Nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân cao đến mức nào? |
Nếu các loại vũ khí như trên được sử dụng không chỉ gây ô nhiễm phóng xạ diện rộng, mà còn là tiền đề xấu dẫn tới xung đột leo thang không kiểm soát ra ngoài lãnh thổ Ukraine. Vậy thực tế, bom bẩn hay vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp là gì và tại sao nó lại được truyền thông Mỹ và phương Tây đề cập dày đặc trong thời gian gần đây liên quan tới cuộc xung đột Ukraine?
Khi nguồn lực quốc gia cạn kiệt, nguồn viện trợ quân sự bị cắt giảm khi mùa đông sắp đến sẽ là cơn ác mộng đối với Ukraine trong tình hình xung đột hiện tại. Ảnh: Getty |
Vũ khí hủy diệt hàng loạt hiệu suất thấp
Xét về nguyên tắc, bom bẩn chính là một loại vũ khí hạt nhân, nhưng điểm khác biệt là nó chưa đạt tới điểm “ngưỡng” để kích hoạt phản ứng phân hạch và nhiệt hạch để giải phóng nguồn năng lượng khổng lồ tương đương hàng nghìn, hàng triệu tấn thuốc nổ TNT như các loại vũ khí hạt nhân truyền thống.
Chúng đơn giản là sử dụng lõi chất nổ thông thường kết hợp với vật chất phóng xạ để khi đầu đạn phát nổ, các mảnh vật chất phóng xạ được phát tán và gây ô nhiễm phóng xạ diện rộng nguy hiểm cho mọi sinh vật sống trong phạm vi ảnh hưởng.
Theo giới chuyên gia quân sự, bom bẩn được xem như giải pháp thay thế khi nền tảng công nghệ không đủ để chế tạo được một quả bom hạt nhân thực sự. Bom bẩn thường không gây ra thương vong lớn ngay lập tức. Sức hủy diệt của nó phụ thuộc vào đồng vị phóng xạ được sử dụng, các yếu tố tự nhiên như thời tiết để phát tán, cũng như năng lực sơ tán người dân khỏi khu vực bị ô nhiễm phóng xạ do bom bẩn.
Theo tạp chí The Conversation, bom bẩn theo đúng nghĩa của nó là được sử dụng để gây ô nhiễm nặng nề một khu vực xác định và khiến nó bị bỏ hoang suốt nhiều năm. Những nạn nhân nằm trong vùng ảnh hưởng của bom bẩn sẽ bị nhiễm xạ và cần chăm sóc y tế suốt đời với các tổn thương cơ học, di truyền, không thể cứu chữa.
Trong khi đó, đầu đạn hạt nhân hiệu suất thấp là khái niệm mới do quân đội Mỹ định nghĩa dành cho các đầu đạn hạt nhân có sức công phá tương ứng dưới 100 Kilotone (tương đương 100.000 tấn thuốc nổ TNT). Về mặt nguyên tắc, đầu đạn dạng này có nhiều đặc điểm tương đồng với các loại đầu đạn hạt nhân chiến thuật vốn không bị ràng buộc bởi các hiệp định quốc tế về vũ khí tấn công chiến lược.
Đầu đạn hạt nhân hiệu suất thấp hiện được quân đội Mỹ ưu tiên phát triển thay thế cho các dòng đầu đạn hạt nhân truyền thống với công suất hàng trăm Kilotone truyền thống. Chúng được coi là hình thức lách luật của Mỹ trước các hiệp định quốc tế và vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ phía Nga.
Nguy cơ hiện hữu
Rõ ràng là cường quốc hạt nhân, Nga đủ công nghệ và vật liệu phóng xạ để chế tạo mọi vũ khí hạt nhân cần thiết và có đủ sức răn đe hoặc phủ đầu trước mọi đòn tấn công hạt nhân từ đối thủ. Thậm chí với kho vũ khí hạt nhân hiện tại, nếu chúng chỉ cần phát nổ đồng loạt trên lãnh thổ Nga, thế giới vẫn sẽ tàn lụi bởi mùa đông hạt nhân.
Dù tập trung gần như toàn bộ nguồn lực quân sự, quân đội Ukraine vẫn chưa tìm ra cách xuyên thủng các lớp phòng thủ chiều sâu của Nga tại Kherson và Donbass, thậm chí có nguy cơ sa lầy |
Trong khi đó, đối với Ukraine, với những gì còn lại từ thời hậu Liên Xô chắc chắn là không đủ để nước này có thể khởi động lại chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Điều này càng được khẳng định ngay khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, Quân đội Nga đặt ưu tiên rất cao là kiểm soát trước các nhà máy điện hạt nhân và cơ sở lưu trữ nhiên liệu hạt nhân để tránh những kịch bản xấu khi chúng được sử dụng trong việc chế tạo vũ khí.
Mặt khác, điều gì sẽ xảy ra nếu bom bẩn hay vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp được sử dụng tại chiến trường Ukraine? Đó chính là sự leo thang xung đột tới mức không thể kiểm soát và cần có các lực lượng quốc tế có mặt tại Ukraine tham gia không chế khủng hoảng tránh biến cuộc xung đột thành chiến tranh hạt nhân toàn cầu. Và những động thái gần đây của NATO và Mỹ về việc tăng hiện diện quân sự, đặc biệt là sự xuất hiện của Sư đoàn dù 101 tinh nhuệ của Mỹ tại Ba Lan.
Trong khi đó, với diễn biến chiến sự bế tắc tại Kherson và Donbass hiện tại, nguồn viện trợ quân sự có thể suy giảm trong mùa đông và hàng hoạt biến cố chính trị tại phương Tây và Mỹ có thể xảy ra sắp tới kết hợp với khó khăn nội tại, Ukraine đang có rất nhiều khó khăn ở phía trước. Ở bên phía ngược lại, Nga đang có lợi thế khi mùa đông sắp tới với việc có thêm các đơn vị tác chiến bổ sung cùng với nguồn hậu cần gần như vô hạn.
Như vậy ai sẽ có động lực hơn để sử dụng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Không phải ngẫu nhiên, trong ngày 23/10, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã điện đàm với hàng loạt người đồng cấp Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp… về nguy cơ leo thang xung đột với việc Ukraine có thể sử dụng bom bẩn hoặc vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp khi tình hình chiến sự bất lợi khi mùa đông chính thức bắt đầu ở châu Âu.