Nỗ lực hướng tới phát thải net zero vào năm 2050 Thế giới có đang đi đúng hướng để đạt Net Zero vào năm 2050? |
Giảm đáng kể cường độ phát thải carbon
Trong nghiên cứu chỉ số Net Zero năm 2023 - tổng hợp số liệu phát thải carbon năm 2022 của toàn cầu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam vừa được PwC Việt Nam công bố cho thấy: Mặc dù không có nền kinh tế nào ở châu Á - Thái Bình Dương đạt gần đến tỷ lệ khử carbon yêu cầu là 17,2% hàng năm để có thể đạt được mục tiêu 1,5°C nhưng 5 nền kinh tế, bao gồm: New Zealand, Pakistan, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam đã vượt mốc giảm phát thải carbon theo mục tiêu đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC).
Việt Nam đang nỗ lực để thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050 |
PwC Việt Nam nhận định, điểm chung giữa các nền kinh tế này đều nằm trong nhóm những quốc gia nhập khẩu ròng năng lượng và hầu hết có mức giảm về hệ số phát thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch. Pakistan là ngoại lệ khi giảm phát thải 15% do tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng giá dầu mỏ toàn cầu năm 2022, theo sau đó là các nền kinh tế như: Singapore (10,8%), New Zealand (8,5%), Việt Nam (6,5%) và Hàn Quốc (4,4%).
Việt Nam được xếp trong nhóm các nền kinh tế có sự chuyển biến chậm hoặc theo hướng tiêu cực trong quá trình giảm cường độ phát thải carbon và vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để duy trì tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cường độ phát thải carbon của nhóm này nhìn chung thấp hơn mức trung bình của các nước G7, nghĩa là việc giảm hệ số phát thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch có thể làm giảm cường độ phát thải carbon đáng kể.
Ông Abhinav Goyal - Giám đốc, Dịch vụ tư vấn dự án vốn và cơ sở hạ tầng, PwC Việt Nam - cho biết: Các mục tiêu NDC được Việt Nam cập nhật năm 2022 đã cho thấy những bước tiến đáng kể trong việc ưu tiên sự phát triển bền vững. Chính phủ đã nhấn mạnh, sử dụng năng lượng tái tạo và đưa ra những mục tiêu giảm phát thải tham vọng hơn so với các mục tiêu trước đây, qua đó phản ánh cam kết mạnh mẽ đối với việc hành động vì khí hậu.
“Mặc dù các nội dung NDC dường như đã phù hợp với tham vọng Net Zero của Việt Nam vào năm 2050, vẫn cần có nhiều hành động thiết thực hơn nữa để tăng tốc đến một tương lai đạt phát thải ròng bằng 0. Sự thay đổi này đòi hỏi có sự hợp tác hành động từ chính phủ, thông qua các chính sách mạnh mẽ và hướng dẫn chi tiết, bao gồm thúc đẩy hợp tác toàn cầu và các doanh nghiệp, thông qua hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và đầu tư xanh”, ông Abhinav Goyal nhấn mạnh.
Việt Nam đang quyết tâm cao nhất
Net Zero được hiểu là cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 nhất có thể, với lượng khí thải còn lại được tái hấp thụ từ khí quyển bởi rừng và đại dương. Tại Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (COP26) năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Net Zero cho Việt Nam vào năm 2050.
Trách nhiệm với toàn cầu và toàn dân, Việt Nam đã, đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt với nhận thức, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới để thực hiện các cam kết tại COP26.
Nổi bật là việc xây dựng các chiến lược và quy hoạch quốc gia như: Chiến lược quốc gia biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh, Quy hoạch điện VIII tiến đến năng lượng tái tạo là chủ đạo, phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp; xây dựng và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định, ban hành Kế hoạch thực hiện cơ chế đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và công bố Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai JETP; đang tiếp tục xây dựng thể chế, hoàn thiện khung pháp lý bao gồm các Luật Dầu khí, Luật Điện lực, Luật Đất đai theo hướng thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo theo cơ chế thị trường, phát triển điện sinh khối và bán tín chỉ carbon…
Tại hội thảo "Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình", diễn ra gần đây, giới chuyên gia nhận định, tăng trưởng xanh là xu hướng chi phối toàn cầu, lựa chọn ưu tiên hàng đầu của cả thế giới. Việt Nam cũng đang chịu áp lực trước xu hướng đó, đồng thời là một hướng phát triển, lựa chọn đi theo hướng này có khả năng đưa Việt Nam trở thành nước đi đầu trong khu vực.
Chuyển đổi xanh cũng sẽ giúp giảm thiểu chi phí trong tương lai và thực thi các vấn đề về môi trường, phát triển bền vững, giúp doanh nghiệp thăng hạng tín nhiệm, thu hút vốn đầu tư vào doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tái cơ cấu hoạt động sản xuất, nguồn nhân lực và năng suất lao động, các chuẩn mực quản trị điều hành. Từ đó, doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, đặc biệt các thị trường yêu cầu có chứng chỉ xanh, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, tầm nhìn xanh là sứ mệnh phải thực hiện, là sứ mệnh sống còn, đem lại lợi ích cao nhất.
Tuy nhiên, muốn đạt được Net Zero vào năm 2050, giới chuyên gia cho rằng cần sự nỗ lực không chỉ đến từ Chính phủ mà phải từ nhiều tổ chức, cá nhân trên khắp cả nước, đồng thời phải huy động được sự hỗ trợ từ quốc tế. Nói cách khác, Net Zero là một mục tiêu thách thức lớn. Song chính mục tiêu thách thức đó lại là cơ hội cho sự kết nối, huy động tâm huyết, trí tuệ, sức mạnh của những người tài trên khắp Việt Nam cùng chung tay giải bài toán lớn của đất nước. Nhìn từ góc độ này, Net Zero lại trở thành một mục tiêu truyền cảm hứng lớn.
Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu, Việt Nam đề xuất các lĩnh vực thúc đẩy hợp tác thời gian tới: Tập trung vào nghiên cứu, phát triển, đa dạng hóa nguồn năng lượng sạch và công nghệ mới, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ nhằm bảo đảm nguồn năng lượng sạch được tiếp cận rộng rãi, đáp ứng được khả năng chi trả tại khu vực châu Á; bảo đảm chuyển đổi năng lượng sạch phù hợp với điều kiện của mỗi nước.
Đồng thời, đẩy mạnh các cơ chế tài chính khí hậu mới, hợp tác công - tư và hợp tác trong khu vực tư nhân để tạo điều kiện cho các nước đang phát triển tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; tăng cường hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh và hoàn thiện thể chế thị trường hiện đại, phù hợp, hiệu quả với từng quốc gia.
Với quyết tâm cao và hành động mạnh mẽ, sự giúp đỡ tích cực, hiệu quả của các nước phát triển, một châu Á phát thải ròng bằng 0 sẽ trở thành hiện thực, mang lại sự phồn vinh cho cộng đồng các quốc gia châu Á và một tương lai bền vững trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Ông Abhinav Goyal nhấn mạnh: Bằng việc thực hiện các mục tiêu về khí hậu, thông qua sự kết hợp hiệu quả của chính sách và chiến lược giảm thiểu phát thải, Việt Nam có thể nhận được nhiều lợi ích tài chính từ việc thu hút đầu tư bền vững, tạo thêm việc làm và trở thành quốc gia tiên phong về công nghệ sạch, hướng tới một tương lai bền vững và phát thải carbon thấp. |