Ngày 13/8, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cho biết, ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên, ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh.
Ông Việt cũng không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, ông Vương Tấn Việt vẫn có thể học đại học rồi sau đó học tiến sĩ và được cấp bằng Tiến sĩ của Đại học Luật Hà Nội.
Thượng tọa Thích Chân Quang (thứ 2 từ phải sang) nhận bằng Tiến sĩ luật vào tháng 4/2022. Ảnh: Cổng TTĐT GHPG Việt Nam |
Liên quan đến sự việc, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hừng Đông - nhận định, trong trường hợp này, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Vương Tấn Việt.
Theo Luật sư Huế, tội danh nhìn thấy rõ ràng nhất là tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức. “Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra, để xác minh có thể người này đặt hàng (bằng cấp 3) hoặc đồng phạm, giúp sức hoặc là người chủ mưu đặt hàng để làm bằng giả”, Luật sư Huế phân tích.
Cũng theo Luật sư Huế, trường hợp bằng cấp mà ông Vương Tấn Việt sử dụng là bằng giả nhưng phôi thật, chữ ký thật thì trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ trưng cầu giám định.
“Cơ quan điều tra sẽ tiến hành giám định lại tấm bằng cấp 3 này, nếu quá trình giám định phát hiện là bằng giả nhưng phôi thật, chữ ký thật thì cơ quan điều tra có thể khởi tố những người có liên quan khác về các tội như lạm quyền, giả mạo trong công tác”, Luật sư Huế nói.