“Lệnh cấm sẽ áp dụng cho nhiều mặt hàng thiết yếu trên thị trường toàn cầu”, hãng tin RT dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói.
Phó Thủ tướng không nêu rõ các sản phẩm cụ thể, tuy nhiên nhiều dự đoán cho danh sách này sẽ bao gồm các kim loại, đặc biệt là uranium, niken và titan.
Theo ông, các lệnh trừng phạt với Nga có thể ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa thiết yếu trên toàn cầu.
Giới chuyên gia cho rằng, kế hoạch được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Nga đang cân nhắc các biện pháp đối phó với lệnh trừng phạt của phương Tây.
Nga có thể chặn nguồn cung các nguồn tài nguyên chiến lược cho các quốc gia mà Moscow coi là “không thân thiện”. Ảnh: Sputnik |
“Nga đang phân tích tính khả thi của các hạn chế để đảm bảo các ngành công nghiệp trong nước không bị ảnh hưởng do hạn chế nguồn cung và sẽ tiếp tục phát triển”, ông Novak cho hay.
Cũng theo Phó Thủ tướng, mặc dù Nga đang hạn chế nguồn cung một số mặt hàng, nhưng vẫn xuất khẩu nhiều sản phẩm ra thị trường thế giới và cho phép cả đối tác và các quốc gia không thân thiện tích trữ chúng.
Trước đó, các nhà đầu tư và chuyên gia thị trường đang xôn xao về chỉ thị của Tổng thống Nga gửi cho Thủ tướng Mishustin yêu cầu lập báo cáo về các biện pháp mà Nga có thể thực hiện để hạn chế xuất khẩu một số khoáng sản chiến lược nhằm ứng phó với chính sách trừng phạt của phương Tây.
Cùng với niken, titan và uranium, Tổng thống Putin ám chỉ rằng các nguồn tài nguyên khác có thể bị ảnh hưởng, đồng thời nhấn mạnh các hạn chế nên được xem xét miễn là "điều này không gây hại cho chúng ta".
Là một siêu cường về tài nguyên, Nga được ban tặng nguồn dự trữ đáng kể về hầu như tất cả các mặt hàng chính cần thiết để duy trì hoạt động của nền kinh tế hiện đại.
Nga sở hữu tới 12% trữ lượng dầu mỏ của thế giới, 32% khí đốt tự nhiên, 8% tổng trữ lượng uranium chưa khai thác và 11% trữ lượng than của hành tinh.
Bên cạnh đó, Nga còn chiếm 25% trữ lượng sắt toàn cầu, 33% niken, 15% kẽm và titan, 11% thiếc, 10% chì và rhodium, 8% crom, 7% đồng, 3% coban, 2% bô-xít và khoảng 1% gali, cộng với một lượng lớn berili, bismuth và thủy ngân. Nga cũng có khoảng 12% kali toàn cầu (được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp và hóa chất công nghiệp đến dược phẩm).
Chưa hết, nước này sở hữu lên đến 23% trữ lượng vàng của thế giới, 12% bạc, chiếm 1/5 kim loại nhóm bạch kim và tới 55% kim cương nằm dưới lòng đất Nga.
Nga cũng là quốc gia có tiềm năng dẫn đầu thế giới về sản xuất khoáng sản đất hiếm (được sử dụng trong nhiều thiết bị công nghệ cao hiện đại, hệ thống thông tin liên lạc và vũ khí tiên tiến).
Mặc dù hiện nay chỉ chiếm khoảng 2% sản lượng đất hiếm, Nga có trữ lượng lớn thứ hai, lên tới 28,7 triệu tấn và đã cam kết đầu tư lớn vào sản xuất và chế biến. Các loại đất hiếm được biết đến mà Nga sở hữu bao gồm samarium, europium, gadolinium, lanthanum, neodymium, promethium và cerium.