Ông Paul Dibb, Giáo sư danh dự về nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) chia sẻ trong bài viết được đăng tải trên Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) cho hay, Tổng thống Vladimir Putin mới đây tuyên bố ông cho phép tiến hành một cuộc tập trận quân sự liên quan đến việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở miền Nam nước Nga. Ông khẳng định “không có gì bất thường” trong cuộc tập trận như vậy.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một thông báo như vậy được đưa ra kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Cuộc tập trận này cũng liên quan đến việc chuyển giao một số vũ khí hạt nhân chiến thuật cho Belarus. Đây cũng là lần đầu tiên những đầu đạn như vậy được chuyển ra ngoài nước Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Theo Điện Kremlin, Nga đang triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật sau những gì họ cho là mối đe dọa quân sự từ phương Tây. Kể từ đó, Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ không thấy có sự thay đổi nào về tình trạng cảnh báo của các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga.
Quân đội Nga triển khai các hệ thống phóng tên lửa. Ảnh: BQP Nga |
Moscow đáp trả khi cho rằng việc Pháp “đe dọa” triển khai quân tới Ukraine và Anh cung cấp vũ khí tấn công tầm xa cho Kiev đang khuyến khích Ukraine khai thác khả năng tiếp cận Nga. Trong khi đó, Washington đang cung cấp thêm cho Ukraine các tổ hợp Patriot, vốn là những vũ khí phòng không đáng gờm, cũng như những vũ khí tấn công tầm xa có khả năng tấn công xa hơn vào lãnh thổ Nga.
Những cảnh báo thường xuyên của ông Putin và các quan chức cấp cao khác ở Nga về xung đột hạt nhân đang khiến Washington lo ngại. Điều đáng lo ngại là nhà lãnh đạo Nga đang ngày càng tăng cường đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.
Trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào tháng 3/2024, ông Putin cho biết ông sẽ không ngần ngại sử dụng tên lửa hạt nhân nếu có những mối đe dọa đối với sự tồn tại của nước Nga cũng như chủ quyền và độc lập của nước này. Khi được hỏi khả năng tránh khỏi một cuộc đối đầu hạt nhân với phương Tây liên quan đến Ukraine, ông Putin nói rằng ông “chưa thấy cần thiết phải sử dụng vũ khí hạt nhân”.
Học thuyết hạt nhân hiện tại của Nga liệt kê 4 kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân: nếu Nga bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân; nếu Nga tin rằng tên lửa hạt nhân đang được phóng đi nhằm vào họ; nếu có bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm mục đích làm tê liệt lực lượng hạt nhân của Nga; hoặc nếu sự tồn tại của nước Nga bị đe dọa, bao gồm cả việc NATO sử dụng vũ khí thông thường.
Ông Sergei Karaganov, cựu cố vấn Điện Kremlin và hiện là Chủ tịch danh dự của Đoàn Chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga cho hay: “Các đối tác Mỹ, những người cố tình hạ thấp nguy cơ chiến tranh hạt nhân, nên biết rằng chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra”.
Cựu cố vấn Điện Kremlin cho rằng, một cuộc chiến tranh nhiệt hạch quy mô lớn “có nguy cơ xảy ra không chỉ vì tình hình ở Ukraine. Có nhiều lý do sâu sắc hơn. Về mặt lý thuyết, chúng tôi sẽ phải đe dọa một số nước châu Âu, không nhất thiết phải ở Đông Âu, bằng các cuộc tấn công hạt nhân như là phương sách cuối cùng”.
Trong khi đó, ông Graham Allison, giáo sư tại Đại học Harvard lưu ý, Nga vẫn là một siêu cường ngang tầm Liên Xô trước đây và nước này có kho vũ khí hạt nhân “có thể xóa sổ Mỹ khỏi bản đồ theo đúng nghĩa đen”. Tuy vậy, ông cũng dẫn lời Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan khi đáp lại những lời đe dọa hạt nhân của ông Putin: “Chúng tôi đã liên lạc ở cả phương diện trực tiếp, riêng tư và ở cấp rất cao với Điện Kremlin rằng bất kỳ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào cũng sẽ gây ra hậu quả thảm khốc cho Nga”.
Ông Allison nhận định, mặc dù về cơ bản, Mỹ đang dần loại bỏ vũ khí hạt nhân chiến thuật kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, song các kế hoạch phòng thủ của Nga đã biến chúng thành trụ cột chính.
Ngoài ra, ông Walter Russell Mead, cây bút nổi tiếng của tờ Wall Street Journal cho biết, ông Putin đã tuyên bố cuộc xung đột ở Ukraine là cuộc chiến vì sự sống còn của nước Nga và điều này làm dấy lên nguy cơ về một cuộc tấn công hạt nhân.
Theo ông, Chính quyền Tổng thống Biden “phải nhìn thế giới qua lăng kính của Tổng thống Putin”. Chỉ khi đó, các quan chức mới có thể biết những lời đe dọa hạt nhân cần được nhìn nhận nghiêm túc đến mức nào và đưa ra phản ứng thích hợp.
Chuyên gia Mỹ Richard Betts, giáo sư nghiên cứu về chiến tranh và hòa bình tại Đại học Columbia gần đây cho rằng, việc lập kế hoạch ứng phó với khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân là điều bắt buộc và “mối nguy hiểm sẽ lớn nhất nếu cuộc chiến chuyển hướng có lợi cho Ukraine”.
Ông Dmitry Stefanovich, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Quốc tế tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, chỉ ra rằng những gì đang thấy hiện nay là một thông điệp hạt nhân rõ ràng, điều chưa từng xảy ra trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Nhà phân tích này lưu ý, điều đó khẳng định một thực tế, trong trường hợp xảy ra xung đột cường độ cao chống lại một đối thủ vượt trội, Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược.