Liên quan đến vự việc ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) nghi sử dụng bằng bổ túc văn hóa cấp 3 là giả để tham dự học đại học, thạc sĩ rồi đến tiến sĩ, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, trước khi nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2001, ông Vương Tấn Việt đã tốt nghiệp đại học Ngành Tiếng Anh của Trường Đại học Hà Nội, hệ đào tạo từ xa.
Luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hừng Đông. Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hừng Đông cho hay, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bằng cấp 3 là cơ sở, là điều kiện tiên quyết để một thí sinh tham gia xét tuyển vào học đại học tại một trường đại học bất kỳ.
“Khi không có bằng cấp 3 thì không đủ điều kiện để xét tuyển vào đại học. Trong trường hợp bằng cấp 3 của ông Vương Tấn Việt được xác định là giả thì bằng đại học phải bị thu hồi. Tương tự, theo logic, một người học thạc sĩ hay tiến sĩ thì buộc phải có bằng đại học. Khi bằng đại học bị thu hồi thì đương nhiên bằng thạc sĩ, tiến sĩ cũng phải thu hồi theo”, Luật sư Nguyễn Danh Huế phân tích.
Luật sư Nguyễn Danh Huế cho rằng, một kết quả sai thì không thể có một quy trình đúng. Do đó, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Trường Đại học Hà Nội và cần xem lại quy trình đào tạo của trường này.
“Trường Đại học Hà Nội khi tiếp nhận hồ sơ thí sinh đăng ký học đại học phải tiến hành xác minh chứ không phải thí sinh nộp cái gì vào cũng nhận. Trường này có trách nhiệm xác minh nguồn gốc, bằng cấp 3 đó là thật hay giả. Thứ 2, một người không có trình độ, không có bằng cấp 3 mà lại đi học đại học, rõ ràng ở đây việc đạo tạo có vấn đề”, Luật sư Huế nhận định.
Thượng tọa Thích Chân Quang (thứ 2 từ phải sang) nhận bằng tiến sĩ luật vào tháng 4/2022 Ảnh: Cổng TTĐTGHPG Việt Nam |
Theo Luật sư Huế, trong trường hợp bằng cấp 3 của ông Vương Tấn Việt là giả thì bằng đại học chuyên ngành Tiếng Anh tại Trường Đại học Hà Nội cấp cho ông Vương Tấn Việt năm 2001 sẽ không được chấp nhận. Luật sư Huế kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thanh tra lại quá trình đào tạo dạy và học trong Trường Đại học Hà Nội.
Tuy nhiên, sau đó ông Vương Tấn Việt lại mang tấm bằng đại học này để tiếp tục theo học cử nhân Luật, tiến sĩ Luật tại Trường Đại học Luật Hà Nội, do đó cũng cần xem xét đến việc việc dạy và học tại Trường Đại học Luật Hà Nội.
“Có 2 lĩnh vực cần phải thanh tra đối với Trường Đại học Luật Hà Nội, thứ nhất là lập hội đồng độc lập để đánh giá lại chất lượng của luận án tiến sĩ xem có đạt yêu cầu hay không, nếu không đạt thì phải hủy luận án đó và phải kỷ luật những người trong hội đồng đánh giá luận án trước đó. Thứ 2, thành lập tổ thanh tra lại toàn bộ quy trình học và dạy của đối với trình độ thạc sĩ và tiến sĩ trường luật thậm chí là cả trình độ đại học để xem quy trình dạy và học như thế nào thì từ đó mới xác định được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan”, Luật sư Nguyễn Danh Huế cho biết thêm.
Trước đó, Báo Công Thương đưa tin, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đã có công văn gửi Ban Tôn giáo Chính phủ về việc xác minh văn bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa của ông Vương Tấn Việt.
Theo đó, ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên, ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh.
Ông Việt cũng không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh.