi trên Trường Sơn kính tặng bố tôi. Kỷ vật thứ hai là chiếc gạt tàn thuốc lá do đồng bào nhân dân tỉnh Quảng Bình tặng cụ”.
Những hình ảnh, tư liệu, hiện vật được trưng bày tại Triển lãm “Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên-Dấu ấn con đường huyền thoại” là những tư liệu quý được sưu tầm từ nhiều năm qua, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và gia đình Trung tướng. Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Thượng tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam khẳng định: “Thông qua triển lãm này, chúng tôi muốn thế hệ trẻ tri ân, tôn vinh những dấu ấn, đóng góp to lớn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đối với đất nước và Quân đội ta. Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng, Trung tướng được giao nhiều trọng trách. Đặc biệt, trên cương vị Tư lệnh Đoàn 559-Bộ tư lệnh Trường Sơn (1967-1976), đồng chí đã có những sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức lực lượng, xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả đường Trường Sơn và lập nhiều chiến công xuất sắc”.